Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày đầu năm học 2021-2022: 'Bắt nhịp' với học trực tuyến và qua truyền hình

10:09, 13/09/2021

Ngày 13-9, ngày đầu tiên học sinh Đồng Nai từ lớp 1 đến lớp 12 bước vào năm học mới 2021-2022 với 2 hình thức học chủ đạo là học trực tuyến và học qua truyền hình.

Ngày 13-9, ngày đầu tiên học sinh Đồng Nai từ lớp 1 đến lớp 12 bước vào năm học mới 2021-2022 với 2 hình thức học chủ đạo là học trực tuyến và học qua truyền hình.

Học sinh Trường tiểu học Long Khánh (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) học bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường tiểu học Long Khánh (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) học bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Công Nghĩa

Các cơ sở giáo dục đã có sự chủ động giúp học sinh nhanh chóng bắt nhịp với điều kiện học trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

* Khắc phục khó khăn

Để có thể triển khai kế hoạch dạy và học năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài, học sinh chưa thể đến trường, Sở GD-ĐT đã triển khai 2 hình thức học chủ đạo, đó là học qua truyền hình và học trực tuyến.

Theo đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 (bậc tiểu học), lớp 6 (bậc THCS) và lớp 10 (bậc THPT) học qua truyền hình; các lớp còn lại được học bằng hình thức trực tuyến qua internet. Đối với hình thức học qua truyền hình được triển khai học qua kênh ĐN2 của Đài PT-TH Đồng Nai, còn học trực tuyến do các cơ sở GD-ĐT chủ động triển khai xây dựng kế hoạch theo từng khối, lớp.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, hơn 1 tuần trước, Sở đã phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai ghi hình các buổi dạy trên truyền hình dành cho học sinh lớp 1 đến lớp 5 và 2 lớp đầu cấp của bậc THCS và THPT là lớp 6 và 10. Từ ngày 13-9 trở đi, mỗi ngày có 2 buổi phát sóng, buổi sáng từ 7 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 dành cho 4 khối lớp. Mỗi tiết học dài 30-40 phút, nội dung chủ yếu là những kiến thức cơ bản, cốt lõi được hội đồng chuyên môn của Sở và giáo viên trực tiếp dạy thống nhất.

Trước phàn nàn của phụ huynh học sinh vì tình trạng bị rớt mạng, hoặc ứng dụng học trực tuyến bị “đơ”, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của VNPT Đồng Nai Huỳnh Bảo Quốc cho biết, các lỗi thường gặp trong quá trình kết nối học trực tuyến chủ yếu là do: giáo viên kết hợp ứng dụng học trực tuyến với các phần mền khác không có bản quyền, không đồng bộ hoặc máy tính có cấu hình thấp dẫn đến bị rớt mạng hoặc “đơ” màn hình.

Để giúp học sinh học qua truyền hình có thêm điều kiện tương tác, giáo viên các trường sẽ giao thêm bài tập về nhà, học sinh sau khi làm bài tập sẽ chụp hình và gửi cho giáo viên chủ nhiệm.

Hình thức học qua truyền hình được đánh giá là khá thuận lợi, bởi học sinh chỉ cần ngồi trước màn hình tivi là có thể theo dõi được. Học sinh cũng có thể theo dõi các tiết học trên truyền hình thông qua các thiết bị thông minh như: máy tính bảng, điện thoại di động.

Ông Võ Ngọc Thạch cho biết, Sở GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai ghi hình tiếp các buổi phát sóng trong thời gian tới, đồng thời theo dõi thêm phản hồi từ giáo viên, học sinh và phụ huynh để hoàn thiện tốt hơn những buổi ghi hình và phát sóng tiếp theo.

Ngồi kèm con học chương trình lớp 2 qua truyền hình buổi đầu tiên với môn Tiếng Việt, chị Lê Thị Ngọc Thảo (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, nội dung bài học được giáo viên xây dựng ngắn gọn và có hình ảnh minh họa khá dễ hiểu. Tuy nhiên, với khả năng của học sinh lớp 2 thì tốc độ dạy của giáo viên còn khá nhanh, cần điều chỉnh chậm lại sẽ phù hợp hơn. Chị Thảo cho rằng, thời lượng một tiết dạy 30 phút dành cho học sinh lớp 2 là quá ngắn, nếu dài khoảng 45 phút sẽ được nhiều kiến thức và sâu hơn.

Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh có con học chương trình mới qua truyền hình, lãnh đạo Sở GD-ĐT chia sẻ thêm, do có nhiều khối lớp học qua truyền hình nên thời lượng mỗi tiết học không thể quá dài. Còn nếu như tiết dạy quá nhanh thì phụ huynh và học sinh vẫn có thể xem lại các buổi phát sóng tiết dạy trên truyền hình qua website của Sở GD-ĐT và Đài PT-TH Đồng Nai.

* Sôi động hình thức học trực tuyến

Sau hơn 2 năm “sống chung” với dịch bệnh Covid-19, trong đó nhiều lần đã phải chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến nên nhiều giáo viên và học sinh đã quen dần với hình thức học trực tuyến.

Chủ động với hình thức học này, nhiều trường đã có những hình thức dạy khá sáng tạo. Chẳng hạn, tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom), giáo viên ứng dụng phần mềm học trực tuyến với cách bố trí chỗ ngồi của học sinh theo sơ đồ như một buổi học bình thường, giáo viên và học sinh trong lớp có thể nhìn thấy nhau cùng một lúc.

Hay tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Sông Thao, H.Trảng Bom), bên cạnh hình thức học trực tuyến, giáo viên của trường đã tự ghi hình và dàn dựng clip tiết học ở nhiều môn học khác nhau để phát cho học sinh theo dõi. Cô Phạm Hoàng Xuân Hồng, giáo viên Toán của trường chia sẻ: “Dạy học trực tiếp trên lớp tất nhiên sẽ sinh động và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh đã buộc giáo viên chúng tôi trở nên năng động hơn, chủ động tìm những hình thức dạy học tiên tiến hiện đại hơn để thích nghi với điều kiện thực tế”.

Tại Trường tiểu học Long Khánh (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh), mặc dù học sinh toàn trường được học qua truyền hình, nhưng nhiều giáo viên vẫn dạy trực tuyến hỗ trợ cho học sinh. Giáo viên của trường chia sẻ, học qua truyền hình chỉ là những kiến thức cơ bản, hơn nữa học sinh không thể tương tác trực tiếp.

Còn tại TP.Biên Hòa, nhiều trường từ tiểu học đến THPT không đợi đến ngày 13-9 mới bắt đầu triển khai học trực tuyến cho học sinh. Cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, từ đầu tháng 8 nhà trường đã chuẩn bị dự phòng phương án dạy trực tuyến cho học sinh, do đó giáo viên đã có sự chuẩn bị. Sang đầu tháng 9, học sinh các khối lớp đã bắt đầu ôn tập bằng hình thức trực tuyến, thậm chí nhà trường đã họp trực tuyến với toàn bộ phụ huynh để thông báo kế hoạch năm học và đề nghị phụ huynh chuẩn bị thiết bị học tập và hỗ trợ học sinh học trực tuyến trong thời gian này để việc học thêm hiệu quả.

Trong khi việc tổ chức dạy trực tuyến ở các trường công lập đang có những khó khăn nhất định thì ở hầu hết các trường tư thục, việc học trực tuyến ngay trong ngày đầu năm học diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi. Hầu hết các trường tư thục đều cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học bằng hình thức trực tuyến.

Em Hoàng Thị Thu Trang, học sinh lớp 11 Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết: “Học trực tuyến không xa lạ với chúng em, bởi nếu không có dịch Covid-19 thì hình thức học này cũng được chúng em sử dụng khá thường xuyên để theo các khóa học tiếng Anh, hay thảo luận nhóm trong các buổi học từ xa…”.

Đặng Công

Tin xem nhiều