Năm 2021 là tròn 60 năm kể từ ngày đế quốc Mỹ phun rải chất độc hóa học da cam/dioxin trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian đã vắt qua 2 thế kỷ nhưng hậu quả mà chất độc hóa học này gây ra cho người dân Việt Nam vẫn còn dai dẳng.
Năm 2021 là tròn 60 năm kể từ ngày đế quốc Mỹ phun rải chất độc hóa học da cam/dioxin trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian đã vắt qua 2 thế kỷ nhưng hậu quả mà chất độc hóa học này gây ra cho người dân Việt Nam, trong đó có người dân đang sinh sống tại Đồng Nai vẫn còn dai dẳng.
Bài 1: Hậu quả nặng nề
Theo thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tháng 8-1961, Tổng thống John F.Kennedy đã cho phép quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ sử dụng hóa chất diệt cỏ, khai quang ở những vùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Khi sử dụng hóa chất này, đối phương tuyên truyền đây là chất diệt cỏ, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không tác động đến cây trồng, nguồn nước…
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm, trao tặng quà cho một nạn nhân chất độc da cam/dioxin khuyết tật nặng ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Văn Truyên |
* Thảm họa chất độc hóa học
Cũng theo thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, để thực hiện phun rải hóa chất, 3 sân bay là: Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng) và Phù Cát (tỉnh Bình Định) được quân đội Mỹ chọn là nơi tập kết hóa chất để đưa lên máy bay đi phun rải các nơi. Trong đó, sân bay Biên Hòa là nơi chứa số lượng lớn nhất với hơn 20 triệu lít chất độc da cam để đưa đi phun rải khắp các chiến trường miền Nam trong 10 năm (giai đoạn 1961-1971).
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, Đồng Nai hiện có 13.147 người bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có 9.160 người là nạn nhân chất độc da cam. Trong số này hiện có 8.894 người còn sống, gồm: 3.257 cán bộ kháng chiến, con cán bộ kháng chiến và 5.637 nạn nhân là người dân. |
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết thêm, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ dùng các loại bom, đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H.34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, được đặt dưới mật danh Ranch Hand. Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam. Các chất này được phun rải xuống các cánh rừng, thôn ấp, khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Trong số này có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Đồng Nai là một trong 10 tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề nhất. Đã có gần 10/80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó 50% là chất da cam) đã được quân đội Mỹ phun rải trên 56% tổng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều khu vực bị phun rải nhiều lần, nhất là khu vực Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Gia Huynh, Trảng Táo, núi Mây Tàu, đặc khu Rừng Sác, xã Sông Ray, sông Đồng Nai… Riêng sân bay Biên Hòa là kho lưu trữ, nạp các chất diệt cỏ (có chất dioxin) lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau phun rải nên hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao.
* Chất độc hại với con người, môi trường
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết, dioxin là loại chất cực độc, nhiều nhà khoa học đã khẳng định với liều lượng cỡ 0,1 Picogram (PPT - phần ngàn tỷ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu. Chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào hệ thống cấp nước có thể giết chết toàn bộ số người ở 1 thành phố 8 triệu dân. Với lượng chất độc khổng lồ, phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, rừng bị hủy hoại làm chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm. Chất độc này làm sự đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn, một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển, hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam bị phá hủy nặng nề, vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút. Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt là tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh được khám sàng lọc bệnh và tư vấn phương pháp điều trị. Ảnh: Văn Truyên |
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) cho hay, trong kháng chiến, ông từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Nhiều nơi ông cùng đồng đội đi qua là địa điểm bị quân địch phun rải chất độc hóa học. Sau này khi trở về với cuộc sống đời thường, ông mắc nhiều chứng bệnh khác nhau và sau đó được xác định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Con trai ông cũng là nạn nhân chất độc da cam với biểu hiện chậm phát triển trí tuệ.
Trường hợp của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn không phải là cá biệt. Bởi theo thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, thống kê cho thấy chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.
Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường. Chất độc cũng làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, đồng thời có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.
Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Không chỉ người Việt mà nhiều binh lính các nước từng tham chiến tại Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.
Khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 13.147 người bị phơi nhiễm dioxin. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất khó khăn, nhất là với những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ là nạn nhân. Nhiều nạn nhân là người dân đã không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc hộ nghèo (tỷ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50-60 %, ở vùng sâu, vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ngoài khả năng của gia đình.
Để khắc phục, giải quyết ô nhiễm dioxin trên địa bàn tỉnh mà cụ thể là tại điểm nóng sân bay Biên Hòa và khu vực giáp ranh, hơn 25 năm qua, hàng loạt giải pháp đã được tỉnh cũng như Trung ương triển khai thực hiện. Từ năm 1995, Bộ Tư lệnh hóa học cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện đào xúc, chôn lấp, cô lập khoảng 160 ngàn m3 đất ở khu vực có diện tích 4,3ha tại phía Nam sân bay Biên Hòa. Tiếp đó vào năm 2012, dự án cô lập, chống lan tỏa dioxin bằng việc xây dựng hồ điều hòa, xây dựng mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập trên diện tích hơn 5ha, với khối lượng ước tính hơn 70 ngàn m3 khu vực phía Tây sân bay Biên Hòa được triển khai từ nguồn tài trợ của Chương trình phát triển LHQ và Quỹ Môi trường toàn cầu. Đến năm 2017, dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại sân bay Biên Hòa với kinh phí 270 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước tiếp tục được triển khai. Riêng trong năm 2017 và 2018, Quân chủng Phòng không - không quân đã xây dựng 2 đập chắn bùn nhiễm dioxin và 2 bãi tập kết đất, bùn với diện tích 3ha, thực hiện di dời công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình chống lan tỏa chất độc dioxin, tường rào cách ly và đường vận chuyển phục vụ dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa. |
Nguyên Kim - Văn Truyên
Kỳ tới: Tột cùng của nỗi đau