Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho hay, xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh thì càng có nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần.
Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho hay, xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh thì càng có nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị bệnh tâm thần. Ảnh: Hạnh Dung |
Bệnh tâm thần có nhiều dạng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh.
* Những điều cần biết về bệnh tâm thần
BS CKII Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm… Vấn đề sức khỏe tâm thần được gọi là bệnh tâm thần khi các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường xuyên gây căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động sống hằng ngày của chủ thể.
Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần như: yếu tố di truyền trong gia đình; tổn thương, chấn thương não, nhiễm độc thần kinh do thuốc ngủ, chất kích thích; mắc các bệnh lý về não; căng thẳng, áp lực tâm lý, công việc, học hành…
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, có khoảng 15-20% dân số Việt Nam có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời. Trong số đó, bệnh trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%; số người nghiện chất kích thích, game online đang có xu hướng tăng về số lượng. |
Người có rối loạn về sức khỏe tâm thần thường có các triệu chứng như: luôn cảm thấy buồn, nhầm lẫn hoặc có những bất thường trong suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, quá sợ hãi hoặc lo lắng, khó ngủ, lạm dụng chất kích thích, thay đổi thói quen ăn uống, quá tức giận, thù địch hoặc bạo lực…
Các loại bệnh tâm thần thường gặp như: tâm thần phân liệt (có các triệu chứng như: hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn khả năng suy nghĩ, giảm sự biểu lộ tình cảm và không muốn tiếp xúc với mọi người); rối loạn trầm cảm (thiếu năng lượng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ăn nhiều nhưng không có cảm giác ngon miệng, thường xuyên đau đầu không rõ nguyên nhân, thường xuyên buồn bã, có dấu hiệu sụt cân, dễ tức giận, mất tập trung, cảm thấy tội lỗi, mệt mỏi, mất hết hy vọng); rối loạn cảm xúc lưỡng cực (trầm cảm quá mức hoặc hưng phấn quá mức, không kiểm soát được hành động, hoang tưởng); chán ăn; ám ảnh; lo sợ; rối loạn lo âu; rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy; chậm phát triển trí tuệ; rối loạn đa nhân cách; rối loạn cảm xúc; rối loạn ăn uống…
Theo BS Lợi, trước đây khi chưa hiểu rõ về bệnh tâm thần, các bác sĩ và người dân thường nghĩ đến người bệnh tâm thần là những người điên khùng, hay la hét, có những hành động kỳ quặc như cởi bỏ quần áo, nhếch nhác. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bệnh tâm thần có những biểu hiện rất bình thường và thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là một đứa trẻ bị tăng động, là một trí thức bị mất ngủ lâu ngày, một bà nội trợ luôn cảm thấy lo âu, mệt mỏi, một phụ nữ sau sinh bị trầm cảm…
* Giúp đỡ người bệnh tâm thần
Các y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, việc tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân bị bệnh tâm thần khó khăn và vất vả hơn nhiều so với bệnh nhân bình thường. Minh chứng rõ cho điều này, nhiều khoa, phòng điều trị nội trú của bệnh viện phải trang bị cửa, rào chắn để tránh tình trạng bệnh nhân đang điều trị bỏ ra ngoài, đi lang thang. Thậm chí đối với nhiều bệnh nhân, bác sĩ, điều dưỡng buộc phải cột tay vào giường để tránh bệnh nhân có những hành động quá khích, hành hung bác sĩ hay đánh những bệnh nhân khác, đập phá đồ đạc.
Tuy nhiên, ngoài những bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng có nhiều bệnh nhân bị bệnh nhẹ, có thể được điều trị khỏi bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Chính vì thế, khi tiếp cận với người bệnh có dấu hiệu liên quan đến tâm thần, bác sĩ cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với người bệnh, cần tạo được sự tin tưởng từ phía người bệnh để họ có thể nói ra hết những tâm sự, mong muốn. Từ đó, bác sĩ mới có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh, đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.
BS Nguyễn Giang, Trưởng khoa Động kinh Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 bày tỏ, sau nhiều năm làm việc ở chuyên ngành này, ông cảm thấy đây là chuyên ngành khá hay và còn rất nhiều điều mới mẻ. Bản thân ông - một bác sĩ, từ chỗ ban đầu chưa hiểu rõ và còn có những định kiến với người bệnh tâm thần, đến nay, ông đã có cách nhìn khác về người bệnh.
“Nhiều người trừ những khi lên cơn động kinh, còn lại cư xử, hành động và nói chuyện như người bình thường. Trong số họ, có rất nhiều người hát hay, vẽ đẹp, làm thơ giỏi… Tôi luôn nhắc nhở các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong khoa không được định kiến, kỳ thị người bệnh, phải đối xử công bằng với từng người bệnh, cố gắng thấu hiểu, chia sẻ với người bệnh” - BS Giang nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa việc mắc các bệnh lý liên quan đến tâm thần, mỗi người nên có kế hoạch làm việc và thư giãn hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe; cố gắng ngủ đủ giấc, ngủ sâu, không để các thông tin ngoài lề gây stress, căng thẳng; có việc làm, tránh xa các chất kích thích, hạn chế sử dụng các thiết bị thông minh, game online…
Hạnh Dung