Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau đại dịch Covid-19

10:12, 30/12/2021

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân mà còn khiến gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ghi nhận tại Khoa Khám tâm thần Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm người đến khám những vấn đề liên quan đến tâm lý. Đa số nằm trong độ tuổi từ 30-45.

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân mà còn khiến gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ghi nhận tại Khoa Khám tâm thần Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm người đến khám những vấn đề liên quan đến tâm lý. Đa số nằm trong độ tuổi từ 30-45.

BS Nguyễn Quang Huy, phụ trách Khoa Khám tâm thần Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, có 3 nhóm bệnh nhân đến khám bệnh sau giãn cách xã hội. Nhóm một là người từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần đã điều trị khỏi, hiện tái phát do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhóm hai là bệnh nhân mới, bị căng thẳng bởi các yếu tố kinh tế - xã hội tác động từ đại dịch như: phá sản, thất nghiệp, bế tắc trong cuộc sống... Nhóm ba có người thân là F0, hoặc bản thân là F0, chịu nhiều đau thương mất mát sau đại dịch. Đa số bệnh nhân đều bị mất ngủ và lo âu kéo dài. Hầu hết người bệnh bị hồi hộp, mạch đập nhanh, đau dạ dày, mệt mỏi về cơ thể. Đối với tinh thần, bệnh nhân rối loạn cảm xúc, trầm cảm, nặng hơn là có những người tự hủy hoại bản thân và có ý định tự tử. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn của bệnh nhân để kê đơn thuốc điều trị theo từng triệu chứng và hướng dẫn họ trị liệu.

Cũng theo BS Huy, căng thẳng tâm lý rất dễ mắc phải nhưng cũng không quá khó để khắc phục. Người mắc cố gắng cải thiện, làm những điều tốt nhất ngay khi bắt đầu cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thiếu động lực làm việc, hay lo lắng mơ hồ, mất ngủ. Tham gia các hoạt động có lợi cho người gặp vấn đề tâm lý - tâm thần hậu Covid-19: tập thể dục, yoga; tham gia các hoạt động sáng tạo; đọc, viết và vẽ; ăn đúng, ngủ đủ; duy trì thời gian biểu như bình thường; tăng cường kết nối bằng cách gọi điện, thông qua mạng xã hội… Bản thân cần nghỉ ngơi, thư giãn giải tỏa tâm lý và tìm đến các cơ sở y tế chuyên môn để chẩn đoán, điều trị kịp thời nếu tình trạng ngày một xấu hơn.

Hiện có nhiều chương trình tư vấn miễn phí về tâm lý qua hình thức trực tuyến, nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường nhưng ngại đưa đến bệnh viện khám, các gia đình có thể liên hệ đến tổng đài để được hỗ trợ. 

“Việc chịu đựng các triệu chứng dai dẳng, âm ỉ rồi mới tới gặp bác sĩ sẽ khiến căn bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể không kịp cứu vãn” - BS Huy khuyến cáo.

Mai Liên

Tin xem nhiều