Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình lan tỏa

09:07, 15/07/2021

Tình người, ở đâu mà không có, nhưng trong lúc hoạn nạn mới thấy điều đó đáng quý làm sao. Người Việt Nam thường nói "tối lửa tắt đèn có nhau" hoặc khi hoàn cảnh có khốn khổ cũng còn đó "lá lành đùm lá rách", thậm chí "lá rách đùm lá nát". Vì vậy, ở đất nước này, hễ năm nào có bão lụt, dịch bệnh, khó khăn thì người dân đều chung tay hỗ trợ.

Tình người, ở đâu mà không có, nhưng trong lúc hoạn nạn mới thấy điều đó đáng quý làm sao. Người Việt Nam thường nói “tối lửa tắt đèn có nhau” hoặc khi hoàn cảnh có khốn khổ cũng còn đó “lá lành đùm lá rách”, thậm chí “lá rách đùm lá nát”. Vì vậy, ở đất nước này, hễ năm nào có bão lụt, dịch bệnh, khó khăn thì người dân đều chung tay hỗ trợ.

Một quầy hàng thực phẩm miễn phí phục vụ người dân do Tỉnh đoàn, UBND TP.Biên Hòa, Hội Nông dân tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thực hiện. Ảnh: Tuổi trẻ Đồng Nai
Một quầy hàng thực phẩm miễn phí phục vụ người dân do Tỉnh đoàn, UBND TP.Biên Hòa, Hội Nông dân tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thực hiện. Ảnh: Tuổi trẻ Đồng Nai

Qua mấy lần dịch Covid-19 hoành hành từ mức độ thấp đến cao, từ quy mô hẹp đến lan rộng lúc này, giúp nhau vượt qua khó khăn với nhiều hình thức vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ở tầm vĩ mô cấp nhà nước, người dân hay doanh nghiệp sẵn lòng chia sẻ chung tay vì Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia; ở cấp vi mô, nhiều địa phương với cách làm linh hoạt, giúp nhau bằng nhiều cách, đến với cộng đồng và hoàn cảnh cụ thể. Nghĩa tình cứ thế lan tỏa.

1. Vẫn còn đó nơi này nơi khác, những cách nghĩ, cách làm, cách nói về việc hỗ trợ cho nhau, một số ít đã gây nên “sóng gió” dư luận, bởi ai cũng nhìn theo cách của mình. Thế nhưng, phần lớn ai cũng hoan nghênh, hưởng ứng làm thiện nguyện, giúp nhau trong lúc ngặt nghèo rồi cùng nhau vượt qua nỗi lo chung, nhất là tình hình dịch bệnh lúc này ngày càng phức tạp. Ai cũng muốn an yên cả. Thời xưa, làng xã nào mà không thực hiện những lễ nghi mang tính tín ngưỡng và cả tôn giáo với mục đích “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt” rồi cùng tống tiễn ôn dịch “gió độc, dịch bệnh” ra khỏi nơi cư trú. Nay, trong cuộc sống hiện tại, tập tục xưa vẫn còn duy trì và cả trong tôn giáo vẫn hướng đến sự bình an cho xã hội với nhiều nghi tiết. Thế nhưng, dịch bệnh hiện nay, sự an yên thật sự cũng chưa bền vững như mong muốn của con người, hôm nay có thể bình thường nhưng ngày khác đã có thể “giãn cách, phong tỏa” để phòng, chống sự lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cứ chỗ nào chưa xảy ra dịch bệnh là mừng, để rồi có điều kiện thuận lợi giúp cho nơi khác.

Thế nhưng, cũng cần phải nói, nhiều người, nhiều chỗ làm thiện nguyện, phân phát những nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn có nhiều điều cần phải suy nghĩ. Nhiều người cứ nghĩ khi ở vị thế “kẻ ban ơn và có quyền phán xét” cho người khác nên vô tình hay cố ý xúc phạm đến người đến nhận. Thời đại công nghệ hôm nay phản ánh trực tiếp nên thông tin cứ ngồn ngộn đưa ra những hình ảnh “không mang tính nhân văn, phản cảm, những lời nhận xét, đánh giá chưa tử tế” giữa con người với nhau. Vẫn biết, có những “trường hợp, đối tượng” không đến nỗi khó khăn, tranh thủ nhận từ thiện để trục lợi, nhưng số đó không nhiều. Nhưng đừng vì thế mà người làm thiện nguyện “cho người khác được hộp cơm, chai nước trong ngày dịch mà dám xỉa xói, mạt sát…, cách cư xử… là nhẫn tâm, phản cảm, vô văn hóa, vô đạo đức…” như lời của một nhà báo tâm tình trên trang Facebook cá nhân của mình. Hãy biết cách đối nhân xử thế.

2. Thông tin từ báo và trang điện tử về hỗ trợ, giúp nhau trong dịch bệnh hiện nay khá nhiều với những hình ảnh đáng trân trọng. Người quê vùng nghèo khó đã gom cá, nước mắm gửi vào thành phố lớn đang gồng mình chống dịch. Họ không phải trả ơn nghĩa gì, dù họ đã hàm ơn trước đó qua nhiều lần nhận giúp đỡ. Họ chỉ biết chia sẻ với nhau cho đồng bào của đất nước mình trong lúc khó khăn. Người dân vùng chưa bị dịch hoành hành, kêu gọi với nhau, chuyển lương thực, thực phẩm đến cho người trong tâm dịch, khu cách ly, vùng phong tỏa mà không cần biết đến với ai, cứ chuyển đến, tự khắc đến những người cần dùng. Người trong cùng chung cư, tầng được tự do chuyển hàng là nhu yếu phẩm mỗi ngày cho tầng trên đang thuộc diện cách ly. Người dân trong hẻm chia nhau từng bó rau, củ cà rốt, trái đu đủ, bịch cá khô, chai nước tương… cho hàng xóm đi làm cả ngày chưa lo kịp đồ ăn khi chợ bị tạm ngừng hoạt động, dù họ đã vất vả chen mua được trước đó. Có những hình ảnh những người chạy xe máy vào tầm trưa, tối để phát các phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đang trông chờ trên những ngả đường, góc phố…

Người Việt Nam là vậy, cái tình với nhau của nghĩa đồng bào đã ngấm trong truyền thống từ xưa rồi. Dù có những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng trong tình cảnh “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, người Việt đã, đang và sẽ động viên, hỗ trợ, giúp nhau để vượt qua khốn khó thời dịch. Hãy cứ nhân lên những hình ảnh đẹp đẽ, những việc làm thiết thực này trong lúc xã hội cần sự chung tay. Thời nay “chống dịch như chống giặc”, bên cạnh sự hỗ trợ của quốc tế ở chừng mực nào đó, thì mọi người đồng lòng, đồng sức, đồng tâm theo như lời hiệu triệu năm 1946 trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tăng cường nội lực, đoàn kết “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam…” thì hiện nay cùng nhau chống dịch. Mong sao, nghĩa tình cứ lan tỏa trong cộng đồng trong lúc dịch bệnh phức tạp này và chảy mãi trong mạch ngầm truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, để “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều