Nước ta hiện có khoảng 5 triệu người mắc bệnh hen phế quản với hơn 3 ngàn người tử vong mỗi năm. Từ năm 2007-2009, cả nước có khoảng 1,3 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cần chẩn đoán và điều trị.
Nước ta hiện có khoảng 5 triệu người mắc bệnh hen phế quản với hơn 3 ngàn người tử vong mỗi năm. Từ năm 2007-2009, cả nước có khoảng 1,3 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cần chẩn đoán và điều trị.
Bệnh nhân đăng ký tham gia CLB Hen - COPD Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung |
Hen và COPD có thể được kiểm soát tốt nếu người bệnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
* Thường xuyên phải đến bệnh viện để điều trị
Là một trong những bệnh nhân thường xuyên đến khám và điều trị bệnh hen phế quản tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, anh Nguyễn Văn Điệp (39 tuổi, ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) cho hay, anh bị bệnh hen từ nhỏ nhưng không đến bệnh viện điều trị, chỉ khi nào thấy mệt trong người thì ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Đến khoảng 15 tuổi, bệnh thuyên giảm rất nhiều nên anh vào làm việc tại một công ty trên địa bàn H.Long Thành. Đây là công ty chuyên sản xuất giấy, môi trường rất bụi bặm khiến anh Điệp cảm thấy khó chịu. Đi khám tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai cách đây 3 năm, anh Điệp được chẩn đoán ngoài mắc bệnh hen còn bị bệnh COPD.
Trong 3 năm qua, anh Điệp đã phải đến các bệnh viện để khám, điều trị khoảng 20 lần. Từ ngày Bệnh viện Phổi Đồng Nai chuyển đổi thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, anh Điệp được chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành để điều trị.
“Khi nào thấy mệt trong người, tôi lại phải đến bệnh viện để được điều trị, mỗi lần khoảng 1 tuần, có khi 10 ngày. Do không thể làm được việc gì nặng nên toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình, nuôi 2 con nhỏ đều trông cậy vào thu nhập hằng tháng làm công nhân của vợ tôi” - anh Điệp chia sẻ.
Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Quyên, 70 tuổi, ngụ xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ. 5 năm trước, ông Quyên thường xuyên cảm thấy mệt trong người, mặc dù đi khám bệnh ở nhiều nơi nhưng không phát hiện được bệnh COPD. Cách đây khoảng nửa năm, khi đang ở nhà, ông Quyên thấy khó thở, được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng bị ngưng tim trên đường đi. Ông Quyên sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cấp cứu thành công. Từ đó đến nay, ông Quyên thường xuyên điều trị tại bệnh viện, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Vợ ông Quyên cho biết, do chồng đã lớn tuổi và bệnh thường xuyên có những diễn biến bất thường nên bà phải để thuốc xịt ở nhiều nơi trong nhà, từ bếp đến nhà tắm, phòng ngủ, đề phòng khi chồng bà lên cơn khó thở sẽ có thuốc để xịt ngay.
* Hiểu hơn về bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
BS CKII Nguyễn Ngọc Khánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai, hiện là cố vấn chuyên môn của CLB Hen - COPD Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết, hen phế quản/suyễn/hen là bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn tính. Nếu có một trong số các dấu hiệu sau, người dân cần đến cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán, điều trị. Đó là: các đợt khò khè tái phát; ho về đêm; thức giấc do ho và khó thở; ho và khò khè sau khi vận động mạnh, gắng sức; ho, khò khè, nặng ngực khi hít phải chất kích thích trong không khí; bị cảm hơn 10 ngày mới hết; ho vào một mùa nhất định trong năm; dùng thuốc hen thì hết triệu chứng.
Hen là bệnh rất thường gặp, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gồm: Người có cơ địa dị ứng viêm da cơ địa (chàm), mề đay, viêm mũi xoang dị ứng, các bệnh dị ứng khác như dị ứng thức ăn, dị ứng mỹ phẩm; trẻ có cha mẹ mắc hen; trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá khi còn nhỏ; trẻ sinh non hoặc cân nặng sơ sinh thấp; người thừa cân, béo phì; người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi và hóa chất.
Bệnh hen không thể điều trị dứt điểm được. Mục tiêu trong điều trị hen là kiểm soát các triệu chứng hen hiện tại và ngừa cơn hen có thể bị trong tương lai. Cụ thể, giúp người bệnh không có triệu chứng hen ban ngày, không phải thức giấc ban đêm vì hen, không phải dùng thuốc cắt cơn và không bị hạn chế vận động, nghỉ làm việc.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh hen không có loại thuốc uống, thuốc chích một lần, vài ngày hay một vài tuần là khỏi. Thuốc cơ bản để điều trị hen là thuốc ngừa hen dạng hít. Người bệnh cần tuân thủ điều trị dùng thuốc ngừa cơn đều đặn, đúng liều, đúng cách; tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh bậc điều trị; tránh các yếu tố nguy cơ kích phát cơn hen.
Thuốc hen nếu dùng quá liều hoặc không đúng sẽ gây ra nhiều nguy hiểm, như viêm loét dạ dày, mụn trứng cá, tăng đường máu, tăng độ nặng bệnh đái tháo đường, gây đục thủy tinh thể, loãng xương, suy tuyến thượng thận, thậm chí tử vong.
Trong khi đó, bệnh COPD có thể phòng và điều trị được. Đặc trưng của bệnh là triệu chứng hô hấp dai dẳng do tổn thương đường thở hoặc phế nang. Khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính (gây ra 80-90% số trường hợp nhiễm bệnh), ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng.
Một trong những vấn đề nhức nhối đối với bệnh COPD là khoảng 70% số bệnh nhân mắc bệnh trên toàn cầu chưa được chẩn đoán và thường được chẩn đoán khi bệnh đã nặng. Bệnh COPD gây khó thở, tiến triển nặng dần, đe dọa tính mạng. Các hoạt động hằng ngày, dù nhẹ nhàng cũng trở nên khó khăn.
Nếu có 3/5 triệu chứng gồm: ho vài lần trong ngày và các ngày trong tuần; khạc đờm liên tục; khó thở hơn những người cùng tuổi; có tuổi đời trên 40; đang còn hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc, người dân cần nghĩ ngay đến bệnh COPD.
Khi bị bệnh COPD, người bệnh thường bị suy kiệt, tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu phổi, đái tháo đường, ung thư, nhiễm trùng phổi.
Nguyên tắc trong điều trị bệnh COPD là: cai thuốc lá, thuốc lào; tránh các yếu tố nguy cơ; tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với giai đoạn bệnh; điều trị thuốc phù hợp với giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân; tuân thủ điều trị; điều trị bệnh phối hợp; tiêm vaccine phòng bệnh cúm và phế cầu.
Hạnh Dung