"9 năm làm việc ở khoa, tôi học được ở chị Trinh sự nghiêm túc, dứt khoát trong công việc nhưng cũng rất tình cảm trong cuộc sống thường ngày. Nhờ có chị Trinh, tôi đã biết tiết chế cảm xúc, biết cách cư xử với bệnh nhân, đồng nghiệp tốt hơn".
“9 năm làm việc ở khoa, tôi học được ở chị Trinh sự nghiêm túc, dứt khoát trong công việc nhưng cũng rất tình cảm trong cuộc sống thường ngày. Nhờ có chị Trinh, tôi đã biết tiết chế cảm xúc, biết cách cư xử với bệnh nhân, đồng nghiệp tốt hơn”.
Điều dưỡng Lê Thị Kiều Trinh chăm sóc, trò chuyện với một bệnh nhân được điều trị tại khoa. Ảnh: Hạnh Dung |
Đó là chia sẻ của điều dưỡng trẻ Phạm Thanh Thủy khi nói về chị Lê Thị Kiều Trinh, Điều dưỡng trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
* Những lá thư cảm ơn chan chứa yêu thương
Sau khi con trai được cấp cứu, điều trị thành công, gia đình chị Trần Thị Thơm (xã Bình Minh, H.Trảng Bom) đã có thư cảm ơn gửi Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Trong thư, chị Thơm cho biết, con trai chị bị tai nạn giao thông, nhập viện vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2020. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân rất nguy hiểm, bị đứt 2 gân ngón tay trái, máu tụ màng cứng bán cầu não vùng thái dương trái, được chỉ định mổ não gấp để lấy máu tụ ra ngoài.
Thấy con nguy cấp, gia đình có đề xuất bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chuyển con lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng được bác sĩ tư vấn nếu chuyển bệnh lên tuyến trên sẽ làm mất giờ vàng, cơ hội điều trị cho bé sẽ không cao. Các bác sĩ có tay nghề cao của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sẽ cố gắng thực hiện ca mổ tốt nhất cho bệnh nhi. Ca mổ sau đó được thực hiện thành công. Sau 5 ngày nằm ở Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng.
Lúc này, chị Thơm lên phòng giao ban của khoa để hỏi về tình hình sức khỏe của con mới có dịp gặp điều dưỡng Trinh. Với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, bà Trinh giúp mẹ bệnh nhân cảm thấy rất thân thiện và không có khoảng cách nào giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Qua trò chuyện, chị Thơm có hỏi xin địa chỉ nhà bà Trinh và nhà bác sĩ Toàn - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật để đến nhà cảm ơn nhưng chị Trinh một mực từ chối. Điều dưỡng trưởng Lê Thị Kiều Trinh nói, chỉ cần gia đình cùng chia sẻ, phối hợp với bệnh viện, thực hiện các quy định của bệnh viện khi chăm sóc bệnh nhân thật tốt là được rồi.
“Gia đình tôi vô cùng cảm động, không chỉ bởi tinh thần phục vụ, chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng mà còn bởi tấm lòng lương thiện, trong sáng, liêm khiết của họ. Con tôi được chăm sóc chu đáo, tận tình nên phục hồi nhanh chóng” - chị Thơm nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Trần Thị Tú Anh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), bà ngoại của bé T.M.Q., từng điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng viết: “Cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ của khoa, đặc biệt là các bác sĩ Lay, Khương, Đức, đội ngũ bác sĩ gây mê mà tôi không biết tên cùng các điều dưỡng Trinh, Đài, Hải, Thúy…Tất cả họ đã chăm sóc, điều trị cho cháu tôi bằng tình thương và chuyên môn tốt. Tôi cảm nhận được lòng tử tế của họ. Sự chuyên nghiệp trong khám, chữa bệnh, sự ân cần trong khâu chăm sóc bệnh nhân của họ đã làm cho tôi thật sự xúc động”.
* Xem bệnh nhân như người thân của mình
Điều dưỡng Kiều Trinh chia sẻ, từ năm 2008, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng được tách ra từ Khoa Ngoại tổng hợp. Sau này, khoa triển khai thêm lĩnh vực Ngoại thần kinh (chuyên điều trị chấn thương sọ não) nên công việc của điều dưỡng trong khoa vốn đã áp lực càng thêm áp lực. Bởi lẽ, chấn thương sọ não như một quả bom nổ chậm, nếu bệnh nhân không được theo dõi sát sao, phát hiện diễn tiến bệnh kịp thời, chỉ cần trễ vài phút, tính mạng của bệnh nhân sẽ bị đe dọa. Cũng chính vì vậy mà ở khoa thường xuyên gặp những trường hợp cha mẹ, thân nhân bệnh nhân vì nhiều lý do mà nổi nóng, bức xúc, có lời lẽ khó nghe.
Khi gặp những tình huống như trên, điều dưỡng Trinh sẽ nhẹ nhàng mời người nhà bệnh nhân vào phòng giao ban của khoa, trấn an họ và đề nghị họ xem điều dưỡng, bác sĩ ở khoa như người nhà để chia sẻ những bức xúc trong lòng. Trong những lần đó, điều dưỡng Trinh giải thích cho người nhà bệnh nhân những vấn đề họ đang quan tâm, để cho người nhà bệnh nhân hiểu y, bác sĩ luôn đặt quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân lên trên hết. Đồng thời, đặt mình vào vị trí của thân nhân bệnh nhân để thấu hiều rằng đối với mỗi gia đình, với mỗi cặp cha mẹ, con là tài sản vô giá. Từ đó, tạo dựng sự đồng cảm, sẻ chia giữa y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân.
Mới đây, điều dưỡng Trinh với khả năng thuyết phục của mình đã thuyết phục được ông bà nội, ngoại của 2 bệnh nhân thống nhất đồng ý ghép da cho cháu họ. Mục đích nhằm rút ngắn thời gian, điều trị tốt cho bệnh nhân và cải thiện tính thẩm mỹ khi bệnh nhân lớn lên.
“Một gia đình một mực đòi cho cháu xuất viện để về nhà đắp thuốc nam ở chỗ bị thương cho cháu. Còn một gia đình thì sợ cháu mình bị đau ở 2 chỗ trên cơ thể (chỗ lấy da và chỗ được ghép da). Qua trò chuyện, tôi hiểu được hoàn cảnh gia đình của 2 bệnh nhân. Từ đó, lựa lời giải thích và giúp các ông bà hiểu được lợi ích của việc ghép da đối với cháu. Sau khi nghe tôi giải thích, cả 2 gia đình đã đồng ý. Và thật may, kết quả thành công ngoài mong đợi” - điều dưỡng Trinh chia sẻ.
Là một trong những người thường xuyên phối hợp trong công việc với điều dưỡng Kiều Trinh, BS Phạm Văn Khương nhận xét: “Chị Trinh có khả năng làm việc rất tốt và cái tâm luôn hướng về người bệnh. Chị luôn đi sâu, đi sát tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân để chia sẻ, góp phần xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân, đem lại sự an tâm, hài lòng cho người nhà bệnh nhân. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác điều trị tại khoa”.
Điều dưỡng Lê Thị Kiều Trinh năm nay 52 tuổi, quê ở Đà Nẵng. Trước khi gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vào năm 1996 đến nay, điều dưỡng Trinh từng làm việc ở Lâm trường Mã Đà (nay là Trạm Y tế xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). |
Hạnh Dung