Trường hợp bé gái 1 tuổi tử vong sau khi tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B tại Trạm Y tế TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) mới đây được xem là sự cố y khoa đáng tiếc. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do sốc phản vệ sau tiêm.
Trường hợp bé gái 1 tuổi tử vong sau khi tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B tại Trạm Y tế TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) mới đây được xem là sự cố y khoa đáng tiếc. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do sốc phản vệ sau tiêm.
Trẻ em được uống vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung |
Hội đồng Chuyên môn của Sở Y tế cũng đã họp và nhận định lô vaccine viêm não Nhật Bản B tiêm cho bé gái là an toàn và tiếp tục sử dụng lô vaccine này trong chương trình tiêm chủng của tỉnh.
* Theo sát diễn biến sức khỏe của trẻ sau tiêm
Tiêm chủng là sử dụng các hình thức khác nhau như: tiêm, uống... để đưa vaccine vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch chủ động để phòng bệnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho biết, một loại vaccine khi được đưa vào chương trình tiêm chủng đã phải trải qua một quá trình thử nghiệm, đánh giá vô cùng kỹ lưỡng, phải đáp ứng được tính an toàn, được Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức Tổ chức Y tế thế giới thống nhất.
Tuy vậy, bất kể cái gì đưa vào cơ thể con người đều được xem là vật lạ có thể gây ra những phản ứng nhất định và vaccine cũng không ngoại lệ. Dĩ nhiên, tùy từng phản ứng của các loại vaccine sẽ cho phép tỷ lệ ở mức nào. Ví dụ, phản ứng đau nhức sau tiêm có tỷ lệ rất cao, hay phản ứng sưng nề sau tiêm cũng có. Còn một số phản ứng nguy hiểm như phản ứng kháng nguyên, kháng thể quá mẫn (sốc), tỷ lệ rất hiếm và xem như rủi ro trong quá trình tiêm chủng.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, sau sự cố bé gái 1 tuổi tử vong sau tiêm vaccine, ngành Y tế sẽ tăng cường hơn nữa công tác tập huấn đảm bảo tiêm chủng an toàn cho các cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tiêm chủng tại cơ sở. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu, biết cách xử trí, chăm sóc trẻ sau tiêm tốt hơn. |
Do đó, để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ cần biết khi tiêm vaccine sẽ có thể có những tác dụng phụ gì để theo dõi, chăm sóc trẻ đúng cách, phối hợp với nhân viên y tế xử trí trong các tình huống có thể xảy ra, nhất là trong 6 tiếng đầu sau khi trẻ tiêm, uống vaccine.
Cụ thể, trước khi tiêm, uống vaccine, trẻ cần được khám sức khỏe sàng lọc. Nếu trẻ đang bị ho, sốt hay bị một số bệnh khác thì chưa nên cho trẻ đi tiêm, uống vaccine, cần điều trị cho trẻ khỏi ho, sốt… mới cho trẻ đi tiêm, uống vaccine. Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại cơ sở y tế để xem có phản ứng gì không.
Khi về nhà, trẻ cần được cha mẹ, người chăm sóc theo dõi sát sao. Cha mẹ cần theo dõi tình hình chung của trẻ từ việc ăn, ngủ, chơi, thân nhiệt, nhịp thở, các biểu hiện tại chỗ tiêm như có sưng, đỏ gì không. Trẻ cần được bú mẹ hoặc cho uống nước nhiều hơn bình thường. Khi bế trẻ, người chăm sóc chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm của trẻ.
Các bác sĩ cho hay, thông thường, sau tiêm chủng, trẻ thường gặp một số phản ứng như: sốt nhẹ dưới 380C. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát, cho trẻ nằm chỗ thoáng, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc có tiền sử sốt cao co giật mà thân nhiệt trên 380C.
Với phản ứng tại chỗ như đỏ, sưng tại chỗ tiêm, thường sẽ tự khỏi trong vài ngày hoặc 1 tuần, cha mẹ cũng có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ nhưng không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
Phản ứng đau khớp trên 10 ngày hoặc tối đa 10 ngày có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Phản ứng nhiễm khuẩn sau khi tiêm vaccine phòng bệnh lao thường xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch, cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị bằng thuốc chống lao…
* Xử trí các ca tai biến nặng sau tiêm chủng
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài lưu ý, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện lạ sau tiêm chủng cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được hồi sức cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên để trẻ ở nhà quá lâu gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của trẻ.
Những biểu hiện của sốc phản vệ sau tiêm gồm: trẻ kích thích, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải phản ứng mẫn cấp tính, thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một số biểu hiện như: thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.
Trẻ sốt cao trên 38,50C cần cho uống nhiều nước hoặc đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng, dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen, lau mát cơ thể hạ sốt với nước ấm và điều trị các biến chứng co giật nếu có. Trường hợp trẻ khóc thét không nguôi, dai dẳng trên 3 giờ đồng hồ kèm theo la hét, phụ huynh có thể sử dụng thuốc giảm đau cho trẻ theo chỉ định của thầy thuốc.
Nếu trẻ bị co giật kèm theo sốt hoặc không sốt, cần được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông đường thở, hút đờm, thở oxy, dùng thuốc chống co giật như Diazepam hoặc thuốc chống co giật khác theo đúng phác đồ xử trí co giật.
Một số trường hợp khác có thể bị áp xe ngay chỗ tiêm (chỗ tiêm sờ thấy mềm, có dò dịch), cần được điều trị bằng chích rạch và dẫn lưu, dùng kháng sinh nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn.
Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, cần được điều trị sốc theo phác đồ điều trị sốc, kháng sinh và điều trị các biến chứng nếu có.
Hạnh Dung