Nhiều cá nhân đã vượt qua khiếm khuyết một phần thân thể, sự suy giảm về sức khỏe để tự chủ cuộc sống của bản thân, đồng thời trợ giúp cộng đồng và trở thành những tấm gương sáng giữa đời thường.
Nhiều cá nhân đã vượt qua khiếm khuyết một phần thân thể, sự suy giảm về sức khỏe để tự chủ cuộc sống của bản thân, đồng thời trợ giúp cộng đồng và trở thành những tấm gương sáng giữa đời thường.
Chị Thái Thị Hằng Nga (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) trao tặng học bổng cho học sinh tại địa phương. Ảnh: Hải Nguyễn |
* Vượt khó truyền lửa
Mặc dù bị khuyết tật chân song 12 năm qua, thông qua các hoạt động của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, anh Phan Xuân Nam đều đặn tham gia giảng dạy các lớp tập huấn về giải pháp hỗ trợ người khuyết tật dành cho các đối tượng khác nhau tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Anh Nam cho hay, anh hiện là kỹ sư phụ trách công nghệ thông tin của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam. Để có thể truyền đạt đúng, đủ nội dung, đòi hỏi anh phải am hiểu vấn đề. Nhất là phải tìm cách truyền đạt cuốn hút, dễ hiểu để chia sẻ thông tin đến người học. Song điều quan trọng là anh phải vượt qua sự tự ti về khiếm khuyết thân thể trước đám đông khi thuyết trình.
Ngoài truyền đạt những nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, anh còn chia sẻ với người học những khó khăn thực tế mà một người khuyết tật gặp phải trong cuộc sống từ chính thực tế của bản thân mình. “Có những vấn đề không hề có trong nội dung soạn sẵn song từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cố gắng truyền đạt đến những người tham gia tập huấn những câu chuyện thực xảy ra hằng ngày với người khuyết tật. Đó là cách ứng xử bằng lời nói, thái độ ra sao khi tiếp xúc, hỗ trợ người khuyết tật để họ thấy mình được trợ giúp bằng sự sẻ chia thay vì lòng thương hại” - anh Nam bộc bạch.
Còn với bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù H.Trảng Bom, nhiều năm qua bà trở thành “ngọn đèn” soi đường cho nhiều hoàn cảnh tương tự như mình.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, bà Giang cho hay, bản thân bà bị mù từ năm lên 10 tuổi. Năm 19 tuổi, bà lập gia đình. Năm 23 tuổi, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù H.Trảng Bom. “Để người khuyết tật, trong đó có người mù không cảm thấy mặc cảm thì cách tốt nhất là hỗ trợ cho họ việc làm phù hợp với khả năng” - bà Giang nói.
Với cách nghĩ này, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm với hội viên, bà Giang đã chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai để tìm nguồn hàng gia công phù hợp cho hội viên lao động.
Vượt qua khó khăn đầu tiên là tìm ra nguồn hàng, bà Giang lại phải tự mình tập làm ra sản phẩm gia công trước khi hướng dẫn lại cho các hội viên, gia đình hội viên. Hiện hàng chục hội viên người mù đã tham gia gia công hàng với mức thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là Hội Người mù duy nhất trong tỉnh liên kết được doanh nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho hội viên.
* Vượt qua chính mình và giúp đời
Cùng với việc tạo động lực cho những người khuyết tật khác noi theo để vươn lên, nhiều người khuyết tật, nhiễm chất độc da cam/dioxin còn tự vượt qua chính mình và giúp đỡ tích cực cho cộng đồng.
Trong số này có ông Lâm Hồng Thái (67 tuổi, xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ). Ông Thái cho hay, do có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng bị địch phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh nên bản thân ông bị nhiễm chất độc hóa học. Sau này, con trai rồi cháu ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc này. Hiện ông đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học với số tiền 2,5 triệu đồng/tháng. Riêng con trai ông được trợ cấp với số tiền hơn 900 ngàn đồng/tháng.
Vượt qua những nỗi đau về thể chất, sức khỏe, hằng ngày ông vẫn cần mẫn lao động để chăm lo cho gia đình. Hiện gia đình ông là gia đình nạn nhân chất độc da cam có điều kiện kinh tế khá ở địa phương, đồng thời ông cũng là người tích cực giúp đỡ cộng đồng. Bằng sự tiết kiệm của bản thân thông qua tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, thu nhập từ vườn cây ăn trái, mỗi năm ông đều tham gia đóng góp để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo hiếu học. Như mới đây, ông đã hỗ trợ 1,5 tấn gạo, 3 triệu đồng để giúp đỡ cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 7 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo ở địa phương.
Riêng với chị Thái Thị Hằng Nga (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) việc đang là người bình thương bỗng trở thành người khuyết tật tay chân là điều rất khó chấp nhận. Vì vậy, cách đây hơn 7 năm, chị đã có những suy nghĩ tiêu cực với cuộc sống. Khi được gia đình, bạn bè động viên để chữa trị, phục hồi sức khỏe, chị Nga dần chấp nhận cuộc sống thực tại và có thái độ sống tích cực hơn. Chị còn nhiệt tình hỗ trợ những người kém may mắn bằng cách tìm hiểu, xác minh kỹ lưỡng hoàn cảnh của họ rồi đăng bài trên trang cá nhân kêu gọi mọi người cùng giúp sức. Qua đó, người dân địa phương, các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện đã cùng sát cánh với chị để sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn.
Chị Lê Oanh (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) cho biết: “Qua theo dõi trên trang cá nhân cũng như chứng kiến việc vận động, tổ chức trao quà cho học sinh, tôi thấy những việc làm của chị Nga rất đáng quý. Càng trân trọng hơn khi những việc làm tốt đó xuất phát từ một người phụ nữ khuyết tật”.
Nói về nỗ lực của bản thân trong thực hiện hỗ trợ hoàn cảnh kém may mắn, chị Nga chia sẻ: “Bản thân tôi luôn nỗ lực làm việc tốt và mong muốn gắn kết được nhiều người cùng chung tay trợ giúp các hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống”.
Đồng Nai hiện có khoảng 50 ngàn người khuyết tật. Trong đó có trên 30 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên. |
Văn Truyên