Cùng với cả nước, thời gian qua Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, san sẻ phần nào nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin...
Cùng với cả nước, thời gian qua Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Qua đó hơn 9 ngàn người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin và gia đình họ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được san sẻ phần nào nỗi đau.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động trao tặng quà cho một nạn nhân chất độc da cam ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Truyên |
* Chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam
Năm 2020, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hệ thống Tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty CP Vacxin Việt Nam), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức hoạt động khám sức khỏe cho gần 1 ngàn nạn nhân chất độc da cam trong toàn tỉnh. Theo Phó chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thông qua việc khám sức khỏe toàn diện, xét nghiệm và siêu âm cho hơn 1 ngàn nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nếu phát hiện nạn nhân nào có bệnh và cần điều trị, Ban tổ chức sẽ xem xét để hỗ trợ miễn phí cho nạn nhân. Dự kiến, có khoảng 200 nạn nhân ở Đồng Nai được nhận hỗ trợ về điều trị y tế thông qua chương trình này.
Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, công tác phát triển tổ chức Hội gắn với chăm lo cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thời gian qua. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh phát triển được gần 1,9 ngàn hội viên. Riêng những tháng đầu năm 2020, đã có 61 hội viên mới được kết nạp, nâng tổng số hội viên trong tỉnh lên gần 6,5 ngàn hội viên. Tỉnh đã vận động trên 41 tỷ đồng để chăm lo cho hội viên. Trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã tiếp nhận gần 4 tỷ đồng tiền, hiện vật để thực hiện hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam về chăm sóc sức khỏe, xây - sửa nhà ở, vay vốn không lãi, học bổng... |
Ông Trương Văn Ân (74 tuổi, ngụ xã Phú Điền, H.Tân Phú) cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam cho hay, từ năm 2019 đến nay ông đã được khám bệnh, phát thuốc miễn phí 3 lần. So với 2 lần trước, lần này ông được khám kỹ lưỡng, được tư vấn phương pháp vận động, sử dụng thuốc ra sao để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Khi có kết quả, ông sẽ tham gia vào quá trình điều trị với mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe.
Song song với chương trình khám sàng lọc bệnh tập trung, các cấp Hội phối hợp với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động kết hợp khám bệnh, cấp thuốc vào trao tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở từng địa phương. Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song đã có 5 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí được tổ chức ở các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Định Quán. Trong mỗi chương trình, Ban tổ chức đã khám sàng lọc bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 200 người. Giá trị của đợt hoạt động nhân đạo này là khoảng 100 triệu đồng, được vận động từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, thông qua các đợt trao tặng quà, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp còn vận động để tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc, dụng cụ hỗ trợ góp phần giúp nạn nhân chủ động trong di chuyển.
* Chăm lo đời sống hội viên
Cùng với tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, việc chăm lo đời sống hội viên được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh chú trọng thực hiện.
Cụ thể, trong tổng số người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh còn sống đến thời điểm hiện tại có 1.918 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 613 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, người trực tiếp chăm sóc nạn nhân cũng được Nhà nước trợ cấp tiền hằng tháng.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, việc thực hiện chi trả trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam được tỉnh thực hiện đầy đủ. Số tiền trợ cấp cùng những chính sách trong chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục đã góp phần hỗ trợ cuộc sống của nạn nhân trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Dung (53 tuổi, ngụ TT. Định Quán, H.Định Quán) cho hay, hai mẹ con bà đều là nạn nhân chất độc da cam mỗi tháng được nhận tiền hỗ trợ và hưởng chế độ chăm sóc y tế của Nhà nước. Nhờ đó, giúp bà giảm bớt nỗi lo trong cuộc sống đang còn nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định.
Cùng với trợ cấp của Nhà nước, những năm qua bằng nỗ lực trong công tác vận động, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh còn kết nối mạnh thường quân để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua hoạt động trợ cấp thường xuyên. Hiện có hơn 100 cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia trợ cấp hằng tháng cho 356 nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Số tiền mà mỗi nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhận được hằng tháng từ sự trợ giúp này từ 300-500 ngàn đồng.
Nạn nhân da cam Hồ Quang Thái (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, ngoài trợ cấp của Nhà nước, mỗi tháng anh còn nhận được 400 ngàn đồng tiền trợ cấp thường xuyên do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động Trường đại học Lạc Hồng trao tặng. Số tiền tuy không nhiều nhưng là niềm vui với gia đình khó khăn như anh.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh còn vận động hàng ngàn phần quà để trao cho nạn nhân, trong đó, đã có hơn 7,9 ngàn suất quà trị giá gần 3,5 tỷ đồng được chuyển đến tay nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các cấp Hội còn kịp thời trợ cấp đột xuất cho 68 nạn nhân gặp khó khăn đột xuất, ốm đau, qua đời với số tiền trên 120 triệu đồng. Đặc biệt, việc hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất được chú trọng, giúp nhiều nạn nhân được sống trong những căn nhà mới, kiên cố.
Bà Huỳnh Thị Rõ (80 tuổi, ngụ ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) có 2 con trai là nạn nhân chất độc da cam cho hay, nhiều năm qua dù tuổi đã cao song bà vẫn phải lo cho 2 con từng miếng ăn, giấc ngủ. Không nghề nghiệp, không đất canh tác nên gia đình bà thuộc diện khó khăn ở xã. Khoản tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước dành cho 2 con là nạn nhân và người nuôi dưỡng như bà được hơn 2 triệu đồng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì vậy mà dù nhà đã xuống cấp nhưng bà chưa có điều kiện sửa chữa.
Tháng 7-2020, sau quá trình khảo sát, thông qua hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng từ Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã khởi công xây dựng nhà nhân ái cho gia đình bà Rõ. Nhờ chính quyền địa phương, ban ấp vận động bà con trong xã được thêm 40 triệu đồng nữa góp phần căn nhà sau khi hoàn thành khang trang hơn. Đây cũng là niềm mơ ước từ lâu của gia đình bà Rõ.
Trao tặng 260 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày Thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2020), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức trao tặng 260 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Mỗi phần quà trị giá 600 ngàn đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động tài trợ. Ngoài ra, nhân dịp này, các cấp Hội ở cơ sở cũng tổ chức vận động, trao quà cho nạn nhân tại địa phương. Mỗi phần quà trị giá từ 200-800 ngàn đồng. |
Văn Truyên