Tài liệu giáo dục địa phương là một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tài liệu do UBND các tỉnh/thành phố thẩm định về mặt nội dung và trình Bộ GD-ĐT phê duyệt ban hành.
Tài liệu giáo dục địa phương là một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tài liệu do UBND các tỉnh/thành phố thẩm định về mặt nội dung và trình Bộ GD-ĐT phê duyệt ban hành.
Giáo viên và học sinh lớp 1, Trường tiểu học An Hảo (TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học. Ảnh: Hải Yến |
Đồng Nai đã hoàn tất biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, UBND tỉnh cũng đã thẩm định nội dung, trình Bộ GD-ĐT nhưng đến thời điểm này Bộ vẫn chưa phê duyệt để ban hành. Vì vậy, năm học này đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng học sinh lớp 1 vẫn chưa được tiếp cận tài liệu này.
* Nội dung bắt buộc trong chương trình GDPT mới
Không phải đến thời điểm hiện nay các tỉnh, thành trên cả nước mới xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Trên thực tế, từ năm 2006, một số địa phương trong cả nước đã bắt tay vào làm công việc này. Tại Đồng Nai, từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu giáo dục địa phương dùng trong trường phổ thông.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, giáo dục địa phương chưa phải là nội dung học tập bắt buộc và không được quy định cụ thể trong khung chương trình GDPT. Hiện nay, đối với chương trình GDPT mới, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc.
Để thuận lợi cho các địa phương, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn về việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Trong đó, nêu rõ định hướng về nội dung giáo dục; gợi ý về việc xây dựng các chủ đề để học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tích hợp liên môn…
Khung chương trình giáo dục địa phương tổng thể có 17 chủ đề, được sắp xếp theo 3 nhóm vấn đề chính gồm: văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.
Trên cơ sở 17 chủ đề, khung chương trình thứ hai dành cho giáo dục địa phương cấp THCS với những gợi ý sâu hơn, cách tiếp cận cụ thể hơn, với các nội dung riêng dành cho từng khối lớp 6, 7, 8, 9. Tùy đặc thù và nội dung tương đương của các môn học liên quan, địa phương có thể lựa chọn nội dung phù hợp để phân phối cho mỗi cấp học, khối lớp.
Ở bậc tiểu học, do không có thời lượng dành riêng cho môn giáo dục địa phương nên nội dung này được tích hợp vào các hoạt động môn học trải nghiệm. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể chủ động để lồng ghép, tích hợp trong những môn học khác.
Ở bậc trung học, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời lượng triển khai trong năm học. Theo đó, thời lượng dành cho giáo dục địa phương là 35 tiết/lớp/năm học. Trong đó, bộ tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh có vị trí như sách giáo khoa. Các trường được chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt như: sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn...
Để làm được điều này, tài liệu giáo dục địa phương phải được biên soạn theo hướng mở, giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu phải tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân…
* Biên soạn theo hình thức cuốn chiếu
Theo khung chương trình giáo dục địa phương trong chương trình GDPT mới do Giám đốc Sở GD-ĐT ký quyết định ban hành vào tháng
10-2020, nội dung giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3 gồm 6 chủ đề: quê hương tươi đẹp; danh nhân văn hóa lịch sử; nghệ thuật, làng nghề truyền thống; đặc sản địa phương; di tích lịch sử, văn hóa; văn hóa ứng xử.
Trong đó, học sinh lớp 1 sẽ được học các bài như: Đồng Nai tươi đẹp (giới thiệu các địa danh nổi tiếng ở Đồng Nai, các khu di tích…), danh nhân Nguyễn Hữu Cảnh , nghề gốm mỹ nghệ ở Biên Hòa, đặc sản bưởi Tân Triều…
Từ lớp 4, các chủ đề giáo dục địa phương được xây dựng lồng ghép vào từng môn học cụ thể như: Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật... Chẳng hạn, với môn Đạo đức lớp 4 sẽ có 4 tiết giáo dục địa phương với chủ đề Lễ hội địa phương. Trong đó, tiết 1 tìm hiểu chung về lễ hội trên địa bàn tỉnh; tiết 2, 3 là hoạt động trải nghiệm để học sinh được tìm hiểu kỹ về một lễ hội ở địa phương và tiết 4 là thời gian để báo cáo kết quả hoạt động trải nghiệm.
Với việc được chủ động trong xây dựng chủ đề, kế hoạch dạy học, nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp, bố trí thời gian để học sinh tham gia được hoạt động trải nghiệm này.
Cũng tương tự như việc xây dựng khung chương trình GDPT tổng thể, tài liệu giáo dục địa phương được xây dựng theo các chủ đề và mở rộng dần từ lớp nhỏ đến lớp lớn. Do vậy, tuy cùng một chủ đề nhưng mỗi khối lớp có 1 nội dung bài học khác nhau, phù hợp với độ tuổi, nhận thức, tư duy của trẻ.
“Đồng Nai có thuận lợi là từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy soạn tài liệu giáo dục địa phương. Tuy nhiên, việc soạn thảo này không phù hợp theo chương trình GDPT mới (về cấu trúc, định hướng…). Dù vậy, chúng ta cũng có sẵn nguồn tư liệu để kế thừa, trên cơ sở đó xây dựng, biên soạn lại cho phù hợp với tinh thần của chương trình GDPT mới” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết.
Cũng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Đồng Nai đã hoàn tất các khâu biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1. UBND tỉnh cũng đã gửi hồ sơ cho Bộ GD-ĐT từ tháng 9-2020. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa phê duyệt. Vì vậy, trên thực tế, học sinh lớp 1 năm học này vẫn chưa được tiếp cận tài liệu giáo dục địa phương này.
Tương tự như các bộ sách giáo khoa mới, trên cơ sở khung chương trình đã được phê duyệt, tài liệu giáo dục địa phương cũng được biên soạn theo hình thức cuốn chiếu theo tiến độ năm học. Hiện nay, Ban biên soạn đang thực hiện biên soạn tài liệu cho lớp 2, lớp 6. Theo lộ trình, đến tháng 6 công việc này phải hoàn tất để thực hiện các bước tiếp theo là thẩm định nội dung và trình Bộ GD-ĐT ban hành.
Sau khi biên soạn xong tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, Sở GD-ĐT đã tổ chức dạy thực nghiệm tại một số trường trên địa bàn tỉnh. Sau các buổi dạy thực nghiệm này, Ban biên soạn đã có cuộc họp rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. |
Hải Yến