Với phương châm "Chống dịch như chống giặc", tỉnh Đồng Nai đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
[links()]Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, tỉnh Đồng Nai đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp trao tặng dàn máy xét nghiệm PCR hiện đại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: H.Dung |
* Mở rộng đối tượng, nâng cao năng lực xét nghiệm
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát để giảm nguy cơ, mới đây Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong tỉnh tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng: nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19) tại các cơ sở cách ly có người đang được cách ly; bệnh nhân đang điều trị nội trú, người đến khám bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19); các đối tượng thuộc diện cách ly tại nhà (F2); người dân ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly; người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly; người làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, lái xe; cán bộ làm việc ở các cửa khẩu, đường biên, thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ; người làm việc trong các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, tổng công ty; các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác.
Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải đề cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoảng hốt, sợ sệt, mất bình tĩnh. Từ đó sáng suốt lựa chọn những phương án xử lý phù hợp nhằm vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát để giảm nguy cơ, nâng cao năng lực cách ly, xây dựng các kịch bản ứng phó với từng tình huống của dịch bệnh. Không được có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn”. |
“Việc xét nghiệm rà soát được thực hiện định kỳ tối thiểu 5-7 ngày/lần hoặc theo nhu cầu và nguồn lực, sinh phẩm được cung ứng. Nếu mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các đơn vị sẽ triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo hướng dẫn của Bộ Y tế” - BS Vũ cho hay.
Đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai có 3 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 là: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Mới đây, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đã trao tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 1 dàn máy xét nghiệm PCR hiện đại với công suất xét nghiệm khá lớn. Trong điều kiện bình thường, 3 phòng xét nghiệm của tỉnh có thể thực hiện xét nghiệm 3 ngàn mẫu đơn/ngày. Trong điều kiện cần thiết khi có dịch, có thể thực hiện gộp mẫu (5 mẫu) với công suất lên đến 10 ngàn mẫu/ngày. Nếu dịch bệnh xảy ra, các cơ sở có thể thực hiện xét nghiệm gộp 10 mẫu. Khi đó, công suất xét nghiệm sẽ còn tăng cao.
* Tiêm vaccine phòng Covid-19 càng nhanh càng tốt
Ngoài thực hiện tốt thông điệp 5K thì tiêm vaccine được xem là lá chắn thép trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sau nhiều nỗ lực khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất, đến nay, Việt Nam được cam kết sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Ngày 16-5 vừa qua, Việt Nam đã nhận được 1.682.400 liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ. Từ số vaccine này, Bộ Y tế đã phân bổ cho tất cả các địa phương trong cả nước để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Trong đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên diễn ra từ ngày 22-4 đến 13-5, Đồng Nai có gần 19 ngàn người là lực lượng tuyến đầu chống dịch thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết 21 của Chính phủ đã được tiêm vaccine AstraZeneca. Trong số những người được tiêm, ghi nhận hơn 2,5 ngàn trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm như: đau đầu, sốt, đau chỗ tiêm, chóng mặt, mệt mỏi. Ngoài ra, có 4 trường hợp có biến cố nặng sau tiêm chủng, kết quả chẩn đoán sơ bộ, những người này bị phản vệ độ 2, được theo dõi, chăm sóc và đến nay sức khỏe đã ổn định.
BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, Đồng Nai đã thực hiện có hiệu quả đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên. Trước tình trạng một bộ phận người dân còn có tâm lý e ngại tiêm vaccine, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, từ trước đến nay, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, vũ khí hữu hiệu được sử dụng là vaccine. Khi nhiều người cùng được tiêm vaccine sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Từ lịch sử và kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, Việt Nam có thể đầy lùi được các bệnh truyền nhiễm một cách hoàn hảo khi có vaccine và tạo ra được miễn dịch cộng đồng.
Do đó, trừ những người có bệnh nền, đang có thai, cho con bú, thuộc nhóm người phải trì hoãn tiêm hoặc thận trọng khi tiêm vaccine thì những người đủ điều kiện sức khỏe, tuổi tác… không nên trì hoãn tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm vaccine cần được triển khai nhanh nhất có thể để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Mọi sự chậm trễ đều sẽ ảnh hưởng bất lợi đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế đang chuẩn bị kế hoạch để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 2. Ngay sau khi được Bộ Y tế cấp vaccine, Đồng Nai sẽ triển khai tiêm ngay.
Để có thêm nguồn vaccine phòng Covid-19, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tìm thêm nhiều nguồn để có thể mua được nhiều vaccine phòng Covid-19. Từ đó, tiêm đủ 2 mũi cho các đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và mở rộng các đối tượng tiêm vaccine, hướng đến mục tiêu 85% dân số trong độ tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19.
* Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở mức cao nhất kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam. Số ca mắc bệnh Covid-19 trong ngày đã lên đến 3 con số, liên tục lập kỷ lục mới. Ở một số địa phương trong cả nước, tình hình lây nhiễm đang rất phức tạp.
Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh, mặc dù Đồng Nai đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt nhưng tất cả không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; bởi chỉ 1 người lơ là, mất cảnh giác sẽ khiến cả xã hội phải vất vả. Và cái giá phải trả cho sự lơ là có khi là sinh mạng của nhiều người.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát diện rộng khi dịch bệnh còn đang âm ỉ trong cộng đồng. Đồng thời, siết chặt quản lý tại các khu cách ly tập trung, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. Đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại những nơi tập trung đông người như: công ty, doanh nghiệp, bệnh viện… Mỗi đơn vị phải tự giác thực hiện cập nhật tình hình trên bản đồ an toàn Covid-19, không được có thái độ lơ là, ỷ lại.
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh, ngành Y tế đã lên các kịch bản với từng cấp độ của dịch bệnh để sẵn sàng “ứng chiến” khi cần thiết.
Cụ thể, trong trường hợp toàn tỉnh có vài chục ca bệnh Covid-19, khối điều trị sẽ tập trung vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai (công suất 100 giường bệnh). Khi bệnh nhân có diễn biến nặng, sẽ điều động thêm trang thiết bị, máy móc, các bác sĩ của các Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Nhi đồng Đồng Nai để tăng cường, nâng cao năng lực của hồi sức cấp cứu. Hệ thống cách ly khi đó đáp ứng khoảng 2 ngàn giường.
Tình huống thứ 2 là khi toàn tỉnh có 200-300 bệnh nhân mắc Covid-19, ngành Y tế sẽ đề xuất để chuyển đổi Trung tâm Y tế H.Thống Nhất thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 thứ 2 của tỉnh với công suất 150 giường bệnh. Khi đó, tiếp tục sử dụng một số khu cách ly của các trường học, của quân đội để tiến hành cách ly tập trung.
Tình huống xấu nhất là khi số ca bệnh của tỉnh tăng lên đến 1 ngàn trường hợp, ngành Y tế sẽ tiếp tục đề xuất chuyển đổi một số bệnh viện khác như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm Y tế H.Tân Phú, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.
Hạnh Dung