Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả của khám, chữa bệnh từ xa

09:10, 04/10/2020

Đồng Nai hiện có gần 20 cơ sở y tế thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP.HCM.

Đồng Nai hiện có gần 20 cơ sở y tế thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP.HCM.

BS Nguyễn Văn Toàn thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật cắt khối u. Ảnh: H.Dung
BS Nguyễn Văn Toàn thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật cắt khối u. Ảnh: H.Dung

Việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa đem lại nhiều ích lợi cho đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh nhân. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn thống nhất phương án điều trị và cứu sống bệnh nhân kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức.

* Chia sẻ kinh nghiệm từ tuyến trên xuống tuyến dưới

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, bệnh viện thường xuyên hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt ở lĩnh vực can thiệp tim mạch, ngoại khoa.

Mới đây, khi lần đầu tiên tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay, bệnh viện đã nhiều lần hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tại mỗi cuộc hội chẩn, sau khi bệnh viện thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, kết quả các xét nghiệm…, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên sẽ cùng thảo luận và đưa ra những hướng giải quyết, xử lý nhằm điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Qua hội chẩn, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai một lọ thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho bệnh nhân N.T.T. (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch - bệnh nhân bị ngộ độc mức độ nặng nhất trong 3 bệnh nhân). Bên cạnh đó, thực hiện điều trị rối loạn tri giác khả năng, tập vật lý trị liệu, ngưng thuốc kháng sinh với bệnh nhân này. Đến nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cải thiện hoàn toàn về sụp mi và vận nhãn, giơ được cẳng tay, vận động được bàn tay và ngón tay, cử động được bàn chân và ngón chân, có thể sẽ cai máy thở trong những ngày tới.

Đối với 2 bệnh nhân còn lại, sau khi hội chẩn với các bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện cũng tiến hành rút ống nội khí quản, tập vật lý trị liệu, theo dõi xác định các cơ động kinh thật sự, nếu có thì xem xét chọc dò dịch não tủy, tiến hành xét nghiệm, chụp X- quang…

“Lần đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nên bệnh viện chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị. Nhờ có sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của các bác sĩ bệnh viện tuyến trên mà các bác sĩ của bệnh viện được nâng cao năng lực, mạnh dạn, kịp thời thực hiện các biện pháp điều trị cho bệnh nhân” - BS Phước cho hay.

Hay mới đây, sau khi tiếp nhận một bệnh nhi 23 ngày tuổi có khối u to ở sau đầu, BS CKI Nguyễn Văn Toàn, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sau khi hội chẩn với các bác sĩ trong bệnh viện đã hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, gửi hình ảnh chụp CT, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi để có hướng xử lý phù hợp.

Sau khi hội chẩn và tùy vào tình hình thực tế của bệnh nhân, BS Toàn cùng ê-kíp đã thực hiện cắt khối thoát vị, tạo màng cứng cho bệnh nhân. 20 ngày sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, không nôn ói, bú tốt.

Theo BS Toàn, quá trình làm việc tại bệnh viện, những ca nào mà bác sĩ có hướng xử trí chắc chắn thành công thì  không cần hội chẩn với các bác sĩ ở tuyến trên. Những ca nào các bác sĩ tuyến dưới còn lấn cấn trong hướng xử trí hoặc bệnh lý bệnh nhân mắc phải không có trong phác đồ điều trị thì sẽ tiến hành hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên. “Việc tham vấn những người có kinh nghiệm hơn mình để đưa ra hướng xử lý giúp bác sĩ tuyến dưới an tâm, mạnh dạn thực hiện” - BS Toàn nói.

* Nâng cao năng lực cho cơ sở y tế tuyến dưới

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, mục tiêu của đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh; hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương; giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung nhấn mạnh, trước khi có đề án khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ và bệnh viện ở Đồng Nai đã thường xuyên thực hiện hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến trên qua phim chụp, qua điện thoại. Trong những trường hợp cấp tính, bác sĩ ở Đồng Nai chụp phim, hình ảnh rồi gửi qua Zalo, Viber, Facebook hoặc gọi Facetime cho các bác sĩ tuyến trên để được hướng dẫn xử lý.

“Bác sĩ tại chỗ được nâng cao trình độ, tự tin hơn trong xử lý công việc. Người bệnh cũng yên tâm hơn nhiều vì biết có cả một tập thể, có cả những chuyên gia đầu ngành đang tập trung đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho họ. Những chia sẻ này sẽ có sức lan tỏa rất nhanh từ tuyến trung ương đến địa phương. Lãnh đạo Sở khuyến khích tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh tham gia đề án này và sẽ kiểm tra, giám sát việc triển khai đề án này có hiệu quả ra sao. Nếu có khó khăn sẽ phối hợp hướng dẫn khắc phục, xử lý cho phù hợp” - BS Trung nhấn mạnh.

Bộ Y tế vừa bổ sung danh mục kỹ thuật áp dụng trong hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đối với các cơ sở kết nối khám, chữa bệnh từ xa trong cả nước gồm 99 danh mục kỹ thuật chuyên khoa Nội tiết, 249 danh mục kỹ thuật chuyên ngành Phụ sản và 248 danh mục kỹ thuật chuyên khoa Mắt. Những kỹ thuật này do các bệnh viện Nội tiết Trung ương, Phụ sản Trung ương, Mắt Trung ương đề xuất với Bộ Y tế.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều