Đồng Nai đã huy động xã hội hóa hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT từ mầm non đến đại học, qua đó không chỉ góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước mà còn giúp phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn môi trường học tập cho con mình.
Đồng Nai đã huy động xã hội hóa hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT từ mầm non đến đại học, qua đó không chỉ góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước mà còn giúp phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn môi trường học tập cho con mình.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: C.Nghĩa |
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Đồng Nai có trên 800 cơ sở giáo dục phổ thông thì có đến 300 cơ sở giáo dục tư thục, góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước”.
* Điểm sáng giáo dục tư thục
TP.Biên Hòa là địa bàn thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa giáo dục với nhiều ngôi trường có quy mô từ mầm non đến đại học. Trong số này phải kể đến những ngôi trường phổ thông nhiều cấp học quy mô lớn như: Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Khuyến, Đinh Tiên Hoàng, song ngữ Lạc Hồng, hệ thống các trường phổ thông của Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công TTC, Hệ thống trường song ngữ từ mầm non đến THPT của Hệ thống giáo dục ABC EDU… Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa còn thu hút hàng chục trung tâm ngoại ngữ tham gia dạy và học ngoại ngữ như: Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ, Apollo, ILA, Hội Anh văn Việt Mỹ…
Công ty CP Đinh Thuận là một trong những đơn vị tham gia hoạt động đầu tư giáo dục sớm tại TP.Biên Hòa. Đến nay, ngoài Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng và Trường mầm non Đinh Tiên Hoàng tại P.Tân Hiệp, công ty đã đưa vào hoạt động thêm 2 ngôi trường là Trường mầm non Đinh Tiên Hoàng tại TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) và Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 tại xã Long Phước (H.Long Thành). Bên cạnh đó, công ty đang xây dựng 1 trường phổ thông nhiều cấp học và 1 trường phổ thông song ngữ tại xã Bình Minh và TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom). Các cơ sở giáo dục của Công ty CP Đinh Thuận đầu tư nằm gần với nhiều khu công nghiệp lớn nên đã thu hút hàng ngàn con em công nhân đến học tập với mức học phí phù hợp.
Năm 2011, TS Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng đã sáng lập, đầu tư và đưa vào hoạt động Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Trường xác định hướng đi mới trong phát triển giáo dục đó là Văn hóa Việt Nam tầm nhìn quốc tế. Nếu như năm học đầu tiên 2011-2012, trường chỉ thu hút 500 học sinh theo học thì những năm gần đây trường duy trì sĩ số trên 2 ngàn em, chuyển dần từ phương thức chiêu sinh sang tuyển sinh đầu vào. Một số học sinh xuất sắc của trường đã được nhận học bổng du học tại Mỹ, Nhật Bản và New Zealand.
TS Đỗ Thị Lan Đài, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì đã góp phần mang đến môi trường giáo dục hiện đại cho học sinh Đồng Nai. Tại ngôi trường này, các em không chỉ lãnh hội kiến thức mà còn là kỹ năng và tự tin hội nhập”.
Ra đời chưa lâu tại TP.Biên Hòa nhưng hệ thống giáo dục ABC EDU đã sớm được công nhận là thành viên các trường quốc tế Cambridge (Cambridge School) của Hội đồng Khảo thí quốc tế Đại học Cambridge (CIE). Đến nay, ngoài Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Á Châu tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), hệ thống giáo dục ABC EDU còn có 4 cơ sở giáo dục mầm non khác, trong đó 3 cơ sở tại TP.Biên Hòa và 1 cơ sở tại TP.HCM. Trường xác định sứ mệnh là mang đến cho học sinh một chương trình giáo dục toàn diện thông qua sự kết hợp hài hòa chương trình giáo dục quốc gia với chương trình giáo dục quốc tế Cambridge. Từ đó, trang bị kiến thức, kỹ năng, nền tảng văn hóa giúp các em có hành trang bước vào một thế giới luôn thay đổi, đồng thời phát triển khả năng học tập suốt đời để giúp học sinh sẵn sàng đảm nhận những trọng trách và đáp ứng được những kỳ vọng đối với thế hệ công dân toàn cầu.
* Chia sẻ nguồn lực
Là một tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác gặp không ít khó khăn trong thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng trường học cho con công nhân lao động. Nhiều doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào lĩnh vực vực này vì không có lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, bằng chính sách mở của tỉnh, đến nay Đồng Nai đã có không ít những ngôi trường mầm non tiêu chuẩn 5 sao như: Trường mầm non Những ngôi sao nhỏ của Công ty TNHH Pouchen (P.Hóa An, TP.Biên Hòa), Trường mầm non Quang Thái của Tập đoàn Taekwang Vina (P.Long Bình, TP.Biên Hòa).
Ngôi trường mầm non đầu tiên được một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xây dựng dành cho con công nhân trên địa bàn tỉnh là Trường mầm non Phong Thái do Tập đoàn Phong Thái đầu tư năm 2006 tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) với quy mô 30 phòng học, các phòng chức năng với tổng diện tích 3ha, tiếp nhận trên 800 trẻ, phụ huynh chỉ phải đóng tiền ăn mà không phải đóng học phí. Vào năm 2016, Tập đoàn Phong Thái lại tiếp tục đầu tư thêm 1 trường mầm non tư thục 5 sao tại Khu công nghiệp Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) mang tên Trường mẫu giáo Dona Standard. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực giáo dục ở Đồng Nai khi ủng hộ hàng triệu USD xây dựng và chuyển giao nhiều ngôi trường phổ thông tại H.Trảng Bom và H.Xuân Lộc.
Chị Võ Thị Thanh Hoa, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dona Standard chia sẻ: “Thu nhập của công ty dành cho công nhân ngày một tốt hơn là niềm vui. Công ty còn mở trường hỗ trợ chúng tôi tiếp nhận chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chúng tôi có thể mang con đến trường mẫu giáo của công ty gửi và chỉ phải đóng một số tiền khá nhỏ”.
Anh Nguyễn Đình Thu, công nhân làm việc tại Công ty THNH Dona Pacific Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) phấn khởi cho hay: “Trường mầm non Phong Thái xây dựng sát bên khu công nghiệp nơi nhà máy hoạt động, nên buổi sáng vợ chồng tôi tranh thủ đi sớm ít phút đưa con vào trường, buổi chiều đi làm về ngang qua trường đón con, rất thuận lợi. Điều đáng mừng hơn nữa là số tiền phải đóng hằng tháng so với trường tư rất thấp”.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Đầu tư cho giáo dục cần nguồn lực rất lớn, nếu chỉ lấy từ ngân sách nhà nước thì rất khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua huyện đã chủ trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp tham gia phát triển giáo dục. Điển hình là Tập đoàn Phong Thái ngoài xây dựng 1 trường mẫu giáo Phong Thái còn chung tay với huyện xây dựng 2 ngôi trường là Trường tiểu học Trần Quốc Toản và Trường TH-THCS Bắc Sơn. Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều trường tư thục quy mô lớn như Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức, Trường bán trú Hoa Sen…”.
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, những năm qua, TP.Biên Hòa luôn là “điểm nóng” quá tải về trường lớp, tuy nhiên rất may mắn cho thành phố là nhờ chính sách thông thoáng mà các cơ sở giáo dục tư nhân liên tục phát triển, qua đó đã chia sẻ rất nhiều áp lực về trường lớp cho thành phố. Cùng với lựa chọn trường công lập, hiện nay rất nhiều phụ huynh đã tin tưởng chọn lựa cho con vào học tập tại các cơ sở tư thục với cơ sở vật chất tốt, có thể học bán trú 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục được đảm bảo. Đặc biệt, thành phố đã có những mô hình giáo dục tư thục chất lượng cao, theo xu hướng phát triển giáo dục của quốc tế, ở đó không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cả về kỹ năng, nhất là kỹ năng ngoại ngữ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường: Tạo mọi thuận lợi thu hút xã hội hóa giáo dục Thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục mang lại hiệu quả lâu dài cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh. Bằng những hành động hỗ trợ cụ thể, Đồng Nai đã có được những cơ sở giáo dục tư thục lớn, góp phần san sẻ áp lực với Nhà nước. Chính vì vậy, cần tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để tư nhân cùng tham gia đầu tư vào giáo dục. Khi tư nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp, Nhà nước không còn phải gánh nỗi lo đầu tư cơ sở vật chất, nuôi bộ máy hoạt động từ năm này qua năm khác. |
Công Nghĩa