Cùng với thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, thời gian qua Đồng Nai còn đẩy mạnh trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội còn khả năng lao động tự tạo việc làm, tiếp cận công việc phù hợp và hòa nhập cộng đồng.
Cùng với thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, thời gian qua Đồng Nai còn đẩy mạnh trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội còn khả năng lao động tự tạo việc làm, tiếp cận công việc phù hợp và hòa nhập cộng đồng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao quà cho một nạn nhân chất độc da cam ở H.Định Quán. Ảnh: Văn Truyên |
Điều này đã góp phần giúp một bộ phận không nhỏ người khuyết tật tự chủ được cuộc sống.
* Tạo việc làm cho người khuyết tật
Thông qua các sàn giao dịch việc làm, Sở LĐ-TBXH đã đóng vai trò là cầu nối gắn kết giữa người khuyết tật còn khả năng lao động với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết: “Người khuyết tật đến trung tâm đều được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để tìm việc làm. Nhờ vậy mà từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã giới thiệu việc làm cho khoảng 300 người khuyết tật. Người khuyết tật được các doanh nghiệp bố trí làm việc ở những bộ phận phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng làm việc với thu nhập ổn định”.
Đồng Nai hiện có 154 ngàn người khuyết tật, trong đó có 12,4 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, hơn 17,3 ngàn người khuyết tật nặng. |
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai còn chủ động liên hệ các doanh nghiệp sản xuất chấp thuận cho các hội người mù trên địa bàn tỉnh nhận hàng gia công cho người mù tự làm tại nhà. Bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù H.Trảng Bom cho hay: “Nhờ sự trợ giúp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, Hội Người mù H.Trảng Bom đã kết nối và được 2 doanh nghiệp tạo điều kiện giao hàng về cho hội viên gia công tại nhà. Thu nhập bình quân hằng tháng mỗi lao động được nhận từ 1-3 triệu đồng. Hiện có gần 60 người mù và thân nhân ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất… tham gia công việc này”.
Còn theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, thời gian qua, Hội đã tạo điều kiện cho trên 200 lượt nạn nhân da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa và 2 huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu được vay vốn không lãi suất để làm kinh tế. Cùng với đó, hàng chục trường hợp được cấp không hoàn lại những khoản vốn nhỏ khoảng 5 triệu đồng/người để buôn bán các ngành nghề: bán vé số, tạp hóa tại nhà… Những người được vay vốn, nhận vốn đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vào công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng vận động của bản thân.
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Minh Tiền (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi tháng ông nhận được 2 khoản trợ cấp trị giá 900 ngàn đồng. Riêng mẹ ông được suất hỗ trợ dành cho người nuôi dưỡng nạn nhân trị giá 300 ngàn đồng/tháng. Khi biết một nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị khuyết tật 2 chân phải di chuyển bằng xe lăn nhưng muốn mở hàng bán bánh kẹo cho học sinh ở ngôi trường gần nhà, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã trao 5 triệu đồng tiền vốn để ông mua tủ kính, bánh kẹo, nước ngọt...
“Việc buôn bán này giúp tôi có thể tự mình kiếm được vài chục ngàn đồng/ngày. Vui nhất là ngày nào cũng có nhiều trẻ em đến nhà nói chuyện, mua hàng khiến tôi cảm thấy mình không bị tách biệt với những người xung quanh” - ông Tiền nói.
* Trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Theo Sở LĐ-TBXH, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức khám và điều trị phục hồi chức năng cho gần 13,5 ngàn lượt người khuyết tật.
Thông qua hoạt động này, nhiều trường hợp đã được can thiệp kịp thời để lấy lại khả năng nghe, nhìn, nói và cải thiện diện mạo, chủ động trong di chuyển hằng ngày. Cụ thể đã có 75 người được mổ mắt, 33 người được mổ tai mũi họng, 12 người được mổ răng hàm mặt. Cùng với đó, có 100 người được cấp máy trợ thính và gần 400 người được cấp dụng cụ hỗ trợ vận động (xe lăn, xe lắc, ghế ngồi bại não…).
Bà Nguyễn Hồng Hạnh (bị khuyết tật 2 chân, hiện ngụ KP.Phước Hải, TT.Long Thành, H.Long Thành) cho hay, bản thân bà và chồng đều nhận được sự hỗ trợ về xe lăn. Nhờ đó mà 2 vợ chồng đỡ lo lắng về việc phải tích góp tiền bán vé số để mua phương tiện di chuyển. Mỗi khi xe lăn bị hư hỏng đều được sửa chữa miễn phí, nếu không còn khả năng sử dụng thì bà được đổi xe mới.
Theo đại diện Hội Người mù tỉnh, có hơn một nửa trong số gần 950 hội viên được tham gia các lớp xóa mù chữ dành cho người mù nhằm giúp họ tiếp cận với các ấn phẩm văn hóa, giáo dục, giải trí. Trong thời gian tới, Hội Người mù tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người mù sử dụng thành thạo ngôn ngữ riêng của mình.
Đặc biệt, gần 1 năm qua, hàng loạt hoạt động trợ giúp người khuyết tật tự chủ trong sinh hoạt để hòa nhập cộng đồng đã được tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó có dự án thực thi quyền và trị liệu cho người khuyết tật do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại tỉnh Đồng Nai do Sở Y tế chủ trì thực hiện.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, dự án có tổng nguồn vốn trên 35,3 tỷ đồng, được triển khai thực hiện từ tháng 10-2019 đến tháng 9-2023 với nội dung là ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Trong quá trình học, người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước. Vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội giúp người khuyết tật tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo thu nhập, giảm bớt khó khăn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện dự án đang tiến hành rà soát, tư vấn phương pháp điều trị phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh và đào tạo chuyên môn cho đội ngũ hành nghề phục hồi chức năng và chăm sóc người khuyết tật… Dự kiến trong thời gian triển khai dự án sẽ có từ 2,5-3 ngàn người khuyết tật được hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo nên lực đẩy giúp người khuyết tật thuận lợi hơn trong hòa nhập cộng đồng.
Văn Truyên