Nếu bạn là một trong 466 triệu người khiếm thính trên trái đất này thì khi bạn xem video hay xem các chương trình tin tức trên internet bạn sẽ rất cần có phụ đề để đọc. Một số chương trình video có phụ đề như thế, nhưng số không có là nhiều hơn. Như vậy chẳng lẽ người khiếm thính không thể thưởng thức trọn vẹn những chương trình ấy?
Nếu bạn là một trong 466 triệu người khiếm thính trên trái đất này thì khi bạn xem video hay xem các chương trình tin tức trên internet bạn sẽ rất cần có phụ đề để đọc. Một số chương trình video có phụ đề như thế, nhưng số không có là nhiều hơn. Đặc biệt là các chương trình truyền hình trực tiếp, không thể có sẵn phụ đề được. Như vậy chẳng lẽ người khiếm thính không thể thưởng thức trọn vẹn những chương trình ấy?
Hướng dẫn cài đặt chế độ Phụ đề trực tiếp |
* Ứng dụng Live Transcribe
Từ năm 2019, Google đã có ứng dụng Live Transcribe - tên app bằng tiếng Việt là Tạo phụ đề trực tiếp và Thông báo có âm thanh. Ứng dụng này ghi nhận mọi lời nói và âm thanh phát ra và hiển thị bằng chữ trên màn hình smart phone nhằm hỗ trợ người khiếm thính có thể đọc được. Ứng dụng này rất hay và miễn phí, bạn có thể tải về trên Android hoặc iOS. Thế nhưng, Live Transcribe là một ứng dụng độc lập chạy trên smart phone và giả sử bạn đang xem video trên laptop thì phải liên tục nhìn lên laptop để xem video và nhìn xuống smart phone để đọc chữ. Điều này khá bất tiện.
Cái mà bạn cần là một thứ giống như phụ đề khi xem phim, và phụ đề đó phải được tạo ra tức thì khi phim đang diễn ra. Rất may, từ tháng 3-2021, Google đã thực hiện điều này và càng tiện lợi hơn nữa khi bạn không cần tải về ứng dụng riêng biệt nào cả. Tính năng này được đưa luôn vào trình duyệt Chrome, nghĩa là nếu bạn đang dùng trình duyệt Chrome thì nó có sẵn rồi!
* Tính năng tạo Phụ đề trực tiếp có sẵn trên trình duyệt Chrome từ tháng 3-2021
Giờ đây với tính năng Live Caption (Phụ đề trực tiếp) trên Chrome, bạn có thể tự động tạo phụ đề theo thời gian thực cho tất cả các thứ có âm thanh trên trình duyệt của mình. Nó hoạt động trên hầu hết các trang web như: mạng xã hội, kênh video (như trên YouTube), podcast và nội dung radio, thư viện video cá nhân (chẳng hạn như Google Photos), trình phát video nhúng và hầu hết các dịch vụ trò chuyện video hoặc âm thanh chạy trên web.
Minh họa tính năng Phụ đề trực tiếp đang chạy |
Điều bạn cần làm là gì? Rất đơn giản. Trên trình duyệt Chrome, nhấp vào nút ba chấm đứng ở góc trên bên phải để mở Menu quản lý. Chọn mục Cài đặt. Ở phần Nâng cao bên tay trái, bấm vào mũi tên để xổ xuống các phần chọn. Chọn Hỗ trợ tiếp cận. Và rồi trong mục này hãy bật tính năng Phụ đề trực tiếp như trong hình.
Bạn chỉ cần làm điều này một lần duy nhất. Từ đó trở về sau, mỗi khi trên trình duyệt của bạn có bất cứ thứ gì phát ra tiếng, nó sẽ tự động tạo ra phụ đề như trong hình. Như ta thấy, phần phụ đề này hiện ra trong một ô riêng bên dưới màn hình chính (để không che phủ nội dung hình ảnh) chứ không phải như phụ đề thông thường. Nếu không thích, bạn có thể đóng ô phụ đề này lại, nó sẽ tiếp tục hiện ra khi nghe thấy những âm thanh khác. Còn nếu bạn muốn bỏ hẳn chế độ phụ đề này thì làm lại lần lượt các bước như trên và tắt chế độ Phụ đề trực tiếp đi.
* Tính năng Phụ đề trực tiếp không chỉ dành cho người khiếm thính
Mặc dùng tính năng Phụ đề trực tiếp được tạo ra với mục đích chính là hỗ trợ cho người khiếm thính, nhưng nó hoàn toàn có thể là ứng dụng rất tốt cho người bình thường.
Hãy tưởng tượng bạn đang xem video một buổi hội thảo nhưng xung quanh quá ồn ào khiến bạn không nghe được diễn giả nói gì dù đã mở volume to hết cỡ; hoặc bạn đang dự một sự kiện trong phòng họp nhưng cần mở laptop ra để tranh thủ nghe một bài giảng trực tuyến khác, tất nhiên là phải mở volume thật nhỏ hoặc thậm chí tắt luôn, nhưng như vậy làm sao nghe? Đó là những lúc bạn phải nghe bằng mắt, tức là phải đọc Phụ đề trực tiếp.
Đối với đa số người Việt, khả năng đọc tiếng Anh có thể tương đối tốt nhưng nghe hiểu rất kém. Trong trường hợp đó tính năng phụ đề trực tiếp này rất hữu dụng, nó giúp có thể hiểu được... người ta nói cái gì!
* Phạm vi ứng dụng tính năng Phụ đề trực tiếp
Hiện giờ, phụ đề trực tiếp này chỉ dùng được cho tiếng Anh và rất tốt với các văn bản chuẩn, như tin tức, bài diễn thuyết. Đối với các lời nói đời thường (như trong phim ảnh) thì mức độ chính xác kém hơn một chút. Nếu video mà bạn đang xem nói tiếng Việt thì nó cũng ghi lại, nhưng... sai bét vì nó cho rằng đó là tiếng Anh. Trong tương lai, có thể có option cho tiếng Việt.
Phụ đề trực tiếp cũng hoạt động offline, vì vậy bạn thậm chí có thể phụ đề cho các file âm thanh và video được lưu trên ổ cứng của mình miễn là bạn phát chúng trong Chrome.
Tính năng này hiện hỗ trợ tiếng Anh và có sẵn trên toàn cầu ở phiên bản Chrome mới nhất trên các thiết bị Windows, Mac và Linux và sẽ sớm có trên ChromeOS. Đối với thiết bị Android, Phụ đề trực tiếp đã có sẵn cho bất kỳ âm thanh hoặc video nào trên thiết bị di động của bạn.
* Một món quà trong Ngày nhận thức khả năng tiếp cận toàn cầu
Ngày thứ năm 20-5 vừa qua là Ngày Nhận thức khả năng tiếp cận toàn cầu (GAAD: Global Accesibilty Awareness Day), đó là ngày mà các nhà thiết kế và phát triển được nhắc nhở rằng các thiết kế của họ - đặc biệt đối với các sản phẩm kỹ thuật số - phải làm sao cho những người khuyết tật vẫn có thể tiếp cận được ở mức tốt nhất.
Ngày Nhận thức về khả năng tiếp cận Toàn cầu (GAAD) đã ra đời để nhắc nhở mọi người chú ý trở lại thế giới của những người khuyết tật. GAAD nhắm đến các nhà phát triển, nhà thiết kế và các nhà sáng tạo khác tập trung nhiều hơn vào khả năng tiếp cận kỹ thuật số và đưa công nghệ mới đến hàng tỷ người trên toàn thế giới bị khuyết tật hoặc khiếm khuyết một khả năng nào đó. Ngày này được tổ chức vào thứ năm thứ ba của tháng 5 hằng năm, năm nay là ngày 20-5.
Sản phẩm công nghệ được thiết kế ra để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người bình thường. Khi thiết kế sản phẩm đó để phù hợp với người khuyết tật thì nó lại trở nên không phù hợp với người bình thường. Nếu thiết kế riêng những dòng sản phẩm dành cho người khuyết tật thì lại là giải pháp không kinh tế, vì số lượng người khuyết tật không nhiều mà lại nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau: người thì có vấn đề về thị giác, người khác khiếm khuyết tứ chi, người lại có nhược điểm về thính giác… Giải pháp thường được chọn là cho phép người sử dụng thay đổi phần thiết lập của ứng dụng. Ví dụ như trong Windows, người dùng có thể chọn mục Setting - Ease of Access. Một giải pháp khác là viết thêm các ứng dụng phụ để bổ sung cho ứng dụng chính.
Giải pháp hay nhất là giải pháp không phức tạp về cách cài đặt, dễ sử dụng, và mặc dù được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật nhưng cũng có thể phục vụ hiệu quả cho người bình thường. Phụ đề trực tiếp là một giải pháp như vậy, và đó là một món quà gửi đến người dùng trong Ngày Nhận thức về khả năng tiếp cận toàn cầu (GAAD) năm nay.
Phạm Hoài Nhân