Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểm họa từ việc đắp lá cây lên vết thương

08:04, 18/04/2021

Bà N.T.L. (64 tuổi, ngụ xã Phú Trung, H.Tân Phú) vừa bị cắt cụt đùi chân phải do tự ý đắp lá sim lên vết thương trong thời gian dài khiến chân bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bà N.T.L. (64 tuổi, ngụ xã Phú Trung, H.Tân Phú) vừa bị cắt cụt đùi chân phải do tự ý đắp lá sim lên vết thương trong thời gian dài khiến chân bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

BS Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thăm khám cho bà L. sáng 13-4. ảnh: H.Dung
BS Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thăm khám cho bà L. sáng 13-4. Ảnh: H.Dung

BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, đây không phải trường hợp đầu tiên bị nhiễm trùng vì tự ý đắp các loại lá lên vết thương nhưng là trường hợp để lại hậu quả nặng nề nhất từ trước đến nay.

* Chỉ vì tin lời người quen…

Bà N.T.L. cho hay, từ đợt Tết Nguyên đán 2021, bàn chân phải của bà bỗng nhiên bị sưng, nóng, đỏ, đau nhưng bà không để ý. Hơn 1 tháng qua, trong quá trình đi làm, bà được một người quen làm chung hướng dẫn đi tìm lá sim đắp lên vết thương sẽ khỏi. Tin lời, bà L. đi tìm lá sim về nhà đắp 2 lần/ngày lên vết thương. Mấy ngày đầu, bà L. thấy mát, chỉ hơi nóng tại chỗ vết thương. Nước từ lá sim chảy vào vết thương khiến bà L. thấy dễ chịu. Thế nhưng những ngày sau đó, vết thương ở bàn chân phải ngày càng lở loét, lan dần khắp bàn chân.

Đến ngày 11-4, khi con gái phát hiện bàn chân của bà L. bị nhiễm trùng nặng mới tá hỏa và đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để cấp cứu. Khi đó, bà L. được chẩn đoán thiếu máu nặng do ăn uống không đủ chất, bàn chân phải bốc mùi hôi.

Chị M.T.T.H., con gái bà L. cho hay, do cha mẹ ở riêng với 3 người con nên chị không hề hay biết việc bà đắp lá sim lên bàn chân. Bà L. không hay đi khám bệnh định kỳ tại bệnh viện nên cũng không phát hiện được bị bệnh tiểu đường. Chỉ khi đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu và thử đường huyết, gia đình mới biết bà bị tiểu đường tuýp 2. Đây có lẽ cũng là một trong những yếu tố khiến vết thương của bà L. ngày càng trở nặng.

Trước đó, cuối tháng 1, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân N.V.Q. (40 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) bị viêm mô tế bào nặng do tự ý đắp lá thuốc nam lên vết thương ở cẳng tay phải sau tai nạn giao thông.

Theo lời ông Q., sau khi đắp lá thuốc nam khoảng 2 ngày, ông thấy đau nhiều, sưng, rỉ dịch ở cẳng tay phải nên được người nhà đưa vào bệnh viện để cấp cứu.

BS Phạm Trung Bắc, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng cho hay, qua thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy cẳng tay của bệnh nhân sưng đau, rỉ nhiều dịch trong và mủ, chèn ép gây phù nề, có nguy cơ phải mổ để giải áp chèn ép.

Các bác sĩ đã hội chẩn và điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề cho bệnh nhân. Rất may do đến bệnh viện sớm nên chỉ 3 ngày sau điều trị, cẳng tay của bệnh nhân đã giảm phù nề, giảm đau, hết chảy dịch và được xuất viện.

* Hậu quả nặng nề

Không được may mắn như ông Q., do đến bệnh viện trễ khi vết thương đã quá nặng, bà L. phải chịu hậu quả khá nặng nề.

Các bác sĩ đã tiến hành truyền 4 đơn vị máu cho bà L. do bị thiếu máu nặng. Đồng thời, dùng kháng sinh loại mạnh nhằm hạn chế nhiễm trùng. Để cứu tính mạng bà L., các bác sĩ bắt buộc phải cắt cụt cẳng chân của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình mổ, nhận thấy mủ trong chân quá nhiều và đã lan đến vùng cẳng chân, gây hoại tử cơ vùng cẳng chân nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, giải thích cho người nhà và buộc phải cắt cụt đùi chân phải của bệnh nhân (cắt quá đầu gối).

BS Nguyễn Tường Quang chia sẻ, vi khuẩn hiện đã đi vào đường máu gây nhiễm trùng huyết khá nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nên những ngày sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh liều mạnh để tránh nhiễm trùng. Khi vết thương tương đối ổn, bệnh nhân L. sẽ được xuất viện. Sau xuất viện, bệnh nhân L. cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt, tập vật lý trị liệu vùng đùi. Nếu gia đình bệnh nhân có điều kiện có thể đặt lắp chân giả để đi lại.

BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khuyến cáo: “Trường hợp bệnh nhân L. nếu đến bệnh viện sớm khi bệnh mới khởi phát thì việc điều trị rất dễ dàng. Tuy nhiên, do bệnh nhân không đến bệnh viện sớm và bệnh diễn tiến quá nặng nên để lại hậu quả nặng nề. Hiện nay, việc tiếp cận các cơ sở y tế không còn khó. Người dân khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị hợp lý, kịp thời, không nên nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, thuốc không đúng lên vết thương gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng, thậm chí có nguy cơ tử vong”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều