Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát tốt dịch bệnh

04:09, 21/09/2020

Trong 5 năm qua, việc triển khai hoạt động của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - dân số trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trong 5 năm qua, việc triển khai hoạt động của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - dân số trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho hay, nhờ chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các dự án mà tình hình dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát tốt, các chỉ số sức khỏe có sự chuyển biến theo hướng tích cực.

* Sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra

 Công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm đạt được những kết quả ra sao, thưa ông?

- Hiện nay Đồng Nai đã loại trừ được bệnh phong, kiểm soát tốt bệnh sốt rét, không có ca sốt rét ác tính, không có trường hợp tử vong, không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết, năm 2019 có sự biến động lớn, diễn biến phức tạp nhưng Đồng Nai cũng kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lan rộng. Ngành Y tế luôn chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và phương tiện phòng, chống dịch bệnh để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra, tránh bị động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Công tác phòng, chống bệnh lao, phổi tắc nghẽn mạn tính cũng đạt được các chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ người được xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao, tỷ lệ điều trị khỏi.

 Thưa ông, khi nào thì Đồng Nai đạt được mục tiêu 90-90-95 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

- Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5,1 ngàn trường hợp nhiễm HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức dưới 0,3% dân số. Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone với hơn 1,2 ngàn bệnh nhân đang điều trị. Công tác khám và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS; khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc PrEP tiếp tục được triển khai.

Bên cạnh đó, có 75,8% đối tượng có hành vi nguy cơ cao được tư vấn xét nghiệm HIV; 96,6% người nghiện, chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch; 70% người lớn nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV được tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV; 100% cán bộ bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp được tiếp cận điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; 98% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV.

Dự kiến đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ đạt được mục tiêu có 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm bệnh của bản thân được điều trị bằng thuốc ARV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền.

* Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

 Công tác dân số trong tình hình mới có gì đáng lưu ý, thưa ông?

- Đồng Nai hiện có hơn 3,1 triệu dân, đứng thứ 5 trong toàn quốc, số lượng dân nhập cư lớn, từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Tốc độ tăng dân số được khống chế dưới 1%/năm, tỷ lệ bé trai/bé gái trong ngưỡng cho phép.

Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được mở rộng tại 11 huyện, thành phố. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đã triển khai mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu tại 170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu được mở rộng ở cả tuyến huyện và tuyến xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế. Đó là Đồng Nai được xếp vào nhóm các địa phương có mức sinh thấp. Để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, đảm bảo mức sinh thay thế, ngành chức năng của tỉnh cũng sẽ nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ người phụ nữ trong, sau quá trình sinh sản, hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con, không khuyến khích kết hôn muộn... Còn trước mắt, vẫn thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích của việc kết hôn trước tuổi 30, sinh đủ 2 con.

 Ông có thể cho biết những khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - dân số?

- Đó là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn thiếu hoặc có nhưng không đồng bộ. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác y tế dân số tại tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, hành vi, lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận người dân.

Lực lượng chức năng thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Lực lượng chức năng thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: An Yên

Ngoài ra, tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm đang có dấu hiệu tăng, diễn biến các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến sức khỏe người dân ngày càng tinh vi, phức tạp. Các loại hình chế biến, kinh doanh thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo mùa vụ nên gặp khó khăn trong quản lý. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Chính quyền nhiều phường, xã, thị trấn chưa quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, không kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, vẫn còn nể nang nhau…

Ngoài ra, hiệu quả của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa bền vững, các dịch vụ kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc ung thư đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được mở rộng, thiếu nguồn lực để thực hiện. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và phát sinh bệnh tật.

 Vậy định hướng phát triển Chương trình mục tiêu Y tế - dân số trong giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khống chế, ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh và không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Đồng thời xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống tiêm chủng, tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận các vaccine thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe; đưa các dự án phòng, chống HIV/AIDS vào chương  trình thường xuyên; thực hiện các chương trình phòng, chống bệnh lao, phong, bệnh sốt rét, các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em… và các mục tiêu sức khỏe trong mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng nguồn lực của địa phương.

Đồng thời, cũng sẽ tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng quản lý, dự phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên…

 Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Tin xem nhiều