Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống

10:01, 13/01/2021

Các nghiên cứu được chuyển giao công nghệ, được áp dụng trong đời sống lao động, sản xuất… đã cho thấy hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học.

Các nghiên cứu được chuyển giao công nghệ, được áp dụng trong đời sống lao động, sản xuất… đã cho thấy hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học.

Robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời phiên bản áp mái nhà xưởng được trưng bày tại Ngày hội Khoa học - công nghệ Lạc Hồng. Ảnh: Hải Yến
Robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời phiên bản áp mái nhà xưởng được trưng bày tại Ngày hội Khoa học - công nghệ Lạc Hồng. Ảnh: Hải Yến

Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất trở thành yêu cầu bức thiết. Do đó, hiện tại có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu máy móc thay thế đối với những vị trí công việc đòi hỏi tính thẩm mỹ, sự chính xác cao mà lại tốn nhiều nhân công lao động.

* Từ chuyển giao công nghệ...

Nhiều năm qua, Trường đại học Lạc Hồng đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bản thân các giảng viên của nhà trường cũng không ngừng nỗ lực nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học kỹ thuật để chuyển giao cho các doanh nghiệp. Những sản phẩm đã chuyển giao đều được các doanh nghiệp đánh giá cao.

TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử được xem là “gương mặt vàng” của hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ. Riêng trong năm 2020, TS Toản là tác giả chính của nhiều công trình khoa học đã chuyển giao, được đánh giá cao và được xét trao giải thưởng chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (chương trình 6). Điển hình như sản phẩm Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy sắp xếp và nhỏ keo tự động. Sản phẩm được dùng cho công đoạn nhỏ keo trong dây chuyền sản xuất dây giày. Đây là sản phẩm đã giành giải nhất chương trình 6.

Nói về ưu thế của Máy sắp xếp và nhỏ keo tự động, TS Phạm Văn Toản cho hay: “Sản phẩm này có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, tính an toàn và ổn định cao, làm việc không biết mệt mỏi, sản phẩm làm ra có độ tin cậy cao do áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào sản phẩm máy, có kế hoạch dự phòng cao khi nhận được đơn đặt hàng quy mô lớn”.

Dưới góc độ kinh tế, máy sắp xếp và nhỏ keo tự động góp phần giảm số lượng nhân công trong nhà máy, thời gian tạo ra sản phẩm cũng giảm xuống hơn một nửa, trung bình từ 2,8s/sp còn 1,2s/sp.

Dưới góc độ kỹ thuật, sản phẩm góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm cường độ lao động chân tay, tạo ra sản phẩm chính xác, ít hư hỏng. Xa hơn, máy sắp xếp và nhỏ keo tự động còn góp phần hiện đại hóa công nghệ sản xuất với chi phí thấp.

Ngoài sản phẩm nói trên, TS Phạm Văn Toản và các đồng nghiệp đã nghiên cứu chế tạo và chuyển giao thành công thiết bị dán băng keo bảo vệ bề mặt nhôm. Sản phẩm hiện đang được sử dụng tại Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam (H.Long Thành), giúp công ty giảm một nửa công nhân ở vị trí dán keo, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.

* ...Đến thương mại hóa sản phẩm

Nhiều nghiên cứu khoa học sau khi chuyển giao thành công đã được thương mại hóa, tung ra thị trường. Với những tính năng vượt trội cộng với công nghệ hiện đại, những sản phẩm này đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tháng 11-2020, Công ty TNHH Công nghệ viễn thông Chí Thanh (TP.Biên Hòa) đã có buổi ra mắt sản phẩm robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời, phiên bản áp mái nhà xưởng. Đây cũng là một nghiên cứu của nhóm giảng viên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Robot có những tính năng vượt trội như: có hai chế độ lau khô và lau nước, có thể sử dụng cho các vật liệu khác như sàn nhà và mái che kính cường lực, tốc độ vệ sinh 1.000m/giờ…

Sinh viên Lê Đức Hiên, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Con robot này có 2 chế độ hoạt động: bán tự động và chế độ mình tự cầm lái. Hiện nay, phía công ty đã nhận được nhiều đơn hàng. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách để tối ưu hóa sản phẩm hơn nữa”.

Nếu như trong hoạt động chuyển giao công nghệ, nhà nghiên cứu thường thực hiện theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp… thì hoạt động thương mại hóa sản phẩm gặp phải nhiều "chông gai" hơn. Bởi nhà nghiên cứu chỉ có sở trường chuyên môn về khoa học, kỹ thuật, công nghệ chứ không nhanh nhạy, năng động nắm bắt và hiểu thị trường. Vì vậy, để thương mại hóa sản phẩm, “sau lưng” nhà khoa học rất cần có sự đồng hành của doanh nghiệp.

TS Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng cho biết, trong năm 2020, Khoa Dược đã chuyển giao thành công nước rửa tay sát khuẩn nano bạc và đã được doanh nghiệp thương mại hóa. Tiếp đó, Khoa Dược chuyển giao thêm nước súc miệng nano bạc. Sản phẩm này đã tiến hành xong các thủ tục cuối cùng để doanh nghiệp chuẩn bị “tung” ra thị trường.

* Ứng dụng hiệu quả trong giáo dục

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, lực lượng giáo viên các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng. Trong đó, phần lớn các nghiên cứu của họ đều xuất phát và nhằm giải quyết thực tế giảng dạy của chính môn học do mình phụ trách. Nhờ có sự trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm phong phú nên các nghiên cứu, sáng kiến của đội ngũ giáo viên đều được sử dụng hiệu quả.

Là giáo viên dạy môn Vật lý, cô Ngô Thị Như Quỳnh và thầy Nguyễn Quang Thạch (Trường THCS Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhận thấy rõ thực tế là bộ thí nghiệm Vật lý về chuyển hóa giữa các dạng năng lượng còn khá rời rạc, chưa đầy đủ. Trong khi đó, nếu có thể kết hợp các máy, thiết bị biến đổi năng lượng trên một bảng thì sẽ giúp học sinh có cái nhìn trực quan, dễ hình dung hơn. Vì vậy, nhóm tác giả đã chế tạo ra bộ thí nghiệm chuyển hóa các dạng năng lượng trong dạy học Vật lý. Bộ thí nghiệm được sử dụng để dạy học tại Trường THCS Trảng Dài đã mang lại niềm hứng thú, say mê cho học trò.

Điều đặc biệt là nhóm tác giả đã sử dụng các loại vật liệu đơn giản, dễ tìm, giá thành rẻ để làm bộ thí nghiệm. Do đó, sản phẩm không chỉ hữu ích mà còn tiết kiệm, đồng thời khơi gợi sự tò mò, óc quan sát, khám phá của học sinh.

Để tiết kiệm thời gian, công sức, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân khi phun thuốc bảo vệ thực vật, cô Trần Thị Phương Thảo (Trường THCS Phú Lâm, H.Tân Phú) và các đồng nghiệp đã chế tạo nên chiếc xe xịt thuốc trừ sâu cho rau điều khiển từ xa, sử dụng năng lượng mặt trời.

Bằng cách điều khiển từ xa, người dân sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu. Việc sử dụng pin năng lượng mặt trời giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí. Sản phẩm thích hợp ứng dụng cho vườn rau gia đình hoặc cho các vườn rau có diện tích nhỏ. Sản phẩm không chỉ hữu ích cho người dân địa phương mà khi đưa vào nhà trường cũng kích thích học sinh có hứng thú sáng tạo, vận dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống.   

         Hải Yến

Tin xem nhiều