Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế

09:05, 08/05/2021

Tận dụng những đồ dùng đã cũ hoặc các vật liệu tái chế, nhiều giáo viên đã làm mới, biến chúng thành những đồ dùng dạy học hữu ích.

Tận dụng những đồ dùng đã cũ hoặc các vật liệu tái chế, nhiều giáo viên đã làm mới, biến chúng thành những đồ dùng dạy học hữu ích.

Học sinh Trường mầm non Hoa Mai (TP.Biên Hòa) sử dụng bộ đồ chơi “con rối” khi chơi trò đóng vai kể chuyện. Đây là đồ chơi làm bằng vải nỉ mà nhiều giáo viên mầm non thường làm cho học sinh. Ảnh: H.YẾN
Học sinh Trường mầm non Hoa Mai (TP.Biên Hòa) sử dụng bộ đồ chơi “con rối” khi chơi trò đóng vai kể chuyện. Đây là đồ chơi làm bằng vải nỉ mà nhiều giáo viên mầm non thường làm cho học sinh. Ảnh: H.YẾN

Nhờ những đồ dùng dạy học tự làm, giáo viên dễ dàng truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh hơn.

* Vỏ chai, ống hút trở thành đồ dùng dạy học

Trong chương trình môn Sinh học lớp 9, bài học nguyên phân, giảm phân trong chương về Nhiễm sắc thể là nội dung tương đối khó tiếp thu với nhiều học sinh. Để minh họa quá trình này, giúp học sinh dễ hình dung, ghi nhớ, cô Trần Thị Mỹ Hạnh và cô Lại Phan Yến Nhi (Trường THCS Võ Trường Toản, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) đã làm mô hình biểu diễn quá trình nguyên phân và giảm phân.

Vật liệu được 2 cô lựa chọn là: ống hút, bảng từ, đèn led, sợi dây rút, pin. Trong đó, sợi dây rút dùng làm thoi phân bào. Các ống hút được cắt ngắn và gấp khúc dùng làm các nhiễm sắc thể dạng kép, tại vị trí gấp khúc được gắn nam châm để làm tâm động, phía ngoài có gắn thêm một chiếc móc nhỏ để có thể móc vào sợi dây rút làm thoi phân bào…

Kết hợp thêm với hệ thống đèn led, 2 cô giáo đã hoàn thành được mô hình biểu diễn quá trình nguyên phân, giảm phân với chi phí thấp nhất. Mô hình được ứng dụng hiệu quả trong quá trình dạy học. Đây cũng là mô hình đã đoạt giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2020.

Cô Đặng Thị Bảo Chi, Trường mầm non Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) lại tận dụng vỏ chai nước bằng nhựa để làm đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ mầm non. Đây là những vật liệu tái chế vừa dễ tìm lại không hề tốn tiền mua. Theo đó, cô Chi cắt, tô màu các vỏ chai nước ngọt, vỏ chai sữa đã qua sử dụng và trang trí thêm cho phù hợp để dùng làm bộ dụng cụ dạy trẻ làm quen với chữ cái và chữ số. Ngoài ra, cô cắt thêm hình các con vật để gắn vào nắp chai, biến các chai nhựa thành những con vật ngộ nghĩnh, dễ thương.

“Với việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi bằng chai nhựa, trẻ có thể thoải mái chơi mà không sợ bị hư, bể. Đây cũng là đồ dùng an toàn cho trẻ” - cô Chi cho hay.

* Cần sự khéo léo, tỉ mỉ

Đồ dùng dạy học là phương tiện không thể thiếu trong các tiết học. Đặc biệt, trong việc đổi mới phương pháp dạy học, những đồ dùng, thiết bị này lại càng trở nên quan trọng. Mặc dù các trường đều có đồ dùng dạy học được cấp sẵn nhưng trong thực tế dạy học, giáo viên mới là những người sáng tạo nên các bộ đồ dùng gần gũi, thiết thực nhất với nội dung bài học, phù hợp với đối tượng học sinh từng lớp học. Do đó, rất nhiều giáo viên tham gia vào phong trào tự làm đồ dùng dạy học.

Những giáo viên tham gia làm đồ dùng dạy học đều là những người tâm huyết với nghề. Vì chỉ khi nào trăn trở với mỗi bài giảng, mong muốn đem đến cho học sinh những giờ học sinh động, hấp dẫn thì giáo viên mới bỏ công sức, thời gian để bắt tay vào làm đồ dùng dạy học.

Để làm được  đồ dùng dạy học hoàn chỉnh, giáo viên thường mất thời gian hằng tháng trời. Thông thường, giáo viên dựa vào kinh nghiệm rồi phác thảo sơ ý tưởng và bắt tay vào làm. Quá trình này chắc chắn phải sửa đi sửa lại nhiều lần thì đồ dùng mới hoàn thiện như ý.

Học sinh Trường mầm non Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vui học với bộ đồ chơi Khối hộp đa năng do cô Ngô Thị Thu Hà sáng tạo. Ảnh: Hải Yến
Học sinh Trường mầm non Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vui học với bộ đồ chơi Khối hộp đa năng do cô Ngô Thị Thu Hà sáng tạo. Ảnh: Hải Yến

Cô Ngô Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là đồng tác giả bộ đồ dùng dạy học Khối hộp đa năng, sản phẩm đoạt giải ba chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2020. Với bộ đồ dùng này, ngoài các vật liệu chính gồm: sắt, gỗ, vải nỉ, cô Hà cũng ưu tiên sử dụng một số vật liệu tái chế như ống nước nhựa, giấy, bịch ny-lông.

Cô Hà cho biết: “Chúng tôi mất khoảng một tháng để làm bộ đồ chơi này. Sau  thời gian đưa vào sử dụng, tôi nhận thấy trẻ có nhiều sáng tạo khi tạo ra một sản phẩm hoặc tư duy đến trò chơi khác. Các con cũng biết thể hiện tình cảm với bạn bè và cô giáo; thích chơi cùng bạn, biết hợp tác theo nhóm, biết nhận ra nhiệm vụ của mình và bạn trong khi chơi…”.

Đối với giáo viên mầm non, việc làm đồ dùng dạy học là hoạt động thường xuyên, được thực hiện vào mỗi đầu năm học. Đây cũng là lực lượng giáo viên tận dụng vật liệu tái chế để làm đồ chơi, đồ dùng dạy học nhiều nhất. Không khó để nhận ra công sức, sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của các giáo viên mầm non trong mỗi món đồ dùng, đồ chơi dành cho trẻ: từ các loại vật nuôi, cây trồng, hoa quả đến những bộ quần áo, mô hình nhà, phương tiện giao thông… Với mỗi chủ đề dạy học, giáo viên đều có thể làm được những bộ đồ dùng, đồ chơi đáp ứng được nội dung, yêu cầu bài học.

Biến sỏi đá thành đồ chơi

Để học sinh có sân chơi nghệ thuật bổ ích, giáo viên của nhiều trường đã đi tìm, chọn và đem về trường những viên đá cuội cho học sinh sử dụng làm vật liệu vẽ. Từ những viên đá này, học sinh đã vẽ được nhiều bức tranh mini đẹp mắt. Ở các trường mầm non, giáo viên tự tay vẽ trên đá, trang trí thành các nhân vật cổ tích, hoạt hình, các con vật gần gũi với trẻ thơ… khiến cho ngôi trường thêm nhiều màu sắc, tạo thêm niềm vui, sự yêu thích cho trẻ.

Hải Yến

 

 

 

Tin xem nhiều