Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2020 có 8,35% học sinh lớp 8 đến lớp 12 trong cả nước hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2020 có 8,35% học sinh lớp 8 đến lớp 12 trong cả nước hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005.
Một cô gái hút và rao bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội Facebook, TikTok |
Mặc dù tác hại của thuốc lá điện tử đã được các ngành chức năng cảnh báo nhiều năm nay nhưng do đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái “tôi” của tuổi mới lớn nên thuốc lá điện tử vẫn có “đất sống”, được nhiều học sinh đón nhận mà không màng tới hậu quả.
* Tác hại thấy rõ
Hồi tháng 4-2021, Bệnh viện 199 (TP.Đà Nẵng) cấp cứu cho một nam sinh 16 tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, toàn thân tê, tay chân có dấu hiệu co rút. Trước khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân được bạn cho uống một loại dung dịch không rõ loại. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc chất kích thích, tác động lên hệ thần kinh gây ức chế.
Bệnh nhân được cho thở oxy đảm bảo hô hấp, gắn monitor theo dõi huyết động liên tục, an thần giãn cơ, đặt đường truyền, xét nghiệm các tiền chất gây nghiện và được chuyển theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021, WHO chọn chủ đề Cam kết bỏ thuốc lá cho Ngày thế giới Không thuốc lá 31-5. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc lá tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO. |
Kết quả tìm hiểu của bác sĩ cho thấy, bệnh nhân nuốt phải tinh dầu của thuốc lá điện tử dẫn đến ngộ độc. Bởi thuốc lá điện tử hầu hết chứa nicotin, có thể gây hại cho não bộ của người ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Việc phơi nhiễm nicotin cấp tính có tác hại lớn, nếu nuốt, hít hay bị dịch lỏng trong thuốc lá điện tử dính vào mắt hoặc da có thể gây ngộ độc.
Trước đó, vào tháng 11-2019, 4 học sinh từ 11-16 tuổi ở TP.Hải Phòng cũng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, vã mồ hôi, buồn nôn do ngộ độc tinh dầu thuốc lá điện tử.
Tại Đồng Nai, thuốc lá điện tử với nhiều hình dạng bắt mắt khác nhau cũng đã và đang len lỏi vào các trường học. Đánh trúng tâm lý muốn thể hiện mình và khám phá những điều mới lạ, thuốc lá điện tử được khá nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh cấp THCS đón nhận và sử dụng.
Anh H.Đ., phụ huynh có con học lớp 7 một trường THCS trên địa bàn TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, cách đây ít lâu, sau khi nhà trường thông báo cho phụ huynh về việc nhiều học sinh hút thuốc lá điện tử, đề nghị phụ huynh phối hợp chấn chỉnh, dạy dỗ, anh đã hỏi con gái và được biết cô bé này cũng từng thử hút thuốc lá điện tử khi được bạn bè rủ rê. Theo nữ sinh này, có nhiều bạn trong lớp đã hút thuốc lá điện tử, thường vào giờ tan học, ở bên ngoài nhà trường. Ban đầu chỉ có một vài học sinh hút, sau đó có thêm nhiều học sinh khác cũng xin thử và hút theo.
* Không nên thử dù chỉ một lần
BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, sở dĩ thuốc lá điện tử được giới trẻ ưa chuộng bởi mẫu mã đa dạng, cuốn hút. Mặt khác, việc mua bán thuốc lá điện tử rất sôi động và dễ dàng trên mạng xã hội với đủ các loại giá cả khác nhau.
Các loại tinh dầu bắt mắt, đủ mùi hương được bày bán công khai trên mạng xã hội |
Theo đó, các loại thuốc lá điện tử được thiết kế theo hình thức có bộ phận sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy thích. Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử chứa nicotin và nhiều chất gây hại cho cơ thể.
Nghiên cứu của các cơ quan chức năng cho thấy, việc hút thuốc lá điện tử thường xuyên có thể khiến tế bào gốc của não bị hủy hoại, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tái tạo tế bào cho cơ thể. Từ đó đẩy nhanh quá trình lão hóa, suy thoái hệ thần kinh và kéo theo nguy cơ suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức và học tập. Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử thường có biểu hiện giảm chú ý và tập trung, khả năng đưa ra quyết định kém, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường, suy giảm nghiêm trọng khả năng học tập.
Không những thế, việc lệ thuộc vào một loại chất kích thích sẽ đẩy nhiều học sinh gia nhập vào các băng nhóm thanh thiếu niên, gia tăng tình trạng cô lập và bắt nạt học đường, gây nhiều bất ổn trong trường học.
Để học sinh không hút thuốc lá điện tử hoặc sớm bỏ thuốc lá điện tử, các bác sĩ khuyến cáo, từ gia đình đến nhà trường cần có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp nhằm giúp các em hiểu được tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, ảnh hưởng không tốt đến việc học hành và nhiều hệ lụy về sau. Phụ huynh nên quan tâm sâu sát tình hình sinh hoạt, học tập của con để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, khích lệ con tham gia các hoạt động thể chất, nâng cao sức khỏe, có lối sống lành mạnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử đều có hại cho sức khỏe. Trong thuốc lá có hàng ngàn chất độc hại, gây nên các bệnh ung thư, tim, phổi… Do đó, đối với học sinh, thanh, thiếu niên, không nên thử hay hút thuốc lá, dù chỉ một lần bởi khi đã phụ thuộc vào thuốc lá, việc cai nghiện rất khó khăn.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hưởng ứng Ngày thế giới Không thuốc lá và Tuần lễ Không hút thuốc lá (từ 25 đến 31-5), nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá như: tổ chức cuộc thi Phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trên nền tảng mạng xã hội TikTok; phát động chiến dịch Khách sạn, nhà hàng không khói thuốc; đưa các tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc làm tiêu chuẩn thi đua của công chức, viên chức, người lao động... |
Hạnh Dung