Tết Trung thu là ngày đặc biệt đối với trẻ em cả nước. Tại Đồng Nai, các hoạt động mừng Tết Trung thu cho trẻ em đã được các tổ chức, đoàn thể thực hiện từ nhiều ngày nay...
Rằm tháng 8 (âm lịch) được dân gian gọi là Tết Trung thu. Đây là ngày đặc biệt đối với trẻ em cả nước.
Học sinh Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) hào hứng tham gia hội thi Làm lồng đèn Trung thu. Ảnh: Hải Yến |
Tại Đồng Nai, các hoạt động mừng Tết Trung thu cho trẻ em đã được các tổ chức, đoàn thể thực hiện từ nhiều ngày nay. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn có được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Nhờ đó, trẻ em toàn tỉnh đã có được một mùa Trung thu vui tươi, ấm áp.
* Chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn
Trước Tết Trung thu nhiều ngày, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các chương trình chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Đây đều là những hoạt động thường niên đã được các tổ chức, đơn vị thực hiện trong nhiều năm qua. Những món quà trung thu này đã mang đến niềm vui, sự ấm áp cho nhiều trẻ em.
Năm nay, Tỉnh đoàn Đồng Nai là một trong những đơn vị tổ chức sớm các hoạt động vui Tết Trung thu cho thiếu nhi. Theo đó, ngày 26-9, Tỉnh đoàn đã phối hợp cùng UBND TP.Long Khánh tổ chức chương trình Ngày hội Tuổi thơ và Đêm hội trăng rằm lần thứ IV-2020.
Tại ngày hội, trẻ em được chơi các trò chơi dân gian; được tập huấn, hướng dẫn phương pháp phòng tránh xâm hại trẻ em; xem biểu diễn tạo hình bong bóng; thi làm lồng đèn trung thu… Buổi tối, trẻ được tham gia rước đèn trung thu, xem biểu diễn văn nghệ. Trong chương trình, Ban tổ chức đã trao 700 phần quà (gồm bánh trung thu, lồng đèn và một số thực phẩm khác) cho 700 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Trong 2 ngày 29 và 30-9, Quỹ Bảo trợ trẻ em (thuộc Sở LĐ-TBXH) đã tổ chức trao tặng 300 phần quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 6 xã của các huyện: Nhơn Trạch, Thống Nhất, Tân Phú (mỗi huyện 100 phần quà) và 16 phần quà cho con em hội viên Hội Người mù TP.Biên Hòa. Trong đó, mỗi trẻ em được nhận một phần quà trị giá 250 ngàn đồng, gồm: bánh trung thu và lồng đèn. Toàn bộ các phần quà này đều do quỹ vận động các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ.
Ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em cho biết: “Mỗi năm, quỹ đều vận động các mạnh thường quân để trao quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong đối tượng hưởng chính sách để trao quà. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận động mạnh thường quân cũng gặp khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đã chuẩn bị được hơn 300 phần quà. Ngoài Tết Trung thu, chúng tôi còn tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện chính sách vào dịp Quốc tế thiếu nhi (1-6) và Tết Nguyên đán…”.
Chiều 29-9, tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (cơ sở 3) (TP.Biên Hòa), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao quà cho trẻ em tại trung tâm với trị giá 20 triệu đồng. Tối cùng ngày, đoàn di chuyển đến H.Cẩm Mỹ và tổ chức trao quà cho 80 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền 20 triệu đồng…
Nhiều tổ chức, đoàn thể khác trong tỉnh cũng có chương trình chăm lo Tết Trung thu cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các phần quà, các bé còn được tham gia các trò chơi, xem biểu diễn văn nghệ… Đây thực sự là những món quà tinh thần quý giá, giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng 1 mùa Trung thu ấm áp, thân tình.
* Phong phú các hoạt động vui Tết Trung thu
Cùng với các tổ chức, đoàn thể, các trường học (chủ yếu từ bậc mầm non đến THCS) trong toàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động vui trung thu cho học sinh tham gia. Những hoạt động này được tổ chức trong các tiết ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Theo đó, hầu hết các trường đều tổ chức hội thi làm lồng đèn, vẽ tranh trung thu, bày mâm cỗ; có nơi còn tổ chức hội chợ ẩm thực. Học sinh rất vui vẻ, phấn khởi tham gia các sân chơi này.
Sinh viên Trường đại học Văn hóa (TP.HCM) tổ chức vui Trung thu cho học sinh xã Phú Điền (H.Tân Phú) |
Tại Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa), ngày 26-9 nhà trường đã cho học sinh thi làm lồng đèn. Theo đó, vào tiết sinh hoạt ngoại khóa, học sinh các lớp tập trung dưới sân trường để làm lồng đèn. Khung lồng đèn, vật liệu giấy đã được các lớp chuẩn bị từ trước. Thời gian thi tại trường, các lớp thực hiện dán giấy lên khung và trang trí lồng đèn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cả cô và trò đều phải tập trung, chăm chút mãi mới hoàn thành được 1 sản phẩm. Không phải chiếc lồng đèn nào cũng đẹp, nhiều hoa văn trang trí, đường nét cắt dán còn vụng về nhưng niềm vui, những nụ cười đều hiện rõ trên nét mặt của cả cô lẫn trò.
Em Lê Nguyễn Vi (lớp 6/8) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được cùng cô giáo chủ nhiệm tham gia làm lồng đèn. Vì vậy, em cảm thấy rất thích, dù làm lồng đèn cũng khó”.
Theo cô Bùi Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/11, đối với riêng lớp 6, là những học sinh mới chuyển cấp nên còn nhiều bỡ ngỡ. Hoạt động này đã tạo sự đoàn kết trong lớp, giúp các em gắn kết hơn với bạn bè.
Theo truyền thống, Tết Trung thu không chỉ là ngày vui của thiếu nhi mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp. Vào ngày rằm tháng 8, các gia đình sẽ bày mâm cỗ để cúng gia tiên, bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Vì thế, trẻ không chỉ được rước đèn, xem múa lân mà còn được “phá cỗ”. Ngày nay, do sự biến đổi của đời sống xã hội, trong nhiều gia đình, ngày Tết Trung thu không còn được duy trì như trong truyền thống. Cha mẹ thường mua các loại lồng đèn làm sẵn (đa số là lồng đèn điện tử chạy bằng pin, có nhạc) cho con, đưa con đi khu vui chơi thay vì “phá cỗ” đêm trăng… Bù lại, các trường học, các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động vui trung thu cho trẻ em. Trong các chương trình này luôn có những phần tái hiện lại Tết Trung thu cổ truyền. Ở đó, học sinh được tự tay làm lồng đèn, tự tay bày các mâm cỗ, đi rước đèn trung thu… |
Không chỉ cô và trò, tham gia làm lồng đèn còn có cả một số phụ huynh. Chị Trần Thị Mến, phụ huynh em Lê Phương Thảo (lớp 6/12) chia sẻ: “Nhờ hoạt động này mà các con biết được không khí Tết Trung thu ngày xưa của cha mẹ. Là phụ huynh, tôi rất ủng hộ những hoạt động như thế này vì các con không chỉ có thêm một sân chơi lành mạnh mà qua đó các con còn quan tâm hơn đến môn học mỹ thuật. Như bé nhà tôi khi về nhà đã biết tự trang trí góc học tập, trang trí nhà”.
Ngoài hội thi làm lồng đèn, Trường THCS Trảng Dài còn tổ chức hội thi bày mâm cỗ trung thu, vẽ tranh chủ đề thiếu nhi. Cũng trong chuỗi hoạt động vui trung thu, nhà trường còn tổ chức ngày hội để học sinh được xem múa lân, văn nghệ, cùng nhau phá cỗ trung thu. Nhà trường cũng dành ra 53 phần quà trung thu để tặng cho 53 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của các lớp.
Cô Phạm Hải Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hiện nay, tuổi thơ của học sinh đang bị “cuốn” đi bởi các trò chơi điện tử, bởi lịch học thêm dày đặc… Vì vậy, chúng tôi rất mong những sinh hoạt ngoại khóa như thế này có thể phần nào giúp các em được trở về tuổi thơ hồn hậu, trong trẻo như tuổi thơ của thế hệ cha mẹ ngày xưa; cho các em có ký ức đẹp, đồng thời cũng để các em được thoải mái sau những giờ học căng thẳng”.
Với những trường học ở vùng sâu, vùng xa, ban giám hiệu các trường đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các phần quà trung thu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên nhiều trường đại học cũng đến tận các trường học vùng sâu, vùng xa để tổ chức Ngày hội Trăng rằm cho thiếu nhi ở đây… Nhờ những hoạt động như vậy, thiếu nhi toàn tỉnh đã có được một mùa Trung thu vui tươi, ấm áp.
Hải Yến