Năm cũ sắp qua đi, để đón chào năm mới, nhiều người đang tất bật sắm sửa đón Tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, vẫn có nhiều người đang mang nỗi nhớ khắc khoải về quê khi họ phải đón Tết xa nhà.
Năm cũ sắp qua đi, để đón chào năm mới, nhiều người đang tất bật sắm sửa đón Tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, vẫn có nhiều người đang mang nỗi nhớ khắc khoải về quê khi họ phải đón Tết xa nhà.
Phải hủy vé về quê ở miền Bắc bất ngờ do dịch Covid-19, anh Nguyễn Bạch Đằng ở lại Biên Hòa chuẩn bị đón Tết tại nhà. Ảnh: Bích Nhàn |
Dù vậy, ai cũng mang nhiều mong ước, hy vọng vào năm mới nhiều may mắn, bình yên để có thể được đón Tết cùng gia đình vào năm sau.
* Giữ Tết Việt
2 năm trước, chị Nông Bạch Kim (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) theo chồng định cư tại TP.San Francisco (Mỹ). Cũng từ đó, chị Kim không được đón Tết ở quê nhà. Dù xa quê hương, gia đình chị Kim và người Việt ở TP.San Francisco vẫn giữ truyền thống đón Tết Việt. Và họ gọi đây là “kỳ nghỉ Tết của người Việt”.
Chị Kim kể: “Trước Tết, cả nhà sẽ đi chợ tết để mua mứt, bánh tét, mai, đào, đồ trang trí nhà cửa. Còn những ngày cận Tết, tôi sẽ đi siêu thị mua thêm bông cúc, chậu lan, có dán giấy đỏ rất xinh”.
Dù cái Tết nơi xứ người không có nhiều đặc trưng như ở Việt Nam, nhưng chị Kim vẫn rất vui và mong chờ Tết. Bởi theo chị Kim, cả một năm ai cũng bận rộn, không thường xuyên được gặp gỡ họ hàng, bạn bè. Do vậy, thời điểm này rất thích hợp để gia đình sum vầy, không khí cũng đầm ấm hơn. “Đó là thời gian tuyệt vời để thăm gia đình, bạn bè. Dù bận rộn, nhưng chúng tôi đều dành thời gian quây quần bên nhau trong những ngày này” - chị Kim nói.
Đã có “kinh nghiệm” đón Tết Việt trên đất Mỹ 1 năm nên chị Kim cũng biết cách tạo nên những điều đặc biệt vào dịp này. Chị thường gọi điện chúc tết bạn bè người Việt Nam ở Mỹ và cả Việt Nam. Tết là dịp duy nhất để kéo cộng đồng người Việt xa xứ lại gần nhau. Chị Kim cho hay: “Trong những ngày Tết, phụ nữ Việt sẽ mặc áo dài truyền thống để chụp hình hoặc đi chùa, quy tụ lại gần cộng đồng có đông người Việt nhất để cùng tận hưởng không khí Tết. Ai ở quá xa thì lên mạng mua đồ online hoặc gửi lời chúc mừng cộng đồng trên trang Facebook của người Việt, tổ chức tiệc tại nhà mời bạn bè đến thăm... Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 khiến các hoạt động tổ chức tiệc đông người cũng bị hoãn lại”.
* Hẹn Tết sau...
Ngày Tết cổ truyền không còn xa nhưng không ít người vẫn phải ngậm ngùi đón xuân nơi phòng trọ bởi điều kiện khó khăn, không thể về quê sum vầy cùng gia đình. Trong căn phòng trọ chỉ khoảng 15m2, vợ chồng chị Đinh Thị Nga (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) và đứa con trai lên 5 tuổi cùng chung sống. 5 năm rời quê (chồng ở Thanh Hóa, vợ ở Quảng Nam) vào Đồng Nai lập nghiệp, vợ chồng chị Nga chưa từng về quê đón Tết. Chồng chị Nga làm lái xe trong một công ty sản xuất nhựa, còn chị thì phụ bán hàng cho một cửa hàng gần nhà trọ. Vợ chồng chị Nga có 2 con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn phải gửi đứa con thứ hai mới 2 tuổi về quê ở cùng ông bà. “Dù ngày nào cũng gọi điện thoại nói chuyện với bố mẹ và con nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ nhà, nhớ con, nhất là mỗi dịp Tết đến” - chị Nga tâm sự.
Gia đình chị Nông Bạch Kim đi chơi trong dịp Tết 2020. Ảnh: Bích Nhàn |
Chị Nga kể, thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này gia đình chị phải cố gắng thu xếp lắm mới đủ lo tiền nhà trọ, tiền học hành, tiền sữa cho con, rồi tiền chợ và gửi về quê cho bố mẹ chị nuôi con nhỏ... Cuộc sống còn chật vật nên chưa thể về quê đón Tết cùng ông bà, đành hẹn Tết sau.
Cũng không được sum vầy cùng gia đình đón Tết, nhiều người phải nằm lại bệnh viện với bao nỗi niềm và mong ước về sức khỏe. Tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhiều gia đình phải phá vỡ kế hoạch về quê đón Tết vì người thân họ gặp nạn. Gia đình chị Nguyễn Thị Lý (quê ở Khánh Hòa) gồm 3 người đã vào Đồng Nai lập nghiệp từ 8 năm nay. Theo dự kiến, ngày 9-2 (tức sáng 28 Tết), gia đình chị sẽ về quê. Thế nhưng, tối 30-1, con trai chị phải nhập viện vì tai nạn giao thông. Cháu được chẩn đoán chấn thương sọ não và phải mổ. “Khi nghe con trai bị tai nạn, tôi hoảng loạn và suy sụp. Tôi không nghĩ con mình bị tai nạn nặng đến vậy. Giờ mọi kế hoạch sum vầy ở quê đều tan biến hết. Tôi chỉ còn hy vọng con khỏe mạnh trở lại” - chị Lý nói.
* Dịch bệnh níu chân người ở lại
Háo hức, mong chờ đến ngày về quê sum họp với gia đình sau 1 năm làm việc vất vả, gia đình anh Nguyễn Bạch Đằng (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) đành phải hụt hẫng hủy vé máy bay. Lý do là quê anh ở Hải Dương - nơi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Để chuẩn bị cho chuyến về quê đón Tết này, anh Đằng đã mua vé máy bay khứ hồi cho cả gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con. Tổng số tiền vé lên đến gần 30 triệu đồng.
Theo kế hoạch, ngày 29 Tết, cả gia đình anh Đằng sẽ lên máy bay về quê đón Tết, nhưng giờ đành phải ở lại. “Cảm giác không được về quê đón Tết rất hụt hẫng và buồn. Năm nào tôi cũng mua vé trước Tết 2 tháng và chuẩn bị rất nhiều quà cho mọi người ở quê. Những ngày gần về, ngày nào đại gia đình ngoài quê cũng gọi điện nói về các dự định ngày Tết nên mình cũng rất háo hức, chỉ mong ngày về. Nhưng vì an toàn trong mùa dịch, mình phải chấp nhận” - anh Đằng chia sẻ.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, mới đây, Sở Y tế đã đưa ra khuyến cáo tạm dừng các chuyến đi đến Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương có dịch khác. Theo đó, những người đến từ hoặc đi qua TP.Chí Linh (Hải Dương), sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và các địa phương có dịch theo các thông báo của Bộ Y tế kể từ ngày 16-1 thì thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày kể từ ngày rời khỏi các địa phương trên. Những người đến từ hoặc đi qua các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh (ngoài TP.Chí Linh, sân bay Vân Đồn và các địa phương có nguy cơ theo thông báo của Bộ Y tế) kể từ ngày 16-1 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi các địa phương trên, đồng thời phải khai báo y tế trực tuyến theo quy định.
Những ngày này, có những người đã đoàn tụ, sum vầy đón Tết cùng gia đình, có những người phải đón Tết xa quê nhưng tất cả đều hướng đến một năm mới bình an, may mắn và những dự cảm tốt lành.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân cả nước phải thực hiện 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) của Bộ Y tế. Riêng đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người lao động quê ở các tỉnh, thành khác nên ở lại Đồng Nai đón Tết, tránh đến các vùng có ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2, bởi những người về lại Đồng Nai từ vùng có dịch phải thực hiện xét nghiệm và cách ly tập trung 21 ngày. Còn người dân đi về các tỉnh khác, nơi không có dịch cũng phải khai báo y tế. “Dù vậy, khi về quê đón Tết mà chẳng may địa phương đó có dịch thì những người đó cũng phải đi cách ly tập trung và xét nghiệm khi trở về Đồng Nai” - bác sĩ Vũ nhấn mạnh. |
Bích Nhàn