Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đến năm 2020 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 404), trên địa bàn tỉnh đã có 127 nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng (vượt 217% so với chỉ tiêu đề ra).
Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đến năm 2020 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 404), trên địa bàn tỉnh đã có 127 nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng (vượt 217% so với chỉ tiêu đề ra).
Giờ chơi của trẻ tại Nhóm trẻ Doraemon (ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: N.Sơn |
Kết quả này đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, khu chế xuất được hỗ trợ; vừa giúp nữ công nhân lao động có con nhỏ yên tâm lao động, sản xuất.
* Các cấp, các ngành cùng vào cuộc
Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, số lượng lao động tại các KCN gần 588 ngàn người, trong đó lao động nữ chiếm gần 3/4 tổng số lao động, vì vậy, Đề án 404 phù hợp với thực tế tại Đồng Nai, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nữ công nhân lao động, nhất là nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Từ khi có Đề án 404, UBND tỉnh đã thành lập Ban điều hành triển khai thực hiện Đề án 404 trên địa bàn tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 404 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và nhiều văn bản mang tính chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án 404.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban điều hành Đề án 404 tỉnh, bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh cùng với Sở
GD-ĐT tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ kiện toàn hoặc thành lập mới tại 100 cơ sở giữ trẻ tư nhân và khảo sát nhu cầu gửi trẻ theo từng độ tuổi của 200 nữ công nhân lao động, người dân tại P.Long Bình và P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Theo đó, nhiều cơ sở đã được cấp phép hoạt động mong muốn được hỗ trợ về cơ sở vật chất - trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi; một số nhóm mong muốn được hỗ trợ tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ, năng lực quản lý các nhóm trẻ. Riêng nữ công nhân lao động và người dân đa số đều có nhu cầu gửi con vào các cơ sở đảm bảo chất lượng và an toàn.
Từ kết quả khảo sát, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; ban hành danh mục nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ… Tính đến nay, toàn tỉnh có 127 nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, như: Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cũng đã tích cực vào cuộc thực hiện Đề án 404 gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn với nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, bắt cóc trẻ em cho chủ các nhóm trẻ, trường mầm non ở các phường của TP.Biên Hòa. Bên cạnh đó, phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện và phát sóng các tọa đàm tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em…
Hay Sở Y tế, tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho cán bộ, giáo viên và những người làm cấp dưỡng tại các trường mầm non nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ; hướng dẫn các trường duy trì việc theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ…
* Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm trẻ tư thục
Bà Lê Thị Thái cho hay, bên cạnh mục tiêu hỗ trợ, kiện toàn và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục trong cộng đồng, nhất là ở khu vực tập trung KCN, Đề án 404 còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hầu hết các nhóm trẻ tư thục thông qua các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục. Theo số liệu thống kê của Ban điều hành Đề án 404 tỉnh, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 89 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho trên 7,2 ngàn lượt cán bộ các ngành, các cấp, người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục tại các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
Riêng Sở GD-ĐT đã tổ chức 69 lớp bồi dưỡng cho gần 6 ngàn nhóm trưởng, giáo viên, bảo mẫu ngoài công lập. Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non. Bên cạnh đó là nhu cầu, chế độ dinh dưỡng, nguyên tắc xây dựng thực đơn, khẩu phần cho trẻ trong trường mầm non; vấn đề bảo đảm vệ sinh thực phẩm khi chế biến các món ăn cho trẻ... Đặc biệt, trong chương trình tập huấn luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu đạo đức nhà giáo trong giáo dục mầm non; giao tiếp, ứng xử của giáo viên đối với trẻ mầm non.
Ngày 17-11-2020, Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam - cơ quan thường trực Ban điều hành Đề án 404 Trung ương đã ban hành văn bản 5162/ĐCT-BĐH404 về việc tiếp tục triển khai Đề án 404… Theo đó, Ban điều hành Đề án 404 Trung ương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ gắn với thực hiện Quyết định 1677/QĐ-TTg ngày 2-12-2018 về phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vận động xã hội hóa. |
Bên cạnh các lớp tập huấn, tại các xã, phường có nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, phòng GD-ĐT phân chia theo cụm cùng sinh hoạt chuyên môn với các trường công lập trên địa bàn tạo điều kiện để các trường mầm non công lập hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhóm trẻ độc lập tư thục.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ Nhóm trẻ Doraemon, ở ấp 5, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho biết, chị có nhiều năm gắn bó với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non nên về kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục trẻ chị khá tự tin. Tuy nhiên, mỗi lần tham gia lớp tập huấn dành cho các nhóm trưởng, giáo viên, nhân viên các nhóm trẻ độc lập tư thục chị vẫn thấy thú vị. Bên cạnh đó, việc chia các trường mầm non công lập phụ trách theo dõi, giúp đỡ các nhóm trẻ độc lập tư thục là mô hình rất hay, bản thân chị mỗi lần gặp phải tình huống khó đều trao đổi với cán bộ quản lý các trường và được hỗ trợ rất nhiệt tình.
Bên cạnh hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục, việc tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các nhóm trẻ cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm trẻ tư thục.
Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa chia sẻ, hằng năm Phòng GD-ĐT thành phố thường phối hợp với UBND 30 phường, xã cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra (theo hình thức thường xuyên hoặc đột xuất) hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Với những vi phạm nhẹ thì nhắc nhở để chấn chỉnh và sẽ đình chỉ các nhóm trẻ độc lập tư thục không đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã sẽ thông báo đến các khu phố, trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nhóm đã được cấp phép, chưa được cấp phép để phụ huynh biết và lựa chọn trường, lớp phù hợp.
Song song với các hoạt động thanh kiểm tra của ngành GD-ĐT, phát huy vai trò giám sát, Hội LHPN cấp huyện đã thực hiện giám sát hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Phó chủ tịch Hội LHPN H.Nhơn Trạch, năm 2020, Hội LHPN huyện đã thành lập đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Đề án 404, nghị định quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại UBND xã và nhóm trẻ tư thục về các nội dung liên quan đến quá trình thành lập nhóm, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ bảo mẫu, đồ dùng và đồ chơi cho trẻ, dinh dưỡng trong các bữa ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi sức khỏe cho trẻ… Thông qua buổi giám sát sẽ giúp các nhóm trẻ độc lập tư thục hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.
Nga Sơn