Facebook và Bain & Company vừa công bố bản báo cáo mới nhất của loạt hội thảo SYNC (SYNC Đông Nam Á là loạt hội thảo về cách lãnh đạo bằng tư duy để hiểu được người tiêu dùng trong tương lai) với nội dung: Đông Nam Á - ngôi nhà cho chuyển đổi kỹ thuật số. Báo cáo cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thông tin chi tiết hơn về những xu hướng và cơ hội mới nổi đang định hình khu vực sôi động này. Bài viết sau tóm tắt một số nội dung chính của báo cáo.
Facebook và Bain & Company vừa công bố bản báo cáo mới nhất của loạt hội thảo SYNC (SYNC Đông Nam Á là loạt hội thảo về cách lãnh đạo bằng tư duy để hiểu được người tiêu dùng trong tương lai) với nội dung: Đông Nam Á - ngôi nhà cho chuyển đổi kỹ thuật số. Báo cáo cung cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thông tin chi tiết hơn về những xu hướng và cơ hội mới nổi đang định hình khu vực sôi động này. Bài viết sau tóm tắt một số nội dung chính của báo cáo.
Bìa báo cáo “Đông Nam Á - ngôi nhà cho chuyển đổi kỹ thuật số” |
* Tổng quan về báo cáo
Năm 2020, sự chuyển đổi của Đông Nam Á từ nền kinh tế ngoại tuyến sang nền kinh tế trực tuyến đã vượt qua ước tính ban đầu của giới chuyên môn và diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Những thay đổi được cho là sẽ diễn ra trong hơn nửa thập kỷ diễn ra chỉ trong vòng một năm, phần lớn là bởi thói quen tiêu dùng do đại dịch.
“Bình thường mới” đã dẫn đến thói quen mua hàng mới, cách khám phá mới, sở thích mới và kỳ vọng mới. Một cách sống mới của người tiêu dùng đã xuất hiện từ những chuyển đổi này. Nhưng những thay đổi nào là nhất thời và những thay đổi nào sẽ kéo dài? Mô hình tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào khi nhà hàng, rạp chiếu phim và biên giới mở cửa trở lại?
Trong báo cáo năm nay, Facebook và Bain & Company sẽ cung cấp cho người đọc cảm giác về mức độ tiêu dùng sau đại dịch này có thể như thế nào. Báo cáo không thể cho bạn biết tương lai sẽ ra sao, nhưng qua khảo sát với nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp và hàng ngàn người tiêu dùng, hầu hết đều đồng ý rằng nền kinh tế kỹ thuật số, từ thương mại điện tử đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến, truyền thông xã hội đến thanh toán điện tử, sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả sau Covid-19. Sự chuyển đổi kỹ thuật số ở đây để tồn tại và nó đang diễn ra ngay bây giờ ở Đông Nam Á.
Báo cáo được thực hiện thông qua khảo sát với 16.706 người tiêu dùng kỹ thuật số ở 6 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với hơn 20 nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
* Đông Nam Á đang dẫn đầu về chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á Thái Bình Dương
Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục mở rộng theo hầu hết các chỉ số. Khu vực này có nhiều người tiêu dùng kỹ thuật số hơn, danh mục hàng hóa mua trực tuyến nhiều hơn, doanh số cao hơn. Với việc ngày càng có nhiều người cấu trúc chi tiêu của họ trên các nền tảng trực tuyến, tiêu dùng tập trung vào kỹ thuật số dường như ngày càng có xu hướng duy trì. Chi tiêu kỹ thuật số tiếp tục mở rộng trong bối cảnh đại dịch, với chi tiêu cho mỗi người và doanh số thương mại điện tử tổng thể đều tăng trưởng bùng nổ hằng năm.
- Khoảng 70 triệu người mới trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bùng nổ tới nay, con số này tương đương toàn bộ dân số nước Anh.
- Dự kiến đến cuối năm nay tổng số người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á (chỉ tính 6 nước trong khảo sát đã kể ở trên) là 380 triệu người. Có nghĩa là gần 80% người tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ sử dụng kỹ thuật số.
- Trong 10 công dân Đông Nam Á từ 15 tuổi trở lên thì có 8 là người tiêu dùng kỹ thuật số.
- Ước tính mỗi người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á mua hàng online hết 381 USD trong năm 2021.
Xét ở tốc độ tăng trưởng, so sánh với 2 quốc gia đông dân khác ở châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, ta thấy:
- Ở Đông Nam Á, mức độ đóng góp của doanh số bán lẻ online và doanh số bán lẻ chung năm 2020 là 5% và dự báo năm 2021 là 9% tức là tăng 85% một năm. Ở Ấn Độ, hai con số tương ứng là 3% và 4%, tốc độ tăng là 10%/năm. Ở Trung Quốc, hai con số tương ứng là 33% và 35%, tốc độ tăng là 5%/năm. Như vậy cả về hiện trạng và mức độ tăng trưởng Đông Nam Á vượt xa Ấn Độ. So với Trung Quốc, Đông Nam Á có hiện trạng bán lẻ online ít hơn nhưng tốc độ phát triển cao hơn nhiều.
- Tỷ lệ người mua hàng online so với tổng số người dùng internet ở Đông Nam Á năm 2020 là 79% và tăng lên 85% năm 2021. Con số tương ứng ở Ấn Độ là 14% và 20%. Ở Trung Quốc là 79% và 90%. Một lần nữa, ta thấy mức độ phát triển ở Đông Nam Á là rất cao.
* Đại dịch đã gây ra sự dịch chuyển mô hình trong hành trình mua hàng của người tiêu dùng
Hình thức trực tuyến trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong hành trình mua hàng của người tiêu dùng ngày nay, từ Khám phá cho đến Mua hàng. Là kênh khám phá hàng đầu trong khu vực, mạng xã hội còn giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy mức độ cân nhắc về thương hiệu.
Qua khảo sát, 5 lý do chính khiến mọi người chuyển sang mua sắm online xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là:
1. Covid-19 khiến hạn chế di chuyển, tiếp xúc.
2. Tiết kiệm thời gian.
3. Thuận tiện giao dịch và có nhiều chương trình khuyến mãi.
4. Dễ dàng so sánh giá cả.
5. Cửa hàng phục vụ 24/7.
5 hoạt động nhiều nhất của người dùng Đông Nam Á khi online là:
1. Truy cập mạng xã hội.
2. Video streaming.
3. Nhắn tin qua mạng.
4. Truy cập các trang thương mại điện tử.
5. Chơi game.
* Lối sống tập trung vào hoạt động tại nhà sẽ tiếp tục sau đại dịch
Đại dịch khiến cho nhiều hoạt động của cư dân Đông Nam Á phải diễn ra tại nhà. Thế nhưng theo nghiên cứu của Facebook và Bain & Company thì ngay cả khi các hạn chế Covid-19 giảm bớt thì những cư dân này vẫn mong muốn phần lớn thời gian tiếp tục ở nhà.
Theo những người được khảo sát thì hiện nay 67% thời gian của họ được dành ở nhà, trong đó hoạt động “trong nhà” cao nhất dành cho mua thực phẩm (79%), giải trí (75%) và mua thức uống có cồn (72%).
Một số thời gian trong nhà này dự kiến sẽ di chuyển ra bên ngoài khi các hạn chế giảm bớt. Các danh mục có khả năng chứng kiến sự di cư ra khỏi nhà lớn nhất bao gồm giải trí (từ 75% hiện tại giảm còn 50% sau Covid-19), chăm sóc sức khỏe (từ 68% thành 46%) và làm việc (từ 56% thành 37%). Thời gian ở nhà dự kiến sẽ ổn định nhất đối với mua thực phẩm (từ 75% thành 65%), mua sắm tạp hóa (58% thành 43%) và đồ uống có cồn (từ 72% đến 54%).
* Sản phẩm và trải nghiệm khách hàng là yếu tố quan trọng để thắng cuộc chiến chinh phục lòng trung thành
51% người tiêu dùng ở Đông Nam Á cho biết họ đã chuyển từ các thương hiệu được mua nhiều nhất trong 3 tháng qua, nêu ra các yếu tố thúc đẩy họ chuyển đổi là chất lượng, trải nghiệm và tính bền vững.
Hiện nay, yếu tố bền vững buộc người tiêu dùng chuyển đổi thương hiệu và chi nhiều tiền hơn
Khoảng 80% người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng trả cao hơn đến 10% để mua những sản phẩm bền vững và ủng hộ các sáng kiến có trách nhiệm với xã hội.
Các khoản đầu tư thúc đẩy hoạt động đột phá kỹ thuật số trong khu vực
Người tiêu dùng kỹ thuật số thích thanh toán bằng ví điện tử, với công nghệ có mức tăng trưởng 71% hằng năm. Lĩnh vực công nghệ tài chính đang phát triển với hơn 80% quỹ đầu tư mạo hiểm đang đổ vào internet và công nghệ ở Đông Nam Á.
Phạm Hoài Nhân
(Tổng hợp từ báo cáo Southeast Asia, The Home for Digital Transformation của Facebook)