Trong 7 tháng của năm 2020, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận hơn 6 ngàn ca cấp cứu do tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có 593 ca tai nạn giao thông (TNGT). So với cùng kỳ năm 2019, số ca TNGT giảm 70 ca nhưng số trường hợp nhập viện cấp cứu có chấn thương rất nặng lại cao hơn.
Trong 7 tháng của năm 2020, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận hơn 6 ngàn ca cấp cứu do tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có 593 ca tai nạn giao thông (TNGT). So với cùng kỳ năm 2019, số ca TNGT giảm 70 ca nhưng số trường hợp nhập viện cấp cứu có chấn thương rất nặng lại cao hơn.
Em H.C.S. đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: M.Chi |
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhi H.C.S., 14 tuổi bị đa chấn thương do TNGT, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán lên. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhi bị chấn thương sọ não, nứt sọ thái xương, vỡ xương gò má, xương hàm và gãy xương bả vai, cánh tay, đùi trái.
BS Phạm Văn Khương, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng cho biết, trường hợp bệnh nhi rất nguy kịch, do bị nhiều chấn thương nên bệnh viện đã huy động các bác sĩ của các khoa có liên quan để cứu sống bệnh nhi. Đây là một trong những ca TNGT rất nặng trong những ngày qua mà bệnh viện tiếp nhận, còn những trường hợp nhẹ hơn đã được xử lý ở tuyến cơ sở.
Theo BS Khương, nếu gặp phải trường hợp trẻ bị TNGT, phụ huynh, người trông giữ và người dân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm và gọi mọi người giúp đỡ. Nếu trẻ bị chảy máu, phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông gòn ấn chặt vào vết thương. Động tác này rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả. Nếu tổn thương mạnh ở xương (như: gãy xương, tay, chân, cổ, lưng…) phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trong quá trình di chuyển, tránh gây chuyển động mạnh.
Trường hợp bị hôn mê, nên tiến hành sơ cứu lần lượt theo các bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như: hà hơi, thổi ngạt, hồi sức… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện sơ cấp cứu ban đầu. Sau khi sơ cứu xong cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chức năng cao hơn gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT thương tâm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của những người tham gia giao thông, phụ huynh và bản thân các em nhỏ. Đã có không ít phụ huynh sử dụng rượu bia, điều khiển xe máy, chở con ngồi phía sau không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn đối với trẻ nhỏ đã gây TNGT, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe của trẻ. Nhiều gia đình do nhiều yếu tố khác nhau đã cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, xe máy điện mà chưa có bằng lái, chưa đủ nhận thức về Luật An toàn giao thông đường bộ.
Do đó, để phòng tránh TNGT cho trẻ, trước hết cha mẹ và người lớn phải luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật An toàn giao thông đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đối với trẻ cần chấp hành quy định về an toàn giao thông trước cổng trường, khi tới trường phải vào ngay trong trường, không tụ tập ngoài cổng trường; khi tan học ra khỏi cổng trường không tụ tập ở trước cổng trường, đồng thời nếu muốn qua đường cần quan sát kỹ, xin đường để sang bên đúng phần đường của mình và đi vào phần đường của mình.
Ngoài ra, phụ huynh không nên cho trẻ đá bóng dưới lòng đường, việc này rất dễ gây TNGT cho trẻ và cho người đang tham gia giao thông trên đường. Đặc biệt, kiểm soát, lưu ý đến phương tiện đi lại của trẻ như: xe đạp điện, xe tự chế, không nên cho trẻ điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.
Mai Chi