Sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh đã giúp con người, trong đó có trẻ em dễ dàng tiếp cận với các thông tin. Với trẻ em, internet đã cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh đã giúp con người, trong đó có trẻ em dễ dàng tiếp cận với các thông tin. Với trẻ em, internet đã cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội.
Trẻ em sử dụng điện thoại để giải trí trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Nga Sơn |
Bên cạnh những lợi ích, internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, mất an toàn đối với trẻ. Điều này đã và đang trở thành thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là câu hỏi lớn không chỉ với các bậc phụ huynh mà còn của cả xã hội.
* Trẻ sử dụng internet từ sớm và ngày càng phổ biến
Mọi năm phải đến cuối tháng 5 mới kết thúc năm học, nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp nên các trường đã đẩy nhanh tiến độ học và thi để kết thúc năm học trước khi dịch bùng phát. Nhiều trường đã cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch và thay vào đó là tổ chức cho học sinh học online tại nhà.
Là một trong những học sinh học online tại nhà trước khi kết thúc năm học, em Trương Quỳnh Anh, học sinh lớp 7, Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) cho biết, để đảm bảo việc học tập online, cha mẹ đã trang bị cho em một chiếc điện thoại có kết nối internet. Thời gian học vào ban ngày, cha mẹ đều đi làm nên cứ đến giờ học em tự mở điện thoại lên rồi học. So với việc lên lớp, học online ở nhà tuy không vui bằng nhưng lại phù hợp và an toàn trước tình hình dịch bệnh. Chưa kể vào giờ giải lao hoặc kết thúc buổi học, em được sử dụng điện thoại để giải trí.
Chỉ còn mấy ngày nữa, em Tạ Vũ Quỳnh Thi, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Phú Lâm (H.Tân Phú) sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì vậy, từ khi kết thúc năm học cho đến nay, Quỳnh Thi vẫn hằng ngày miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Quỳnh Thi cho hay, do tình hình dịch bệnh nên việc ôn thi ở trường, ở nhà thầy cô cũng hạn chế. Cũng may còn có internet nên trong quá trình ôn tập ở nhà có khó khăn em đều sử dụng Facebook hoặc Zalo để gọi video nhờ thầy cô hướng dẫn. Nhờ vậy mà chương trình ôn thi của em đến nay đã cơ bản hoàn thành, giúp em tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới.
Ngoài nhu cầu sử dụng internet vào việc học, hầu hết trẻ em hiện nay được tiếp cận với internet từ rất sớm và chủ yếu là để phục vụ nhu cầu giải trí. Em Đặng Quốc Hùng (10 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) chia sẻ, trong năm học, em phải dành nhiều thời gian cho việc học nên cha mẹ chỉ cho xem tivi vào khoảng 17-18 giờ sau khi đi học về và trước khi ăn cơm, vào ngày cuối tuần. Còn vào dịp hè, nhất là hè năm nay vì dịch bệnh học sinh được nghỉ hè sớm hơn, lại không phải đi học thêm nên Quốc Hùng chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Không có trò gì để chơi, em chỉ biết làm bạn với tivi. Ban ngày cha mẹ đều đi làm, ở nhà chỉ có mấy anh em nên có khi ngồi xem tivi cả buổi. Tivi có kết nối internet nên chỉ cần mở YouTube là có đủ thứ để xem, từ hoạt hình cho đến các video clip của các youtuber…
* Đồng hành và hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn
Không thể phủ nhận vai trò của internet thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp trẻ có cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường internet. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng môi trường mạng cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.
Trong đó, ngoài việc sử dụng internet thường xuyên dẫn đến tình trạng nghiện, tâm thần dễ bị bất ổn; có những thông tin xuất hiện ngoài ý muốn của trẻ, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thậm chí, các em còn là đối tượng để kẻ xấu lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc…
Trong chương trình livestream Lên mạng an toàn thời Covid-19 diễn ra mới đây, chị Nguyễn Như Quỳnh, Chủ tịch Cyberkid Việt Nam (Tổ chức Xã hội bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng) cho rằng, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn khi sử dụng internet vẫn có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, so với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ tổn thương hơn, hệ lụy để lại cũng nặng nề hơn.
Theo chia sẻ của chị Như Quỳnh, khi thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (như: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng; sức khỏe; hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ; trường, lớp, kết quả học tập, mối quan hệ bạn bè của trẻ… ) bị lộ, trẻ rất dễ bị xâm hại, lôi kéo, lợi dụng. Thủ đoạn mà kẻ xấu thường dùng đó là gọi điện thoại trực tiếp mời trẻ tham gia một cuộc thi sắc đẹp nhí và để tham gia trẻ hãy gửi ảnh chụp bikini vì cuộc thi sắc đẹp thường có phần thi này. Hoặc kẻ xấu sẽ kết thân với trẻ để dụ trẻ yêu online. Hoặc các đối tượng mời trẻ vị thành niên đi chụp ảnh người mẫu thời trang để kiếm thêm thu nhập… Khi có được những hình ảnh nhạy cảm của trẻ, kẻ xấu sẽ sử dụng để xâm hại trẻ, tống tiền phụ huynh hoặc lôi kéo trẻ tham gia vào các hoạt động chống phá nhà nước trái với quy định của pháp luật, như: gửi tin nhắn truyền bá các tư tưởng dị giáo, tham gia các hội không chính thống, tham gia biểu tình… làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đã có rất nhiều giải pháp được đề ra như: hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần ngăn chặn những thông tin xấu trên mạng có nguy cơ xâm hại trẻ em, tạo môi trường an toàn trên mạng cho trẻ; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Tuy nhiên, theo anh Ngô Minh Hiếu, kỹ sư tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại buổi livestream Lên mạng an toàn thời Covid-19, gia đình là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mất an toàn trên mạng. Theo đó, phụ huynh cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng cho trẻ; chịu khó lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình; sử dụng thêm công cụ giám sát để đưa ra các biện pháp hợp lý với trẻ.
Bên cạnh việc đồng tình với ý kiến này, chị Như Quỳnh, lưu ý các phụ huynh tuyệt đối không cấm đoán trẻ mà thay vào đó hãy đề ra những nguyên tắc dựa trên kết quả thỏa thuận giữa cha mẹ và trẻ về việc sử dụng internet như thế nào là an toàn và hợp lý. Đặc biệt, khi đã đạt được thỏa thuận, cha mẹ phải là người làm gương, bỏ điện thoại xuống khi không thật cần thiết để chơi với trẻ, đồng hành và hướng dẫn trẻ kỹ năng sử dụng internet một cách thông minh để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó dành 1 chương để nói về trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nghị định đã chỉ ra những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; trách nhiệm của các chủ thể trong việc truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng; hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng… |
Nga Sơn