Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo đà phát triển

10:05, 17/05/2021

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được xác định là xu hướng phát triển tất yếu tại Việt Nam hiện nay nhằm mở ra sự tăng trưởng lớn trên thị trường...

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được xác định là xu hướng phát triển tất yếu tại Việt Nam hiện nay nhằm mở ra sự tăng trưởng lớn trên thị trường. Tại Đồng Nai, cùng với cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng đang được hình thành và dần phát triển.

Ông Huỳnh Minh Hậu
Ông Huỳnh Minh Hậu

Nhân Ngày Khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam năm 2021, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Hậu, Phó giám đốc phụ trách Sở KH-CN xoay quanh vấn đề này. 

* Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST được xem là “cú hích” để nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp. Đây cũng là cơ hội để họ được quảng bá sản phẩm đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Tình hình của các start-up sau cuộc thi như thế nào, thưa ông?

- Giai đoạn 2016-2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với sự ra đời của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (đề án 844). Đây cũng là giai đoạn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia khởi nghiệp ĐMST.

Tại Đồng Nai, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

KH-CN và ĐMST- Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Đó là chủ đề của Ngày KH-CN Việt Nam năm 2021. Bộ KH-CN khuyến khích các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, lan tỏa các hoạt động chào mừng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể tổ chức hoạt động chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam bằng hình thức trực tuyến.

Các hoạt động chính được khuyến khích tổ chức gồm: tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày KH-CN Việt Nam; các hoạt động KH-CN, ĐMST trong giai đoạn 2020-2021. Tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH-CN Việt Nam; giới thiệu các chính sách pháp luật mới được ban hành nhằm phát triển và ứng dụng KH-CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH-CN và ĐMST; các mục tiêu, định hướng lớn của các chiến lược/chương trình quốc gia về KH-CN đến năm 2030…

Năm 2013, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật KH-CN (sửa đổi) và quy định ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH-CN Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày này đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần ĐMST; là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH-CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực.  

      Hải An

Từ năm 2019, UBND tỉnh đã giao Sở KH-CN chủ trì tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST Đồng Nai. Cuộc thi được tổ chức thường niên đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nhiều cá nhân, tổ chức. Nhờ đó, các dự án được cố vấn để hoàn thiện, kết nối với các nhà đầu tư nhằm quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là cơ hội để Sở KH-CN tìm kiếm, chọn lọc và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và hình thành doanh nghiệp KH-CN.

Qua theo dõi thì các doanh nghiệp đoạt giải cao năm 2019 hiện đang hoạt động tốt và phát triển ổn định. Có thể kể ra một vài ví dụ điển hình như: dự án chả lụa xanh - Covidfood; mô hình lắp ghép nhà nuôi chim yến từng phần trong quá trình phát triển bầy đàn chim yến bằng vật liệu composit; Kola zone - dự án chuỗi các sản phẩm từ cây rau má… Sở KH-CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp này trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ nếu doanh nghiệp có nhu cầu.

* Sau 2 lần tổ chức cuộc thi, dường như đa số các dự án khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa có nhiều dự án mang đậm chất “công nghệ 4.0”. Phải chăng đây chính là hạn chế của cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tại Đồng Nai?

- Đúng là như: vậy, nội dung ý tưởng, dự án dự thi vẫn tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thiếu vắng các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0. Một số tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo, đã có sản phẩm hoàn thiện nhưng thiếu mạnh dạn tham gia cuộc thi.

Để nâng chất cuộc thi này, tôi cho rằng trước tiên chúng ta cần hiểu rằng khởi nghiệp ĐMST khác với khởi nghiệp mưu sinh thông thường. Theo đó, khởi nghiệp ĐMST đề cao tính mới, tính sáng tạo nhằm đem lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng xã hội. Để khai thác được nhiều hơn các ý tưởng ĐMST từ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên, sinh viên thì cuộc thi cần được truyền thông rộng rãi, tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn thêm về kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh áp dụng có hiệu quả các đề tài, giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường.

Mặt khác, để đưa vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận, có thị trường tiêu thụ ổn định thì các dự án cần được sự hỗ trợ thêm từ những mentor (người hướng dẫn), sự hỗ trợ chính sách từ chính quyền địa phương và hơn hết là sự quyết tâm của chủ dự án.

Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH-CN Phạm Xuân Đà và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nghiên cứu ứng dụng của nông dân tại Ngày hội Khoa học và công nghệ Đồng Nai năm 2020. Ảnh: Hương Sen
Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH-CN Phạm Xuân Đà và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nghiên cứu ứng dụng của nông dân tại Ngày hội Khoa học và công nghệ Đồng Nai năm 2020. Ảnh: Hương Sen

Chúng ta cũng cần thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các "vườn ươm", khu làm việc chung cho các dự án khởi nghiệp và những người quan tâm. Có như vậy, cuộc thi mới thực sự là một sân chơi sôi nổi, rộng khắp, nhằm dẫn dắt, khơi gợi ra những xu hướng khởi nghiệp trong cộng đồng.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban tổ chức cuộc thi, Sở KH-CN sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh thể lệ cuộc thi cho phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện thêm các chính sách hỗ trợ đối với dự án đoạt giải.

* Bên cạnh cuộc thi nói trên, Sở KH-CN sẽ có những hoạt động nào để góp phần hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Nhằm góp phần hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, ngày 5-3, Sở KH-CN đã ban hành Kế hoạch số 354/KH-SKHCN về hoạt động hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2021.

Thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2020. Ảnh: H.Yến
Thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2020. Ảnh: H.Yến

Nội dung trọng tâm của kế hoạch bao gồm: tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST (Techfest Đồng Nai) nhằm giới thiệu phong trào khởi nghiệp ở Đồng Nai; kết nối, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST ở địa phương, kết nối cung cầu về các sản phẩm khởi nghiệp; thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai; tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp ĐMST và xây dựng văn hóa khởi nghiệp nhằm gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để bàn đến các vấn đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khởi nghiệp ĐMST.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thực hiện các chính sách của tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST như: hỗ trợ kinh phí trả lương cho nhân công; hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp về đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp KH-CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; hỗ trợ không gian số cho doanh nghiệp khởi nghiệp...

* Xin cảm ơn ông!

Qua 2 năm tổ chức, cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai đã thu hút được trên 40 ý tưởng, dự án tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã xét trao giải cho 12 ý tưởng, dự án.

Các ý tưởng, dự án được chấm điểm dựa trên các tiêu chí cụ thể: tính mới, tính sáng tạo; khả năng tăng trưởng, khả năng thương mại hóa; mức độ hoàn thiện của mô hình, kế hoạch kinh doanh; mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế - xã hội của ý tưởng dự án mang lại. Các dự án có tính mới, tính sáng tạo được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao.

Một điểm nổi bật là các dự án dự thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2020 hầu hết đã có sản phẩm thực tế đưa vào sản xuất.

Hải Yến (thực hiện)

Tin xem nhiều