Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021: Kỳ thi đảm bảo thuận lợi cho thí sinh

08:03, 21/03/2021

Sáng 20-3, tại Trường đại học Đồng Nai, trên 7 ngàn học sinh các trường THPT đã tham dự chương trình Tư vấn mùa thi 2021 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ và Sở GD-ĐT tổ chức.

Trên 7 ngàn thí sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã được tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021. Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đồng Nai tổ chức vào sáng 20-3 tại Trường đại học Đồng Nai.

Quang cảnh chương trình Tư vấn mùa thi. Ảnh: Công Nghĩa
Quang cảnh chương trình Tư vấn mùa thi. Ảnh: Công Nghĩa

Tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến học sinh từ học kỳ I năm học 2019-2020 cho đến nay, do vậy học sinh rất quan tâm đến việc kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới liệu có những xáo trộn nào không, phương thức xét tuyển vào các trường ra sao, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ chuyển động theo hướng nào… Đó cũng là những nội dung mà Bộ GD-ĐT thông qua các kênh truyền thông muốn giải đáp với các em trước khi bước vào mùa thi, mùa xét tuyển năm 2021”.

* Yên tâm thi cử

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng, sau hơn 1 năm đối phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT, đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh đã có nhiều kinh nghiệm. Một trong những minh chứng cụ thể nhất là Bộ cũng đã có những thay đổi kịp thời đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và cả kỳ thi năm 2021 sắp tới cho phù hợp với tình hình. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2021 dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 3 tháng nữa cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2020. Tuy có những thay đổi nhỏ nhưng chủ yếu về mặt kỹ thuật để thuận lợi hơn cho các thí sinh trong quá trình thi và xét tuyển.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tiếp tục thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trước đây. Kỳ thi hướng đến mục tiêu quan trọng, đó là: giúp các học sinh lớp 12 xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; đồng thời có dữ liệu thông tin để ngành điều chỉnh phương pháp dạy, học và phương pháp quản lý tại các cơ sở giáo dục. Điểm thi tốt nghiệp THPT chính là cơ sở quan trọng để các trường đại học, cao đẳng đánh giá học sinh về mặt kiến thức và kỹ năng sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, PGS-TS Nguyễn Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 tác động không đồng đều đến các tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên Bộ GD-ĐT vẫn xem xét tổ chức kỳ thi cùng một đợt cho khoảng 900 ngàn thí sinh tham gia.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8-7, muộn hơn 2 tuần so với những năm chưa có dịch bệnh Covid-19. Năm 2021 này, Bộ GD-ĐT sẽ tận dụng rất mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đăng ký xét tuyển trực tuyến vào các trường đại học. Mỗi thí sinh có thể đăng ký từ 3 nguyện vọng xét tuyển và được thay đổi nếu muốn, lợi ích hơn nhiều so với đăng ký bằng giấy, rất khó và phức tạp nếu muốn điều chỉnh lại.

Một trong những thông tin được các thí sinh quan tâm nhiều nhất, đó chính là đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được thiết kế như thế nào, có khó hơn năm trước hay không? Câu hỏi này được PGS-TS Nguyễn Quốc Khánh giải đáp như sau: đề thi dựa trên chương trình giáo dục phổ thông ban hành từ năm 2006 đến nay và chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có tác động đến kỳ thi năm nay. Vì là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cơ bản đề thi sẽ có cấu trúc và yêu cầu về kiến thức và kỹ năng như năm 2020. Do học sinh khối 12 năm nay bị tác động bởi dịch Covid-19 nên những nội dung đã được tinh giản từ học kỳ I năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021 sẽ không có trong đề thi. Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành đề thi minh họa để thí sinh nắm và chủ động ôn tập.

* Tìm hiểu kỹ ngành nghề

Cùng với các thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thông tin về ngành nghề đã được nhiều học sinh quan tâm đặt câu hỏi. Một trong những thắc mắc nhiều nhất của thí sinh đưa ra là, mình thực sự phù hợp với ngành nghề gì, nghề nào lương cao, nghề nào đang được xã hội cần và liệu trong tương lai ngành nghề được chọn có bị "bão hòa" hay không…

Đại diện các trường đại học tham gia chương trình Tư vấn mùa thi giải đáp thắc mắc của thí sinh về ngành nghề. Ảnh: Công Nghĩa
Đại diện các trường đại học tham gia chương trình Tư vấn mùa thi giải đáp thắc mắc của thí sinh về ngành nghề. Ảnh: Công Nghĩa

Đặc biệt trong thời kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thí sinh cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan để những ngành nghề nào thì cần thiết, đòi hỏi những kỹ năng gì phù hợp. Có em đặt câu hỏi, chọn ngành gì để học, khi ra trường có lương cao, được đi nước ngoài thường xuyên…

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi: “Em đang là học sinh lớp 12, chưa có cơ hội trải nghiệm với bất cứ ngành nghề gì, làm sao để có cơ hội “sống thử” với nghề để biết mình có thực sự yêu nghề, thực sự phù hợp với ngành nghề đó?”. Trước câu hỏi của Khánh Linh, ThS Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho rằng: “Rất nhiều thí sinh khi đi xét tuyển vào đại học lại không dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của mình mà chủ yếu là nguyện vọng của cha mẹ. Có những em học ngành Y đã quá nửa chặng đường rồi mới phát hiện ra mình sợ máu, sợ nhìn thấy nội tạng, dẫn đến phân vân, thậm chí có em kiên quyết chuyển ngành học. Chính vì vậy, nếu không biết mình chọn có đúng hay không thì các em phải “sống thử” với các ngành nghề bằng cách tự tìm cho mình những cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá, lắng nghe những người từng trải chia sẻ…”.

Còn em Vũ Ngọc Bích Đoan, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi: “Em là học sinh nữ, vậy em có phù hợp với ngành Kỹ thuật điện, Điện tử hay Công nghệ thông tin hay không?”. Chia sẻ quan tâm này, đại diện nhiều cơ sở đào tạo cho biết, trước đây các ngành Kỹ thuật công nghệ thường “kén” nữ sinh nhưng hiện ngày càng cân bằng hơn. Chẳng hạn tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM, tỷ lệ sinh viên nam - nữ trước đây là 2-8 thì giờ chỉ còn là 4-6. Thậm chí, sinh viên nữ có những tố chất mà ngành kỹ thuật rất cần đó là sự cẩn thận, tỉ mỉ và chăm chỉ.

Liên quan đến các thông tin tuyển sinh của ngành Sư phạm trong thời điểm đang có xu hướng "bão hòa" và ít được học sinh quan tâm lựa chọn, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai Trần Minh Hùng cho biết: “Trong những năm gần đây, Trường đại học Đồng Nai đã xem xét đưa ra chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên của tỉnh để tránh dư thừa, lãng phí trong đào tạo, đồng thời giúp sinh viên ra trường có việc làm. Một số ngành đào tạo có nhu cầu ít trường đã mạnh dạn tạm dừng đào tạo, hoặc chỉ đào tạo theo đặt hàng”.

Về những quy định trong tuyển sinh đại học khối ngành Sư phạm, ông Hùng cho biết: “Trường đại học Đồng Nai chỉ tuyển ngành Sư phạm với các thí sinh có hộ khẩu tại Đồng Nai và phục vụ cho Đồng Nai. Những em xét tuyển vào trường phải có học lực đáp ứng ngưỡng xét tuyển đầu vào đối với ngành Sư phạm từ khá trở lên theo quy định chuẩn đầu vào của Bộ GD-ĐT”.

PGS-TS Nguyễn Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh

"Bộ GD-ĐT đang tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm theo chỉ đạo của Chính phủ là đảm bảo kỳ thi gọn nhẹ, đánh giá đúng chất lượng dạy và học, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, bớt tốn kém cho xã hội. Chúng tôi đang tiếp tục cân nhắc từng thay đổi nhỏ, lấy ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo trước khi quyết định áp dụng. Quan điểm của chúng tôi đưa ra với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh thông qua việc đơn giản hóa kỳ thi và công tác tuyển sinh bằng công nghệ thông tin và chuyển đổi số".

Công Nghĩa

Tin xem nhiều