Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động nữ khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, nữ sinh tham gia học khối ngành kỹ thuật vẫn còn rất ít.
Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động nữ khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, nữ sinh tham gia học khối ngành kỹ thuật vẫn còn rất ít.
Mặc dù có nhiều ưu đãi về học phí và cơ hội việc làm cao nhưng tỷ lệ nữ tham gia học khối ngành kỹ thuật vẫn còn ít. Ảnh: H.Yến |
Tâm lý “con trai làm việc nặng, con gái làm việc nhẹ” chính là rào cản làm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành nghề kỹ thuật của nữ sinh.
* Cơ hội việc làm cao
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong và ngoài nước không ngại tuyển lao động nữ, thậm chí, nhiều doanh nghiệp FDI còn ưu tiên tuyển dụng lao động nữ như một giải pháp nhằm hài hòa môi trường làm việc. Có thể thấy, cơ hội việc làm của lao động nữ khối ngành kỹ thuật là rất cao. Vì vậy, nữ sinh học khối ngành kỹ thuật có thể xem là một lựa chọn rất tốt.
Chị Nguyễn Ngọc Mai Thanh Mỹ là Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (OSV, có trụ sở tại TP.Biên Hòa). Đây là công ty chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp lai. Chị Mỹ cho biết, chị học chuyên ngành Điện tử viễn thông (Trường đại học Lạc Hồng). Sau khi tốt nghiệp, chị ứng tuyển vào OSV và được tuyển dụng với vị trí kỹ sư QA. Sau 3 năm làm việc, chị được cất nhắc lên vị trí Trưởng phòng Nhân sự của công ty này.
Theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo (giai đoạn 2020-2030), nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%, cao nhất trong tất cả các nhóm ngành. Nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ hiện nay rất lớn nhưng các trường đại học, cao đẳng không đào tạo đủ để đáp ứng cho thị trường lao động. |
Cho đến nay, khi nói về lao động các ngành kỹ thuật, cơ khí, nhiều người vẫn thường nghĩ đây là những người phải làm những công việc nặng, quần áo, tay chân lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt. Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào trong sản xuất, lao động các ngành kỹ thuật chủ yếu là điều khiển máy.
Cơ hội việc làm cao, thậm chí có nhiều ưu đãi nhưng ít nữ sinh chọn học khối ngành kỹ thuật, đặc biệt là những ngành như: Điện tử, Xây dựng, Cơ khí, Công nghệ ô tô… Chẳng hạn, tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành), tính trung bình, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 40% học viên tất cả các ngành. Riêng 2 ngành Kỹ thuật cơ khí và Kỹ thuật điện chỉ có 2/2.000 nữ sinh theo học.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho biết, nữ sinh lựa chọn khối ngành kỹ thuật trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhưng nhìn chung vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nam.
* Nhiều ưu tiên cho nữ sinh
Để khuyến khích nữ sinh theo học khối ngành kỹ thuật, công nghệ, các trường đại học, cao đẳng đều đưa ra chính sách ưu tiên về học phí. Chẳng hạn, tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nữ sinh tham gia học khối ngành kỹ thuật có thể được giảm đến 50% học phí.
Tương tự, các trường học trên địa bàn Đồng Nai đều có chính sách thu hút nữ sinh học khối ngành kỹ thuật. PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Hằng năm, nhà trường đều thành lập quỹ khuyến học dành cho nữ sinh. Theo đó, nữ sinh khối ngành kỹ thuật được tặng học bổng tương đương 30% học phí. Đặc biệt, thông qua việc ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, các nhà máy điện tử, cơ khí ở các khu công nghiệp, nhà trường đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Với chính sách đó, lượng nữ sinh theo học tại Trường đại học Lạc Hồng đang có xu hướng tăng”.
Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) hiện đang đào tạo 2 ngành trong dự án đào tạo nghề xanh gồm: Công nghệ cơ khí sưởi ấm và điều hòa không khí; Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà. Đây là 2 ngành mới, đáp ứng thực tế thị trường lao động. Những nữ sinh mạnh dạn lựa chọn 2 ngành này sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Ngoài ra, các sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng từ Chính phủ Đức, trị giá 24 triệu đồng cho 3 năm học.
Tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) của Đức trao 10 suất học bổng cho nữ sinh của 4 ngành: Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp, Cơ khí xây dựng. Mỗi suất học bổng trị giá 18 triệu đồng/năm…
Những ưu đãi về học phí, cơ hội việc làm dành cho nữ sinh tham gia khối ngành kỹ thuật ngày càng nhiều. Đó thực sự là những lời mời hấp dẫn để các nữ sinh tìm hiểu về ngành nghề tương lai của mình.
Hải Yến