Từ đầu tháng 10 đến nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị nhiễm bệnh từ các bạn học cùng lớp hoặc lây bệnh từ người thân.
Từ đầu tháng 10 đến nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị nhiễm bệnh từ các bạn học cùng lớp hoặc lây bệnh từ người thân.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được mẹ chăm sóc tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. |
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mặc dù thời điểm này, thuốc phenobarbital (loại thuốc có tác dụng chống co giật trong điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng) khan hiếm hàng nhưng các bệnh viện có thể sử dụng các loại thuốc khác thay thế để điều trị cho bệnh nhân.
* Nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau
Khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đang điều trị cho 5 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng từ 5 tuổi trở xuống. Đang chăm sóc con tại đây, chị Hoài Thơm (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) cho biết, con chị là bé M.N., 11 tháng tuổi bị lây bệnh từ anh trai.
Theo đó, bé M.N. do còn nhỏ nên được cha mẹ, ông bà trông giữ ở nhà. Còn anh của bé - bé A.T. (4 tuổi) được gửi đi nhà trẻ trên địa bàn xã. Tuần trước, bé A.T. được phát hiện bị bệnh tay chân miệng, được điều trị tại Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ. Trong thời gian bé A.T. nằm viện thì ở nhà, bé M.N. cũng có biểu hiện đau họng, nổi mụn trong miệng, sốt cao liên tục, uống thuốc không hạ, không ăn uống được, chỉ bú mẹ.
Chị Thơm cho hay, lớp học của bé A.T. có nhiều bạn bị bệnh tay chân miệng nên có thể A.T. bị lây từ các bạn ở lớp. Còn bé N. có thói quen ngậm tay và ngậm đồ chơi, các vật dụng trong nhà nên có thể sau khi anh trai bị nhiễm bệnh, cầm nắm đồ chơi trong nhà, bé N. lại cầm phải nên nhiễm bệnh theo.
Trong khi đó, bé N.N.T.A. (3 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) lại bị lây bệnh tay chân miệng từ mẹ. Chị Nguyễn Thị Duyên, mẹ bé bộc bạch: “Cách đây 1 tuần, tôi có đến bệnh viện để thăm cháu gái 1 tuổi bị bệnh tay chân miệng. Tôi có bế bé, tiếp xúc với bé nhưng khi về nhà chưa thay đồ và vệ sinh mà bế, ôm hôn con luôn. Đến ngày hôm sau thì con tôi có triệu chứng của bệnh. 3 đêm đầu tiên, bé giật mình, khóc lớn, sốt 38OC, uống thuốc hạ sốt có hạ, đi khám tại bệnh viện thì được chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng nhưng còn nhẹ nên cho về nhà theo dõi. 2 ngày sau đó, bé tiếp tục sốt cao, nổi nhiều mụn ở chân, mông, miệng nên gia đình cho bé nhập viện để điều trị”.
Còn tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện có khoảng 60 trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với cuối tháng 9 và gấp nhiều lần so với các tháng trước đó. Do được phát hiện và đưa vào điều trị sớm nên đa số các bệnh nhân đều ở mức độ nhẹ, trung bình.
* Sử dụng thuốc khác thay thế thuốc phenobarbital
Thời gian qua, cũng như nhiều bệnh viện ở TP.HCM, một số bệnh viện trong tỉnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc tiêm phenobarbital 100mg/ml. Đây là thuốc hướng thần, có tác dụng chống co giật, sử dụng trong điều trị các trường hợp bị tay chân miệng mức độ nặng. Thuốc này được ưu tiên sử dụng cho trẻ em vì ít có tác dụng phụ.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Trước thông tin phản ánh về việc thiếu thuốc phenobarbital, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung ứng mới thuốc phenobarbital 100mg/ml. Đồng thời, các bệnh viện có thể sử dụng một số loại thuốc chống co giật khác để thay thế như diazepam, midazolam.
BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, để đảm bảo các bệnh nhi được điều trị theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện đã thay thế thuốc phenobarbital 100mg/ml bằng thuốc phenobarbital dạng uống và các loại thuốc an thần khác. Khi sử dụng những loại thuốc này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân hơn để sớm có hướng xử lý nếu có tác dụng phụ xảy ra với trẻ.
Theo BS Quyền, bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên cách phòng bệnh tốt nhất là người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện ăn chín, uống chín, vệ sinh đồ dùng, vật dụng sạch sẽ, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không sử dụng chung khăn mặt, khăn tay, đồ dùng vật dụng cho nhiều trẻ cùng lúc.
Ở trường mẫu giáo, tiểu học, những gia đình có trẻ nhỏ, nên thường xuyên lau sạch các bề mặt như mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà…; không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Các gia đình nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý phân, chất thải của người bệnh hợp vệ sinh. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần sớm đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên hơn 4 ngàn ca. TP.Biên Hòa là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với hơn 1,7 ngàn ca. |
Hạnh Dung