Xây dựng trường học hạnh phúc đã trở thành mục tiêu và được tập thể Trường tiểu học An Hảo (P.An Bình, TP.Biên Hòa) thực hiện từ 3 năm nay.
Xây dựng trường học hạnh phúc đã trở thành mục tiêu và được tập thể Trường tiểu học An Hảo (P.An Bình, TP.Biên Hòa) thực hiện từ 3 năm nay.
Học sinh Trường tiểu học An Hảo hào hứng tham gia trò chơi giúp phát triển ngôn ngữ. Ảnh: H.Yến |
Giáo viên luôn năng động, gần gũi với học sinh; nhà trường tìm tiếng nói chung với phụ huynh trong giáo dục trẻ; nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nhằm giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân… được nhà trường thực hiện một cách hiệu quả. Đó là những khởi đầu thuận lợi trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc.
* Tìm “tiếng nói chung” trong việc giáo dục trẻ
Những năm gần đây, phụ huynh trên địa bàn TP.Biên Hòa bắt đầu truyền tai nhau, khen ngợi về môi trường học tập tại Trường tiểu học An Hảo. Đó là ngôi trường khang trang, sạch đẹp với nhiều cây xanh bao phủ, từ bên ngoài cổng trường đến các hành lang lớp học. Ở đó, không kể độ tuổi, mọi giáo viên đều có phong cách ứng xử, giáo dục trẻ trung, năng động, gần gũi với học sinh. Trong trường, bất kể là Ban giám hiệu, giáo viên hay nhân viên, người nào cũng niềm nở chào hỏi và đáp lại lời chào của học sinh.
Đối với học sinh tiểu học, sự trẻ trung của giáo viên rất quan trọng. Chính phong cách này giúp cho học sinh trở nên tự tin, mạnh dạn hơn khi giao tiếp với giáo viên. Vượt qua được rào cản về sự giao tiếp, các em sẽ tự tin hơn trong học tập và các hoạt động khác.
Em Nguyễn Gia Mỹ, lớp 3/1 cho biết: “Ngoài giờ học chính, em còn được tham gia nhiều hoạt động khác như: tham gia CLB nhảy hiện đại, học tiếng Anh với người nước ngoài, học kỹ năng sống... Trong đó, em thích nhất là tham gia nhảy hiện đại vì nó giúp em thoải mái, vui vẻ sau giờ học. Nhóm của em đã tham gia Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại ở Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh và đoạt giải nhì. Em cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn. Vì tham gia nhiều hoạt động nên em quen được nhiều cô giáo trong trường. Các cô thân thiện với học sinh nên em rất thích”. |
Lấy được lòng tin của học sinh thôi chưa đủ, nhà trường cần tìm được tiếng nói chung với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ. Để làm được điều này, những cuộc họp phụ huynh đầu năm chính là cơ hội để Ban giám hiệu cùng trao đổi về những quan điểm giáo dục phù hợp với phụ huynh.
“Trong buổi họp phụ huynh, tôi phải thú thật với phụ huynh rằng tôi làm hiệu trưởng nhưng con của tôi học không giỏi, cháu chỉ học tốt nhất môn Tiếng Anh. Nhưng bù lại, từ năm lớp 2, cháu đã một mình đón xe buýt đi học. Lớn lên, cháu biết làm việc nhà, còn tự xin visa du học, khi được đi học thì tự làm thêm để trang trải chi phí… Vậy các vị là phụ huynh có mong con chỉ cần học giỏi không? Nếu con của quý vị học không giỏi, năng lực chỉ đáng 5-6 điểm mà thầy cô “cho” lên 8-9 điểm để được loại giỏi, quý vị có vui không? Vậy chúng ta không nên đặt áp lực học tập cho trẻ, hãy giúp trẻ tiến bộ mỗi ngày…” - cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Những chia sẻ chân thành đó của cô Nguyệt đã phần nào giúp phụ huynh thay đổi một cách tích cực trong tư duy giáo dục trẻ. Họ cũng trở thành những người đồng hành, tích cực ủng hộ nhà trường trong mọi hoạt động giáo dục.
* Tạo cơ hội cho trẻ phát triển
Để học sinh có cơ hội phát triển những năng lực riêng của mình, Trường tiểu học An Hảo đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham gia. Đó là các lớp học kỹ năng sống được tổ chức định kỳ hằng tháng như: làm gốm, nấu ăn; là các CLB năng khiếu như: nhảy hiện đại, người mẫu thời trang… Trường tiểu học An Hảo cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện phương pháp giáo dục STEAM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - nghệ thuật - toán học) cho học sinh tiểu học. Năm học
2020-2021, trong khuôn khổ Ngày hội STEAM, trường đã đăng cai và tổ chức thành công cuộc thi Robot thông minh - Du khảo Biên Hòa.
Trường tiểu học An Hảo cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức được các lớp học tiếng Anh tăng cường với 100% giáo viên nước ngoài. Theo đó, để tạo môi trường học tiếng Anh tốt nhất cho học sinh, ngay khi tuyển sinh lớp 1, nhà trường đã xếp được 2 lớp tăng cường tiếng Anh. Với học phí 900 ngàn đồng/tháng, mỗi tuần, học sinh của 2 lớp được học 6 tiết tiếng Anh với người bản xứ.
“Lớp học này sẽ được duy trì đến lớp 5. Với thời lượng dành cho môn tiếng Anh như vậy, những học sinh này sẽ có nền tảng tiếng Anh tốt, đặc biệt là các em sẽ nói tiếng Anh tốt, phát âm chuẩn, tự tin giao tiếp. Đây là năm đầu tiên thực hiện nhưng chúng tôi thấy rất khả quan” - cô Nguyệt cho biết.
Không chỉ là trường học có nhiều đổi mới, sáng tạo, Trường tiểu học An Hảo còn được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập. Mới đây, Trường tiểu học An Hảo đã được chọn là đại diện cho các trường học tại Đồng Nai tham gia báo cáo kết quả giáo dục hòa nhập tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM.
Tham gia sự kiện này, Trường tiểu học An Hảo đã trưng bày các sản phẩm gốm do chính các học sinh khuyết tật tự làm trong các buổi học kỹ năng sống. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy nếu được hỗ trợ đúng phương pháp, học sinh khuyết tật học hòa nhập hoàn toàn có thể tiến bộ và dù kết quả học tập không được như bạn bè đồng trang lứa thì các em vẫn có những năng lực làm việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình.
Hải Yến