Các cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh đã trở thành sân chơi bổ ích, là nơi ươm mầm cho những tài năng khoa học trong tương lai. Đây cũng chính là cơ hội để học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, tạo tiền đề tốt cho việc học ở bậc học cao hơn.
Các cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh đã trở thành sân chơi bổ ích, là nơi ươm mầm cho những tài năng khoa học trong tương lai. Đây cũng chính là cơ hội để học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, tạo tiền đề tốt cho việc học ở bậc học cao hơn.
Một thành viên trong Ban giám khảo đang trải nghiệm Thiết bị hỗ trợ chăm sóc người già, người bệnh của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Anh Đức - Nguyễn Diệu Cẩm Vân (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến |
* Nơi gặp gỡ, lan tỏa tình yêu khoa học
Sở GD-ĐT mới tổ chức thành công cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2021. Từ 208 giải pháp, đề tài đăng ký dự thi cấp tỉnh, Ban giám khảo đã chọn ra 79 giải pháp dự thi vòng 2.
Trong vòng thi này, thí sinh tự trưng bày sản phẩm, trình bày poster giới thiệu về dự án. Các thành viên Ban giám khảo đi đến tận các gian trưng bày để chấm điểm. Ngoài việc thuyết trình giới thiệu về dự án của mình, thí sinh phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà giám khảo đưa ra. Các câu hỏi không chỉ giúp giám khảo đánh giá chất lượng của từng giải pháp, dự án, đề tài mà còn thấy rõ công sức thực sự mà học sinh đã bỏ ra để thực hiện sản phẩm là bao nhiêu.
Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT chia sẻ, từ ý tưởng ban đầu, các học sinh đã tìm hiểu, nghiên cứu để thực hiện được các đề tài, dự án, mô hình… có giá trị. Đó là cách học tích cực và điều đáng mừng là đã có nhiều học sinh làm được điều đó.
“Tuy nhiên, do chạy theo thành tích nên một số phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường đã hỗ trợ học sinh quá nhiều, thậm chí làm thay cho học sinh. Học sinh chỉ nắm bắt được một số điểm mấu chốt để lên trình bày. Khắc phục điều này, Ban giám khảo đi sâu vào những câu hỏi liên quan đến quá trình hoàn thành sản phẩm, dự án. Qua đó, giám khảo sẽ biết được các em làm thật hay có sự hỗ trợ, làm bao nhiêu phần trăm. Từ đó, giám khảo sẽ đánh giá kết quả thực chất mà học sinh đã đạt được”- ông Vinh thẳng thắn cho biết.
Sau 9 năm tổ chức, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã lan tỏa rộng rãi, trở thành phong trào nghiên cứu khoa học sôi nổi của học sinh trong toàn tỉnh, từ thành phố đến nông thôn. Số lượng sản phẩm, giải pháp dự thi ở cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh luôn có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy việc thay đổi cách dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh đã được các nhà trường triển khai tốt.
Những năm gần đây, H.Trảng Bom là một trong những đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh khá sôi nổi và chất lượng. Năm nay, đơn vị này có 4 dự án được vào vòng 2 cuộc thi cấp tỉnh, trong đó có 2 dự án thuộc tốp 11.
Để có được những dự án chất lượng, công tác tổ chức cuộc thi cấp huyện được UBND, Phòng GD-ĐT rất quan tâm. Huyện cũng mời giảng viên các trường đại học về làm giám khảo cuộc thi. Ngoài nhiệm vụ “cầm cân nảy mực”, hội đồng giám khảo còn góp ý, hỗ trợ về mặt chuyên môn, khoa học để các tác giả hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
Đối với các học sinh, sân chơi khoa học này chính là nơi để các em có dịp giao lưu, gặp gỡ các bạn học có cùng sở thích nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, các em cũng học hỏi được cách đặt vấn đề để cho ra được những ý tưởng, giải pháp nhằm giải quyết những nhu cầu, đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Đây là kinh nghiệm quý báu để các em tiếp tục đến với các sân chơi khoa học khác.
Mục tiêu trên hết được các em đặt ra không phải là đoạt giải trong cuộc thi mà là hoàn thành được những ý tưởng của chính mình. Vì vậy, một số học sinh khá bất ngờ khi giải pháp của mình được lọt vào tốp 11 để chọn đi thi quốc gia. Tuy nhiên, với quá trình “thực học, thực hành”, các em đã tự tin để trả lời mọi câu hỏi mà Ban giám khảo đưa ra.
* Thắm đượm tính nhân văn
Cuộc thi khoa học kỹ thuật gồm khoảng 20 lĩnh vực. Do đó, các đề tài, giải pháp, sản phẩm mang đến cuộc thi rất đa dạng, phong phú. Một điểm chung là tất cả các ý tưởng đều bắt nguồn từ cuộc sống và nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các sản phẩm đem đến cuộc thi đã cho thấy rất nhiều học sinh luôn đề cao tính nhân văn khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học.
Chính vì lẽ đó, năm nào cũng vậy, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh luôn xuất hiện nhiều sản phẩm, giải pháp nhằm hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, đa phần là người khuyết tật, người già và trẻ em.
Các tác giả Lê Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Thân Nhật Minh (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom) đang giới thiệu về Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật |
Năm nay, các sản phẩm mang tính nhân văn được Ban giám khảo đánh giá cao như: Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật; Thiết bị hỗ trợ chăm sóc người già, người bệnh; Thiết bị trợ giúp trẻ khiếm thị nhận diện vật thể và hỗ trợ di chuyển; Game 4D - ứng dụng hỗ trợ học toán cho trẻ khuyết tật trí tuệ dạng vừa và nhẹ; Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật...
Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật của 2 học sinh Lê Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Thân Nhật Minh (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom) là sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao. Sản phẩm gồm 1 tai nghe có cảm biến, 1 giá đọc sách dùng cho người bị khuyết tật tay (dạng nặng). Với sản phẩm này, khi đeo tai nghe cảm biến, người dùng chỉ cần nghiêng đầu là thiết bị sẽ tự lật từng trang sách tới hoặc lui tùy theo yêu cầu.
Thiết bị trợ giúp trẻ khiếm thị nhận diện vật thể và hỗ trợ di chuyển là sản phẩm của học sinh Phan Duy Kiên (Trường THPT Thống Nhất A, H.Trảng Bom). Thiết bị có gắn camera, sử dụng công nghệ học máy và cảm biến. Khi trẻ khiếm thị cần nhận diện một vật bất kỳ, trẻ sẽ sờ để biết cảm giác, sau đó đưa lên vị trí camera. Bằng công nghệ học máy, thiết bị sẽ đọc tên của vật và đưa ra một số thông tin cơ bản về vật thể đó. Bằng cách sử dụng cảm biến, thiết bị sẽ cảnh báo, nhắc nhở khi trẻ đi đến gần nơi có vật cản…
Tất nhiên, các giải pháp, sản phẩm dù được Ban giám khảo đánh giá cao thì vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Sản phẩm cũng khó đưa vào sử dụng trong thực tế hoặc thương mại hóa vì chưa đạt được tính ưu việt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, với những học sinh mới bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học thì những kết quả này thực sự đáng khích lệ, tự hào.
Hải Yến