Những ngày cuối tháng 11-2021, người dân sinh sống nơi vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) và hồ Trị An thuộc 2 huyện Vĩnh Cửu và Định Quán khá bận bịu công việc ngày mùa, nhưng vẫn dành thời gian ra văn phòng ấp, nhà văn hóa xã nghe các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật.
Những ngày cuối tháng 11-2021, người dân sinh sống nơi vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) và hồ Trị An thuộc 2 huyện Vĩnh Cửu và Định Quán khá bận bịu công việc ngày mùa, nhưng vẫn dành thời gian ra văn phòng ấp, nhà văn hóa xã nghe các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật.
Luật sư Nguyễn Đức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản cho ngư dân tại Nhà văn hóa xã Phú Ngọc (H.Định Quán). Ảnh: Đoàn Phú |
Có mặt tại Văn phòng ấp 4, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn) xởi lởi mở lời: “Các luật sư, luật gia nói hay, thiết thực thì tôi ngồi lâu, không thì về nhà lo cơm nước cho chồng, con”.
* Chim trời, cá nước cần bảo vệ
Tục ngữ xưa có câu: “Chim trời, cá nước ai được thì ăn” nên hiểu sao cho đúng? Câu hỏi mở đầu của luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tại buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân sinh sống nơi vùng đệm Khu bảo tồn (thuộc ấp 4, xã Thanh Sơn) khiến không ít người dân tham dự lúng túng. Mọi người chưa biết trả lời sao thì bà Liên đã xung phong phát biểu. Bà Liên cho rằng, hiện nay cây rừng, thú rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, săn, bẫy trái phép nên không thể tùy tiện mà đánh bắt. Riêng về thủy sản dưới lòng hồ Trị An thì đánh bắt phải có hợp đồng, không được dùng các hình thức như: te, lợp xếp, chích điện…
Các thành viên trong đoàn tuyên truyền pháp luật (Hội Luật gia tỉnh phối hợp Khu bảo tồn) rất vui vì khi người dân sinh sống ở vùng đệm như bà Liên hiểu được điều đó, đồng nghĩa với việc rất có ý thức và chấp hành tốt việc bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản khi sống trong vùng đệm, ven lòng hồ. Do đó, ngoài việc giải thích rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, các luật gia, luật sư cũng sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến các vấn đề pháp lý mà họ quan tâm.
Thú rừng bị cấm săn bắt, nhưng thú rừng gây hại mùa màng của người dân thì giải quyết ra sao? Câu hỏi của ông Tư Lâm (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cũng là thắc mắc của nhiều người dân sinh sống tại các địa phương vùng đệm Khu bảo tồn (thuộc các xã: Mã Đà, Phú Lý, H.Vĩnh Cửu và Thanh Sơn, H.Định Quán), thường bị voi rừng phá cây trồng, nông sản.
Để giải đáp thắc mắc của người dân, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu giải thích, các vùng đệm cũng được xác định là môi trường sinh sống tự nhiên của thú và cũng là nơi sản xuất của người dân. Mặc dù, Khu bảo tồn có nhiều giải pháp hạn chế voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, nơi canh tác của người dân nhưng vẫn khó tránh khỏi xung đột. Để hài hòa mối quan hệ, người dân sinh sống nơi vùng đệm cần thực hiện các biện pháp bảo vệ mùa màng như: xua đuổi, thông báo cho Khu bảo tồn, chính quyền địa phương biết để có chính sách hỗ trợ hợp lý…
Trong các buổi tuyên truyền pháp luật của Hội Luật gia tỉnh tại vùng đệm nói trên vào các ngày 22, 23, 29 và 30-11, nhiều ngư dân ngụ ở 2 xã Phú Cường, Phú Ngọc (H.Định Quán) bày tỏ sự bức xúc trước việc vẫn còn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt như: dùng xung điện, chất nổ, ngư cụ cấm… của một bộ phận nhỏ ngư dân nơi hồ Trị An. Ngư dân hành nghề chân chính không biết phải làm sao để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sợ bị trả thù, đe dọa.
“Về hành vi này, bà con có thể phản ảnh và hỗ trợ chính quyền địa phương, Khu bảo tồn để ngăn chặn. Bởi vì, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất cần sự góp sức, hợp tác, đồng lòng của các ngư dân. Việc ngư dân cung cấp thông tin cho chính quyền, Khu bảo tồn sẽ được bảo mật, bảo vệ nên đừng e ngại” - luật sư Nguyễn Đức giải thích.
* Tư vấn vấn đề gần gũi, sát thực
Sau khi nghe các luật gia, luật sư trình bày các quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Ba Đại (ngụ xã Phú Cường) bày tỏ thắc mắc về chuyện thừa kế, hợp đồng ủy quyền, di chúc.
Ông Ba Đại (ấp Bến Nôm 1, xã Phú Cường, H.Định Quán) nghiên cứu tài liệu trước khi nhờ luật sư tư vấn chuyện riêng của gia đình. Ảnh: Đoàn Phú |
Ông Ba Đại cho biết, ông có khu vườn nhỏ ở tỉnh Bến Tre giao cho con trai lớn trông giữ. Năm rồi, vợ chồng ông muốn lấy lại mảnh vườn để bán lấy tiền chia đều cho 3 người con, nhưng bị người con trai đó ngăn cản, nói đất đó của mình. Hôm nay, nghe có chương trình tư vấn pháp luật miễn phí về xã nên ông ra Văn phòng ấp Bến Nôm 1 nhờ luật sư, luật gia tư vấn cách xử lý cho hợp tình, hợp lý.
Khi được luật sư Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) hướng dẫn rằng, mảnh vườn đó đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông, vợ chồng ông chỉ giao cho người con quản lý hộ nên ông bà lúc nào cũng được quyền lấy lại và chuyển nhượng cho người khác. Việc người con trai ngăn cản vợ chồng ông chuyển nhượng là trái pháp luật về dân sự, đất đai. Để cha con thuận thảo, ông có thể bàn với người con trai này mua lại và chỉ cần trả 2/3 giá trị khu vườn. Nghe tới đây, ông Ba Đại mới gật gù cho là có lý.
Luật sư Cao Sơn Hà bày tỏ, nông dân, ngư dân sống ở khu vùng đệm, lòng hồ Trị An chân chất, sống duy tình hơn duy lý. Do đó, việc giải quyết các mối quan hệ bằng pháp luật nhiều chỗ họ chưa rõ nên dễ thua thiệt khi phát sinh tranh chấp. Vì vậy, tại các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật họ hỏi rất nhiều vấn đề thực tế; vấn đề gì có thể tư vấn được thì trả lời ngay, không thì hẹn lại và yêu cầu họ cung cấp hồ sơ, thông tin để trả lời sau cho chính xác.
Cuối tháng 11-2021, các xã vùng đệm Khu bảo tồn, ven hồ Trị An vẫn còn mưa nặng hạt, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho người dân nhiều nơi phải tạm hoãn vì khó tập hợp dân. Tuy vậy, Hội Luật gia tỉnh, Khu bảo tồn, các địa phương vùng đệm, ven hồ Trị An ghi nhận, đợt tuyên truyền năm nay (từ ngày 22 đến 30-11) cho người dân vùng đệm, hồ Trị An thành công, hiệu quả cao. Nhiều người dân dùng tất cả các phương tiện sẵn có như: ghe, xe máy vượt sông, suối, đường rừng đến các điểm tuyên truyền và tuân thủ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để tham dự như đã thông báo.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường bày tỏ, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng khi nghe có Hội Luật gia tỉnh về tuyên truyền pháp luật, bà con vẫn chủ động tới nghe, cũng như nhờ các luật sư tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý chưa hiểu rõ. Riêng các luật sư, luật gia đã chọn vấn đề gần gũi, sát thực, phù hợp để thông tin, định hướng và có giải đáp rõ ràng nên buổi tuyên truyền khá sinh động, thu hút người nghe. Điều này giúp cho đơn vị bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản, chính quyền các cấp làm “cầu nối” cho dân trong việc giải quyết chính sách, pháp luật, giải quyết tranh chấp giữa dân với nhau được tốt, thuận lợi, thỏa đáng, hợp lòng dân hơn.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU bày tỏ, qua 2 buổi (ngày 24 và 25-11) tập huấn pháp luật về rừng, xử lý vi phạm về rừng dành riêng cho cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn và 4 buổi (các ngày 22, 23, 29 và 30-11) tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân vùng đệm, ven hồ Trị An về bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản, luôn đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh (không quá 30 người/buổi tuyên truyền). Qua đó, đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, giải đáp thắc mắc pháp luật liên quan đến những nội dung người dân, cán bộ cơ sở quan tâm. |
Đoàn Phú