Bệnh nhồi máu cơ tim thường xảy ra với những người lớn tuổi (trung bình khoảng 64 tuổi ở nam và 72 tuổi ở nữ), được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính ở các châu lục.
Bệnh nhồi máu cơ tim thường xảy ra với những người lớn tuổi (trung bình khoảng 64 tuổi ở nam và 72 tuổi ở nữ), được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính ở các châu lục.
Một bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tim được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân dưới 40 tuổi đã mắc bệnh nhồi máu cơ tim, hầu hết là nam giới.
* Những con số “biết nói”
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có 17,3 triệu người chết vì các bệnh lý tim mạch, chiếm 31% tổng tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu dự báo đến năm 2030, con số này sẽ là hơn 23,6 triệu người. Tại châu Âu, cứ 6 nam giới và 7 nữ giới thì có 1 người bị tử vong do nhồi máu cơ tim.
Mới đây, nhóm bác sĩ Nguyễn Tất Trung, Đặng Hà Hữu Phước và Nguyễn Văn Tường của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã lựa chọn 78 bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, được chụp động mạch vành qua da từ tháng 6-2016 đến tháng 5-2020 để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi.
Trong số 78 bệnh nhân, có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 23 tuổi, bệnh nhân là nam giới chiếm hơn 97%. Những triệu chứng khi vào viện của các bệnh nhân là: đau ngực, khó thở, vã mồ hôi. Các bác sĩ đã tiến hành chụp động mạch vành cho các bệnh nhân và cho thấy có những bệnh nhân bị tổn thương 2 nhánh động mạch vành, hoặc tổn thương cả 3 nhánh động mạch vành. Phương pháp điều trị cho các bệnh nhân là sử dụng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
BS Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, đối với bệnh nhồi máu cơ tim, việc được cấp cứu càng sớm càng tốt. Bên cạnh những bệnh nhân nhập viện cấp cứu trước 6 giờ đầu, vẫn còn những bệnh nhân nhập viện sau 24 giờ. Khi được hỏi, những bệnh nhân này trả lời rằng họ nghĩ cơn đau ngực chỉ xảy ra thoáng qua và không nghĩ là nhồi máu cơ tim vì còn trẻ nên chủ quan không nhập viện sớm để thăm khám.
Những người trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim có một số đặc điểm chung như: hút thuốc lá (chiếm 66,7%), rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân nam giới, trẻ tuổi, nếu có hút thuốc lá mà bị đau ngực thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám đánh giá kỹ tiền sử, lâm sàng, cận lâm sàng để tránh bỏ sót bệnh nhồi máu cơ tim, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
* Mổ bắc cầu 3 nhánh động mạch vành cứu bệnh nhân bị bệnh tim
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở khó nhất từ trước đến nay tại bệnh viện. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật tim hở là bắc cầu 3 nhánh động mạch vành.
Bệnh nhân B.V.L. (54 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kể, cách đây 2 năm, ông đi khám bệnh ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP.Biên Hòa, được phát hiện bị bệnh tim và lấy thuốc uống định kỳ nhưng bệnh ngày càng nặng. Do không chụp chiếu phim nên ông cũng không biết rõ tình hình bệnh tim của mình ra sao. Tối 8-12-2020, ông L. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng ngất xỉu, nặng ngực.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện van động mạch chủ của ông L. bị hẹp rất nặng (diện tích mở van chỉ còn 0,6cm2/mức bình thường là 2,5-4,5cm2). Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sau đó đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, đưa ra quyết định phẫu thuật. Khi chụp động mạch vành trước mổ, bác sĩ lại tiếp tục phát hiện bệnh nhân bị hẹp 2/3 nhánh động mạch vành khá nặng. Việc một bệnh nhân bị cùng lúc 2 tổn thương nặng ở tim khiến nguy cơ bị đột tử rất cao.
Sau khi được điều trị nội khoa, ngày 30-12-2020, ông L. được phẫu thuật. Trong 7 giờ đồng hồ, bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thay van động mạch chủ để giải quyết hẹp động mạch chủ. Đồng thời, lấy 2 động mạch tự thân của bệnh nhân (động mạch ngực trong và động mạch vị mạc nối phải) để thực hiện 3 cầu nối động mạch vành.
Đây được xem là ca phẫu thuật tim hở khó nhất trong số 51 ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ trước đến nay. Bởi lẽ, theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, trước đây, các bác sĩ có thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho một số trường hợp, nhưng những ca đó mới chỉ thực hiện 1-2 cầu nối. Riêng trường hợp bệnh nhân L. phải thực hiện đến 3 cầu nối, yêu cầu bác sĩ thực hiện phải có trình độ cao, kỹ năng tốt, tỉ mỉ, tỉnh táo, tập trung cao độ để thực hiện chính xác cả 3 cầu nối. Đến nay, bệnh nhân đã bình phục tốt và đã được xuất viện.
Hạnh Dung