Năm 2020, công tác cho vay - thu hồi vốn vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh số cho vay, khách hàng vay tăng so với năm 2019, trong khi tỷ lệ nợ quá hạn giảm.
Năm 2020, công tác cho vay - thu hồi vốn vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh số cho vay, khách hàng vay tăng so với năm 2019, trong khi tỷ lệ nợ quá hạn giảm.
Hiện toàn tỉnh có trên 108 ngàn hộ vay tín dụng chính sách với số tiền vay trên 2,85 ngàn tỷ đồng. Ảnh: V.Truyên |
Đồng thời, Đồng Nai tiếp tục là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về bổ sung nguồn vốn địa phương trong thực hiện tín dụng chính sách.
* Nhiều tín hiệu tích cực
Năm qua, tỉnh đã chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương vào hệ thống Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền trên 140 tỷ đồng, gồm: ngân sách tỉnh bổ sung 100 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện bổ sung 41 tỷ đồng. Những địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác lớn là: Trảng Bom (12 tỷ đồng), TP.Biên Hòa (5 tỷ đồng), TP.Long Khánh (4 tỷ đồng) và các huyện còn lại từ 2-3 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số vốn ủy thác của tỉnh đến cuối năm 2020 là hơn 591 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, số vốn từ ngân sách địa phương cấp bổ sung vào hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 20% tổng số vốn. Hiện Đồng Nai đứng thứ 6/63 tỉnh, thành về bố trí nguồn vốn địa phương trong cơ cấu nguồn vốn chính sách. Điều này cho thấy, tỉnh rất quan tâm đến việc tạo nguồn vốn để cùng với nguồn lực của Trung ương đáp ứng nhu cầu vay tín dụng chính sách của người dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh: “Với những nơi tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, từng thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được phân công phụ trách địa phương cần có những giải pháp để cùng cấp ủy, chính quyền kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần kịp thời đề xuất UBND tỉnh tuyên dương, khen thưởng các địa phương, hội đoàn thể nhận vốn ủy thác có tỷ lệ nợ quá hạn thấp”. |
Nhờ nguồn vốn lớn nên năm 2020, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cho vay tín dụng chính sách. Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, năm 2020, doanh số cho vay của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng với gần 38 ngàn lượt khách hàng, học sinh, sinh viên vay. So với năm 2019, số tiền cho vay và khách hàng vay tăng lần lượt 17,4% và 6,7%.
Trong số 15 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, chương trình vay vốn chiếm số lượng lớn về vốn lẫn khách hàng là cho vay hỗ trợ tạo việc làm với hơn 12 ngàn khách hàng vay 467 tỷ đồng. Tiếp đến là cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 388 tỷ đồng với hơn 19,6 ngàn hộ vay. Ngoài ra, có 3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay 119 tỷ đồng. Hơn 3,2 ngàn hộ vay vốn chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Qua đó, đã góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Lâm Thanh Thế (ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho biết: “Gia đình tôi được vay vốn tín dụng chính sách với số tiền 20 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Tôi sử dụng số tiền này để xây nhà vệ sinh, khoan giếng và mua máy bơm. Tuy số tiền vay không cao nhưng với một hộ có hoàn cảnh khó khăn như tôi thì đây là số tiền rất ý nghĩa. Với lãi suất thấp, thời gian vay lâu đến 5 năm nên tôi có thời gian để hoàn trả vốn, lãi đúng hạn”.
Đặc biệt, năm 2020 là lần đầu tiên Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 2 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc đối với 284 lao động với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong triển khai chương trình tín dụng chính sách, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo cho rằng ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đời sống người dân cả nước, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh đã nỗ lực để đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với những đối tượng bị tác động. Từ đó, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
* Hướng đến nhu cầu của người dân
Ông Nguyễn Đức Hải phân tích, năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương giao cho Đồng Nai là 130 tỷ đồng. Trong khi cuối năm 2020, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh nên đối tượng vay dành cho chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hầu như không còn. Tuy nhiên, hộ thoát nghèo vẫn rất cần có nguồn vốn để sản xuất, tự tạo việc làm nhằm tránh tái nghèo. Do đó, năm 2021, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội sẽ tăng cường cho vay đối với hộ khó khăn thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Ngoài ra, do trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội cũng như nhu cầu của người dân tiếp cận nguồn vốn này rất lớn, nên chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được hệ thống đẩy mạnh nhằm bắt kịp nhu cầu của đời sống xã hội.
Hiện toàn tỉnh có trên 108 ngàn hộ vay tín dụng chính sách với số tiền vay trên 2,85 ngàn tỷ đồng. |
Song song với đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay tín dụng chính sách phù hợp với nhu cầu người dân thì việc kéo giảm nợ quá hạn cũng là điều được Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đặc biệt quan tâm. Bởi nợ quá hạn tín dụng chính sách xã hội của tỉnh đang chiếm tỷ lệ 0,23% và mục tiêu của tỉnh trong năm 2021 phải kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống còn 0,2%.
Hiện trong số hội đoàn thể nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nợ quá hạn trong Đoàn Thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo chị Nguyễn Thanh Hiền, thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phó bí thư phụ trách Tỉnh đoàn, đây là những món nợ đã kéo dài rất nhiều năm và người dân thực sự không có khả năng hoàn trả bởi bệnh tật, người vay đang chấp hành án tù… nhưng không đủ yếu tố xóa nợ theo quy định. Như ở xã Cẩm Đường, H.Long Thành, tỷ lệ nợ quá hạn tại đây là 10%. Nguyên nhân là do tại đây 3 hộ vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội và nợ gốc, lãi quá hạn đã nhiều năm. Bí thư Đoàn xã phải bỏ tiền túi giúp 3 hộ này đóng lãi hằng tháng và vận động tiền giúp 3 gia đình này đi chữa bệnh vì hoàn cảnh quá khó khăn. Do đó, trong thời gian tới cần tiến hành rà soát để có giải pháp trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn không còn khả năng trả nợ.
Cùng với tạo điều kiện xóa nợ cho những trường hợp thực sự không còn khả năng trả nợ, việc giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích là ưu tiên hàng đầu. Ông Dương Hòa Hiệp, thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết, quan điểm của Hội Cựu chiến binh các cấp là tạo điều kiện tối đa cho hội viên đủ điều kiện vay vốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo quy định song phải đi liền với bảo toàn nguồn vốn nhà nước. Do đó, các đơn vị nhận ủy thác không chỉ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xét duyệt cho vay mà còn cần phải kết nối để cùng giám sát sử dụng nguồn vốn vay, quá trình thu hồi vốn.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bảo cho rằng, để đưa tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh xuống dưới 0,2%, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh cần tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện cho vay, giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn. Mục tiêu nhằm bảo toàn nguồn vốn nhà nước song song với tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách theo quy định.
Văn Truyên