Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi giáo viên không ngừng tự học

07:09, 10/09/2021

1. Sau 3 tháng nghỉ hè, năm học mới 2021-2022 cũng sắp bắt đầu. Theo diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chuẩn bị cho năm học mới ở nhiều nơi còn bộn bề, lắm lo toan, băn khoăn.

1. Sau 3 tháng nghỉ hè, năm học mới 2021-2022 cũng sắp bắt đầu. Theo diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chuẩn bị cho năm học mới ở nhiều nơi còn bộn bề, lắm lo toan, băn khoăn. Tuy vậy, tinh thần chung của đội ngũ thầy cô giáo là chuẩn bị sẵn sàng, kỹ càng và sẽ làm những gì tốt nhất cho học trò của mình. Đó không chỉ là bổn phận của người thầy mà còn vì ý thức trách nhiệm công dân trước tình huống khó khăn do dịch bệnh gây nên hiện nay.

Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội của cộng đồng giáo viên những ngày gần đây liên tục xuất hiện nhiều câu hỏi, chủ đề về dạy học online. Các câu hỏi, vấn để đặt ra khá phong phú: ứng dụng nào phù hợp cho dạy học online, ứng dụng nào tạo game hiệu quả cho lớp học, công cụ nào giúp quản lý lớp học online, ứng dụng nào giúp giáo viên có thể chấm và trả bài trực tiếp cho học sinh, làm thế nào để trình bày một PowerPoint ấn tượng…

Tất cả các câu hỏi đặt ra đều nhằm giúp giáo viên hoàn thiện kỹ năng, chuẩn bị bài giảng online một cách chu đáo, sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh từ đó có được những tiết dạy hiệu quả.

Các câu hỏi thường khá ngắn gọn và luôn nhận được sự chia sẻ tận tình của đồng nghiệp. Ngoài giới thiệu ứng dụng phù hợp với yêu cầu của người hỏi, các comment (bình luận) còn giải thích khá tường tận: nêu ưu, nhược điểm của ứng dụng; chia sẻ cách thức cài đặt, sử dụng; giới thiệu các video hướng dẫn chi tiết, cụ thể…

Những trao đổi nghiệp vụ của giáo viên trên các trang mạng xã hội phần nào cho thấy đội ngũ giáo viên luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực chuyên môn. Điều đó cũng cho thấy giáo viên đã phát huy năng lực tự học, sự chủ động, sáng tạo… chứ không chỉ chờ đợi sự chỉ đạo, tập huấn từ nhà trường và cấp trên.

2. Không khó để tìm kiếm và tham gia vào các nhóm trao đổi nghiệp vụ dành cho giáo viên trên các trang mạng xã hội. Đây chính là những “lớp nghiệp vụ” không tốn phí mà chỉ cần chịu khó tìm kiếm, trao đổi thông tin, mỗi giáo viên có thể thu thập cho mình những kiến thức, kỹ năng và kho học liệu phong phú để phục vụ cho công việc.

Để lan tỏa tinh thần tự học đó trong giáo viên thì rất cần có sự tham gia, cổ vũ, động viên của ban giám hiệu. Ngoài các cuộc họp chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, ban giám hiệu có thể tạo nhóm Zalo, Facebook, Messenger để các giáo viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, sáng tạo trong dạy và học.

Những trao đổi này dựa trên tinh thần cởi mở, thân thiện và luôn được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để thực hành. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của giáo viên cộng với sự khích lệ, ghi nhận của lãnh đạo nhà trường sẽ là tiền đề vững chắc để nâng cao chất lượng dạy và học, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tường Vi

Tin xem nhiều