Báo Đồng Nai điện tử
En

Robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh

09:09, 14/09/2020

Bác sĩ, điều dưỡng có thể ngồi tại phòng làm việc nhưng vẫn cấp thuốc, đo nhiệt độ, hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân. Tất cả công việc được thực hiện nhờ robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Bác sĩ, điều dưỡng có thể ngồi tại phòng làm việc nhưng vẫn cấp thuốc, đo nhiệt độ, hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân. Tất cả công việc được thực hiện nhờ robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đó là ý tưởng và cũng là mục tiêu để một nhóm 5 học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) sáng tạo nên mô hình robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Một thành viên trong nhóm tác giả của giải pháp robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh đang kiểm tra hoạt động của robot. Đây là mô hình đoạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu, niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: H.Yến
Một thành viên trong nhóm tác giả của giải pháp robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh đang kiểm tra hoạt động của robot. Đây là mô hình đoạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu, niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: H.Yến

Đây cũng là giải pháp đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2020.

* Chia sẻ áp lực với y, bác sĩ

Nói về nguyên nhân ban đầu để hình thành nên ý tưởng sáng tạo robot hỗ trợ chăm sóc người bệnh, em Phan Duy Kiên cho hay, nhóm tìm hiểu và được biết hiện nay có rất nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải; nhất là trong những đợt cao điểm của các loại dịch bệnh (sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19…) hoặc quá tải do phải tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị tai nạn cùng lúc…

“Lượng bệnh nhân tăng lên, trong khi đội ngũ các bác sĩ, y tá thì chưa đáp ứng kịp. Điều này khiến khối lượng công việc dành cho những nhân viên y tế tại các bệnh viện là rất lớn. Hiểu được vấn đề trên, chúng em đã tạo ra sản phẩm robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh nhằm chia sẻ bớt áp lực công việc với các y - bác sĩ” - em Kiên vui vẻ chia sẻ.

Hợp sức, giúp nhau cùng tiến bộ

Tính theo thời điểm tham gia cuộc thi (năm học 2019-2020), 5 học sinh là đồng tác giả của giải pháp robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh gồm: Tô Hoàng Minh (lớp 10A7), Âu Quốc Cường (lớp 12A6), Nguyễn Quốc Khánh (lớp 12A1), Đặng Hoàng Ân (lớp 11A4) và Phan Duy Kiên (lớp 11A1). Dù học khác lớp, các thành viên này đã đoàn kết, hỗ trợ nhau làm việc để cùng tiến bộ. Cũng bằng cách kết hợp học sinh của nhiều khối lớp, “lửa” đam mê nghiên cứu, khám phá và kinh nghiệm học tập, làm việc sẽ được lớp trước truyền lại cho lớp sau. Đây cũng là cách để duy trì và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Từ ý tưởng ban đầu, nhóm học sinh này đã nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có các chức năng hỗ trợ nhân viên y tế trong công việc phát thuốc và quản lý, giám sát người bệnh từ xa.

Theo thiết kế, robot có gắn camera để hỗ trợ giao tiếp (thông qua mạng Wi-Fi) giữa bác sĩ và người bệnh ở khoảng cách xa. Điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các bác sĩ, điều dưỡng ở những trường hợp cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giảm nguy cơ lây bệnh chéo giữa người với người như trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Robot còn đóng vai trò như một tủ thuốc di động, có tính năng tự động di chuyển đến vị trí người bệnh, nhắc nhở họ thời gian uống thuốc và tự động phân loại đúng liều thuốc (dựa trên các thiết lập từ trước của bác sĩ trên điện thoại thông minh). Trường hợp robot đã nhắc nhở và đưa ra liều thuốc cần uống, nhưng trong vòng 8 phút người bệnh vẫn chưa uống thì robot sẽ thực hiện một cuộc gọi khẩn thông báo cho bác sĩ.

Bên cạnh đó, robot còn có những tính năng phụ khác như: có tủ chứa thức ăn, bàn đựng thức ăn, hệ thống rót nước tự động giúp người bệnh được cung cấp đủ thực phẩm dinh dưỡng cơ bản hằng ngày.

So với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên thị trường hiện nay thì mô hình robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh do nhóm học sinh này thiết kế có tính đa năng hơn. Các sản phẩm hiện có trên thị trường thường được đặt cố định một chỗ và chỉ có một số chức năng như: thông báo, cảnh báo…

“Sản phẩm của chúng em ngoài những tính năng cơ bản trên vẫn còn nhiều chức năng ưu việt như: giúp giải quyết khó khăn đi lại của một số bệnh nhân khi không thể tự lấy thuốc được; giúp người dùng hoặc bác sĩ quản lý được thời gian và định lượng được thuốc của người bệnh; giúp người bệnh thuận tiện hơn trong việc uống thuốc và ăn uống; giảm bớt được phần nào gánh nặng cho các y, bác sĩ hoặc người chăm sóc” - em Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

* Chăm sóc người bệnh từ xa

Tất nhiên, việc chăm sóc, thăm khám cho người bệnh cần phải được làm trực tiếp nhưng trong nhiều trường hợp, việc chăm sóc người bệnh từ xa là cần thiết và có thể chấp nhận được. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân đã có sức khỏe tương đối ổn định, phục hồi tốt; đối với bệnh nhân cần phải hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh… Trong những trường hợp đó, việc chăm sóc bệnh nhân từ xa sẽ được thực hiện như thế nào? Đó là vấn đề được nhóm đặt ra để giải quyết.

Thiết kế mô hình robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ảnh:T.L
Thiết kế mô hình robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ảnh:T.L

Theo đó, các thành viên của nhóm đã cùng hợp sức, thiết kế và đã tạo ra một phần mềm chuyên biệt cho robot. Phần mềm này có các chức năng: điều khiển robot, hẹn giờ uống thuốc, kiểm soát thông tin người bệnh và giao tiếp với người bệnh.

Có thể mô tả quy trình làm việc của robot này như sau: bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngồi tại phòng làm việc, điều khiển robot đi đến từng giường bệnh. Phần đầu robot có gắn camera, màn hình, loa (tương tự như 1 chiếc điện thoại thông minh) nhờ đó nhân viên y tế có thể giao tiếp trực tiếp với người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc. Bệnh nhân chỉ cần nhấn số thứ tự (theo số giường bệnh), robot sẽ tự động phát thuốc cho bệnh nhân. Sau khi phát thuốc, robot đứng chờ bệnh nhân uống thuốc xong thì mới đi đến những giường bệnh tiếp theo.

Bác sĩ có thể giám sát toàn bộ quá trình này thông qua hệ thống camera được kết nối trực tuyến với phòng làm việc của bác sĩ. Tất cả dữ liệu của quá trình này đều được gửi về hệ thống trung tâm để lưu trữ như một hồ sơ bệnh án điện tử.

“Chúng em tin rằng đây sẽ là một sản phẩm hỗ trợ đắc lực cho những người bệnh cũng như các y, bác sĩ hay những người có nhu cầu sử dụng robot để chăm sóc người già, người bệnh... Sản phẩm ra đời nhằm đảm bảo sức khỏe của người già, người bệnh luôn được ổn định, uống thuốc đầy đủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Nhờ robot này, người thân, bác sĩ cũng dễ dàng hơn trong việc theo dõi tiến trình chữa bệnh của người bệnh trên phần mềm điện thoại” - em Đặng Hoàng Ân chia sẻ.

Được biết, ngoài những tính năng nêu trên, nhóm còn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các tính năng khác, chẳng hạn: đo nhiệt độ tự động; đo nhịp tim, huyết áp của bệnh nhân…

Hải Yến

Tin xem nhiều