Để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung..., nhân viên y tế và lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết, sử dụng đồ bảo hộ đúng cách…
Dù đã được tiêm 1 mũi hoặc đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nhưng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận nhiều trường hợp nhân viên y tế nhiễm Covid-19.
BS Cao Duy Tùng (ngồi) cùng Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) xem phim chụp X-quang phổi, hội chẩn một trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: H.DUNG |
Nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung, nhân viên y tế và lực lượng tham gia phòng, chống dịch cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết, sử dụng đồ bảo hộ đúng cách…
* Ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện
Đầu tháng 7-2021, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ghi nhận một nữ bác sĩ của Khoa Nội tiết nhiễm Covid-19 thông qua xét nghiệm mẫu gộp tầm soát định kỳ tại bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ, nữ bác sĩ cho biết hằng ngày chỉ đi làm từ nhà đến bệnh viện rồi từ bệnh viện về nhà, chỉ tiếp xúc với em trai và cha mẹ đã về hưu, không liên quan đến TP.HCM (thời điểm này, các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được phát hiện đa số liên quan đến TP.HCM). Trước tình hình trên, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiến hành phong tỏa toàn bộ Khoa Nội tiết, cách ly tại khoa 45 bệnh nhân, 44 người nhà bệnh nhân và 28 y, bác sĩ của khoa.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, những ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 26-8 tại Khoa B1. Đến nay, ở cả 5 khoa của bệnh viện đều đã có ca nhiễm Covid-19 với tổng số 235 trường hợp là bệnh nhân và 8 trường hợp là nhân viên y tế.
BS CKII Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cho biết, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo cho những bệnh nhân khác đang điều trị và nhân viên y tế trong bệnh viện, bệnh viện đã thành lập khu điều trị Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện với quy mô 400 giường bệnh. Thời điểm này, bệnh viện điều động những nhân viên y tế thuộc diện F1 để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần là F0, các trường hợp F1. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường nhân lực là những y, bác sĩ thời gian qua hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM và Đồng Nai về để làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu vực này.
* Khỏi bệnh, bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, toàn bệnh viện ghi nhận 8 nhân viên y tế mắc bệnh. Có nhân viên y tế mắc bệnh trong quá trình tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, có người nhiễm bệnh từ nguồn lây bên ngoài bệnh viện. Do đã được tiêm vaccine nên sau một thời gian ngắn cách ly, điều trị, các nhân viên y tế đều đã khỏi bệnh.
TS-BS PHAN HUY ANH VŨ cho biết, mặc dù nhân viên y tế đã được trang bị đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân Covid-19 nên việc lây nhiễm chéo là điều khó tránh khỏi. Do vậy, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần tuân thủ tốt các quy định phòng dịch, không được lơ là, chủ quan để tránh lây nhiễm bệnh. |
Trong số đó, có BS Cao Duy Tùng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc sau khi mắc bệnh, được điều trị khỏi đã tiếp tục quay trở lại công việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, giành giật sự sống cho bệnh nhân.
BS Cao Duy Tùng chia sẻ, đầu tháng 7-2021, nhận được thông báo của Trưởng khoa có một bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện, được xác định mắc Covid-19. Bệnh nhân này đã hơn 70 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, phải thở máy cần đưa ngay đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai để điều trị (thời điểm này tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chưa thành lập khu hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng), BS Tùng đã xung phong lên đường đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai để điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai lúc này chưa có đầy đủ các trang thiết bị máy móc, thuốc men cần thiết nên công tác điều trị gặp ít nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả ê-kíp, sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã cai được máy thở.
Điều đáng tiếc là sau 9 ngày làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, BS Tùng được xác định nhiễm Covid-19. Anh được chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để theo dõi, điều trị. Sau 10 ngày thì BS Tùng khỏi bệnh, tiếp tục cách ly thêm 16 ngày. Ngày 7-8, BS Tùng quay trở lại công việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
BS Tùng chia sẻ, áp lực lớn nhất của anh khi làm việc ở khu vực hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng là bệnh nhân đông, có những bệnh nhân ban đầu tiên lượng tốt nhưng sau đó bệnh diễn tiến nhanh, bác sĩ đã dùng nhiều biện pháp để cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi, trong đó có những bệnh nhân còn rất trẻ. Tuy nhiên, bản thân anh và các y, bác sĩ cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhiều ca bệnh nặng, tiên lượng không tốt nhưng đã chiến thắng “tử thần”, khỏi bệnh và xuất viện.
Rút kinh nghiệm sau khi mắc Covid-19, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi làm việc tại khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19, BS Tùng cho rằng, điều quan trọng nhất là khi sắp xếp buồng bệnh phải có 2 buồng đệm trước khi vào và sau khi vào buồng bệnh. Buồng đệm thứ 2 sau khi từ buồng bệnh ra phải có phòng tắm để nhân viên y tế tắm rửa trước khi về phòng nghỉ. Ngoài ra, buồng bệnh phải thông thoáng. Nhân viên y tế phải lưu ý trong quá trình tiếp xúc với nhau, đảm bảo khoảng cách, thực hiện nghiêm 5K...
Hạnh Dung