Thực hiện giãn cách xã hội, ngoại trừ lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, các cơ quan nhà nước đều bố trí cho cán bộ, công nhân viên chức luân phiên làm việc tại nhà. Bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và những tiện ích của internet, các cá nhân làm việc tại nhà vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc được giao.
Thực hiện giãn cách xã hội, ngoại trừ lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, các cơ quan nhà nước đều bố trí cho cán bộ, công nhân viên chức luân phiên làm việc tại nhà. Bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và những tiện ích của internet, các cá nhân làm việc tại nhà vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc được giao.
Chị Trần Thị Hảo, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN) làm việc tại nhà. Ảnh: Hải Yến |
Điều đó phần nào cho thấy đội ngũ công chức, viên chức đã dần thích nghi với chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy thực hiện dịch vụ công trực tuyến thời “hậu đại dịch”.
* Đáp ứng yêu cầu công việc
Chị Trần Thị Hảo là chuyên viên Phòng Quản lý khoa học, Sở KH-CN. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, chị và các đồng nghiệp luân phiên làm việc tại nhà và tại cơ quan. Theo đó, cứ 1 ngày làm việc tại nhà thì ngày tiếp theo làm việc tại cơ quan. Cách sắp xếp này nhằm hạn chế đông người tại nơi làm việc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Công việc của chị Hảo chủ yếu liên quan đến văn bản, hồ sơ quản lý khoa học. Vì vậy, chị không gặp bất cứ khó khăn nào khi làm việc tại nhà.
“Việc quản lý đề tài đã có sẵn file trên hệ thống văn phòng điện tử I-Office Plus hoặc lưu trên máy. Có thể thực hiện trao đổi thông tin, tiến độ công việc thông qua mạng nội bộ của Sở. Công việc được thực hiện theo quy trình ISO, mọi thông tin công việc đều đã được số hóa nên dù làm tại nhà thì chúng tôi vẫn đảm bảo yêu cầu của công việc” - chị Hảo tự tin chia sẻ.
Tương tự như chị Hảo, anh Phan Đình Phương, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Nhơn Trạch cũng làm việc tại nhà cách ngày. Công việc chính của anh hiện nay là thực hiện các bản báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện. Ngay khi nhận được thông tin, số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, anh có trách nhiệm hoàn thành báo cáo để trình lãnh đạo.
Ngoài ra, anh Phương còn phụ trách tuyên truyền, nhưng hiện nay do thực hiện giãn cách xã hội nên các công việc thường ngày như: làm pa-nô, áp-phích, tuyên truyền lưu động… đều đã tạm ngưng. Đối với các bản tin phát thanh, anh có thể nhận file ghi âm từ đồng nghiệp sau đó dùng phần mềm chỉnh sửa lại để âm thanh đảm bảo hơn. Anh Phương cũng cho biết, anh không gặp trở ngại gì khi làm việc tại nhà.
Chị Minh Huệ, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh phụ trách một số công việc hành chính và biên tập, xử lý tin, bài cho chương trình phát thanh của trung tâm. Những công việc này không đòi hỏi chị phải có mặt trực tiếp tại cơ quan nên trong suốt những ngày qua chị Huệ làm việc tại nhà. “Công nghệ thông tin phát triển đã hỗ trợ rất tốt cho hình thức làm việc online. Về phần liên lạc, ngoài cách gọi điện thoại thông thường, chúng ta có thể thông qua rất nhiều ứng dụng, trong đó thuận tiện nhất vẫn là các mạng xã hội, email…” - chị Minh Huệ cho hay.
* Thuận tiện nhờ ứng dụng công nghệ thông tin
Ngày 27-7, Trung tâm Khoa học và công nghệ (Sở KH-CN) phối hợp với H.Định Quán tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai phần mềm quản lý Văn phòng điện tử I-Office Plus cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện.
Văn phòng điện tử I-Office Plus là một trong những nền tảng hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan nhà nước trong điều hành, quản lý, xử lý công việc, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cán bộ, công chức phải làm việc tại nhà như hiện nay.
I-Office Plus gồm có các phân hệ: trang chủ, công việc, văn bản, nhân sự, mở rộng và quản trị. Khi đăng nhập vào hệ thống, người dùng sẽ thấy hiển thị tiến độ xử lý công việc, văn bản từ chưa xử lý, đang xử lý, đã xử lý đến hết hạn. Phần mềm còn có chế độ nhắc việc đối với người dùng... Toàn bộ công việc được xử lý trên văn phòng điện tử, có thể thay thế và hiện đại hóa các phương thức quản lý thông tin truyền thống.
Việc ứng dụng văn phòng điện tử đã tạo môi trường làm việc nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính.
Ngoài I-Office Plus, hiện nay các cơ quan nhà nước còn sử dụng các ứng dụng công nghệ khác như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; phần mềm một cửa Egov... Nhờ đã quen với việc sử dụng các ứng dụng này nên dù không có mặt tại cơ quan thì đội ngũ công chức, viên chức vẫn có thể giải quyết công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi. “Tôi thấy mình có thể làm việc tại nhà trong thời gian dài mà không cần đến cơ quan. Thậm chí, nếu tính về chi phí thì làm việc tại nhà còn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho việc di chuyển” - một nữ viên chức cho hay.
Hải Yến