Hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9-7 đến nay, rất nhiều ngành nghề phải tạm ngưng hoạt động hoặc làm việc online, nhưng khoảng thời gian này lại là thời điểm bận rộn nhất của các công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa.
Hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9-7 đến nay, rất nhiều ngành nghề phải tạm ngưng hoạt động hoặc làm việc online, nhưng khoảng thời gian này lại là thời điểm bận rộn nhất của các công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa.
Công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cắt tỉa cây xanh trong khu dân cư An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng |
Không chỉ làm công việc chỉnh trang đô thị, nạo vét cống, mương thoát nước, cắt tỉa, xử lý cây xanh ngã đổ, công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa còn tham gia dọn dẹp, sửa chữa điện, nước trong cơ sở cách ly y tế tập trung. Do đó, công việc của họ vừa gia tăng về khối lượng, vừa có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dịch khi phải trực tiếp làm việc ngoài đường, khu cách ly y tế.
* Công việc nặng nhọc, nguy hiểm
Những tháng gần đây, TP.Biên Hòa bước vào cao điểm mùa mưa. Các cơn mưa lớn cuốn theo khối lượng rác thải làm tắc nghẽn nhiều suối, mương, cống thoát nước trong nội ô thành phố, gây ngập cục bộ một số khu vực, tuyến đường. Do đó, các công nhân trong Tổ thoát nước Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa phải làm việc hết công suất để nạo vét bùn, đất, rác… đảm bảo hệ thống cống, mương thoát nước trong thành phố không bị tắc nghẽn.
Ông Bùi Châu Tuấn, Tổ trưởng Tổ thoát nước cho biết, công việc này đòi hỏi công nhân phải làm việc dưới cống, nước bẩn ngập quá gối để dọn dẹp rác thải, nạo vét bùn khơi thông dòng chảy. Nhiều giờ trong ngày, anh em phải dầm mình dưới lớp bùn dày, vừa lạnh vừa hôi thối, lại còn đối mặt với nguy cơ bị thương từ kim tiêm, dị vật sắc nhọn… nên rất vất vả, cực nhọc.
Lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho rằng, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa đã nỗ lực vượt khó để thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần giúp bộ mặt đô thị sạch đẹp, an toàn. |
Mùa mưa năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên một số công nhân trở thành F1 hoặc được điều động hỗ trợ các công tác khác của trung tâm nên công việc của những công nhân còn lại trong Tổ nhiều hơn vì phải “choàng gánh” công việc của những người tạm nghỉ việc. “Dù vất vả hơn nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, chú ý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vì dù sao chúng tôi vẫn còn có công việc, có thu nhập, vẫn may mắn hơn nhiều người lao động khác” - ông Tuấn chia sẻ.
Trong thời gian cao điểm mùa mưa như 2 tháng gần đây, dông lốc làm cây ngã đổ nhiều nơi trong nội ô TP.Biên Hòa, do đó Tổ cây xanh đường phố (Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa) cũng luôn tất bật với công việc.
Tổ cây xanh đường phố đã chia làm nhiều nhóm (3-4 người/nhóm) để cắt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy cành gây ảnh hưởng đến người, phương tiện, công trình khác trên các tuyến đường của TP.Biên Hòa. Công việc khá vất vả, nguy hiểm vì làm việc trên cao, gần dây điện, dây viễn thông hoặc trong lúc xử lý sự cố cây xanh gãy đổ dưới trời mưa to, gió lớn. Để hạn chế tai nạn rủi ro, công nhân trong tổ ngoài thực hiện bảo hộ đúng quy định, còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan như: ngành Điện lực, lực lượng công an, chính quyền các địa phương khi xử lý sự cố điện, giao thông khi cây gãy đổ mùa mưa bão.
Công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa nạo vét cống trên đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng |
Cụ thể như, cơn mưa lớn chiều 19-7 khiến một cây xanh cao khoảng 20m trên đường Nguyễn Văn Trị (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bị bật gốc, gãy đổ gây mất điện cho nhiều cơ quan, trường học, hộ dân quanh khu vực. Công nhân Tổ cây xanh đường phố đã nhanh chóng có mặt, phối hợp với ngành điện lực xử lý sự cố ngay trong chiều cùng ngày đảm bảo an toàn cho người đi đường và nhanh chóng phục hồi hệ thống điện cho khu vực xung quanh.
Ông Quang Thanh Tiên, Tổ trưởng Tổ cây xanh đường phố cho hay, mặc dù các thành viên trong tổ luôn chủ động cắt tỉa những cây xanh có nguy cơ gãy cành khi mưa to gió lớn nhưng vào mùa mưa bão, dông lốc, các sự cố đổ cây xanh, gãy cành rất khó lường. Yêu cầu trong khắc phục cây xanh gãy đổ là nhanh, gọn, an toàn. Tuy nhiên, khi làm việc dưới trời mưa to, gió lớn, vào đêm khuya, nếu không cẩn thận, thiếu kinh nghiệm rất dễ xảy ra tai nạn do trơn trượt té ngã từ trên cần cẩu hoặc bị cành cây đổ trúng người. Do đó, ông và các thành viên trong tổ luôn phải thận trọng, tránh tâm lý chủ quan, hạn chế tai nạn rủi ro.
“Trong mùa mưa bão này, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường khắc phục các sự cố liên quan đến cây xanh bất kể ngày nghỉ hay đêm khuya để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường” - ông Tiên nói.
* Chung tay chống dịch
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, xử lý sự cố cây xanh, cống nghẹt, trong 2 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa còn nhận nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh trước khi thành lập và duy tu các khu cách ly y tế tập trung tại nhiều trường học trong TP.Biên Hòa để phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là tại Trường THCS Hùng Vương (P.Quang Vinh), Trường THCS Tân Bửu (P.Bửu Long), Trường THPT Tân Hạnh (P.Tân Hạnh)…
Công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa nạo vét mương thoát nước tại một trường học ở TP.Biên Hòa trước khi thành lập khu cách ly y tế tập trung. Ảnh: Đăng Tùng |
Ông Nguyễn Tấn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cho biết, để chuẩn bị cải tạo một trường học thành khu cách ly, ngay từ khi có yêu cầu từ thành phố, lãnh đạo trung tâm đã sớm có mặt tại cơ sở để xem xét, đánh giá tình hình. Sau đó, phân công các tổ tiến hành sửa chữa đồng bộ hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, cống thoát nước; phát quang các bụi cây xung quanh. Tại mỗi trường học, trung tâm phải huy động nhân lực để dọn dẹp, sửa chữa trong vòng 3 ngày đến 1 tuần để kịp tiến độ triển khai các khu cách ly của thành phố. Trong suốt quá trình hoạt động của các khu cách ly trên, công nhân của trung tâm cũng thường trực sửa chữa điện, nước khi có phát sinh sự cố.
Anh Ngô Quốc Khánh, công nhân Tổ thoát nước chia sẻ: “Hệ thống điện, nước tại các trường học được trưng dụng cách ly y tế chỉ đảm bảo cho các hoạt động dạy học, chứ không dùng cho sinh hoạt 24/24 giờ như hiện nay. Do đó, hệ thống thường bị quá tải, hay gặp sự cố. Chúng tôi được điều động sửa chữa liên tục nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải cố gắng một phần vì trách nhiệm với công việc, một phần cũng muốn giúp người dân ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện tương đối, giúp họ vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh này”.
Từ khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, để hạn chế ngập nước trên các tuyến đường nội ô thành TP.Biên Hòa khi trời mưa, công nhân Trung tâm Dịch vụ công ích thành phố đã tiến hành nạo vét hệ thống thoát nước các tuyến đường 30-4, Nguyễn Văn Tiên, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Thuận… Ngoài ra, họ còn dặm vá các tuyến đường bị sụt lún như: Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa), Dương Tử Giang, Phan Trung, Trương Định (P.Tân Tiến); cải tạo, sửa chữa mở cửa thu nước đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long)... |
Đăng Tùng