Với việc kích hoạt hệ thống báo động đỏ và dồn hết tâm sức vào cuộc phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa cứu 2 bệnh nhi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Với việc kích hoạt hệ thống báo động đỏ và dồn hết tâm sức vào cuộc phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa cứu 2 bệnh nhi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
BS CKI Bùi Đình Hà kiểm tra vết mổ cho bé Đ. thời điểm sau 15 ngày ca phẫu thuật thành công. Ảnh: H.Dung |
Các bệnh nhi hiện có sức khỏe ổn định, một bé đã được xuất viện, còn một bé đang được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện.
* Ca phẫu thuật xuyên đêm
22 giờ ngày 11-8, bé N.A.Đ. (4 tuổi, ngụ xã An Phước, H.Long Thành) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốc, trụy mạch, diễn tiến rất nặng, tiên lượng rất xấu sau khi bị tai nạn giao thông.
Chị Nguyễn Ngọc Minh Thanh, mẹ bé Đ. cho biết, tối hôm đó, sau bữa tiệc liên hoan, chị chở con trai về nhà. Tuy nhiên, do đường về nhà chị có con dốc thẳng đứng, chị chạy xe với tốc độ nhanh nên bị ngã xe, bé Đ. bị văng vào bờ tường dẫn đến chấn thương.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã 3 lần kích hoạt hệ thống báo động đỏ thành công, cứu sống 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Trước đó là trường hợp bệnh nhân bị vỡ mạch máu mạc treo do tai nạn giao thông. |
Nhận thấy ca bệnh nguy cấp, bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ toàn bệnh viện. Trong vòng 30 phút, các nhân viên y tế vừa lấy ven, truyền dịch, truyền máu cho bệnh nhân, vừa chuẩn bị phòng mổ. Lúc này đang là ca trực của BS CKI Bùi Đình Hà, Khoa Ngoại tổng hợp nên BS Hà ngay tức tốc đến kiểm tra bệnh nhân rồi khẩn cấp lên phòng mổ. ThS-BS Chu Văn Lai và BS CKII Phan Trần Đức đang ở nhà cũng được huy động vào bệnh viện để hỗ trợ thực hiện ca mổ.
Tại phòng mổ, các bác sĩ đã tiến hành thám sát ổ bụng, phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan phải, giập nát nhiều, chảy rất nhiều máu trong ổ bụng khiến việc khâu gan vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các bác sĩ phải tấn gạc cầm máu nhằm tăng huyết áp rồi thực hiện khâu gan một cách tỉ mỉ.
Lần đầu khâu gan xong, máu vẫn chảy rỉ rả nên các bác sĩ phải tiến hành khâu thêm một lần nữa rồi đắp gạc cầm máu. Tuy nhiên, do bé bị tràn khí màng phổi phải, tụ máu ở thành ruột non nhiều gây biến chứng tắc ruột nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ 50cm ruột của bé rồi tiến hành hồi sức cấp cứu giúp thoát sốc. Sau ca mổ, bé bị sốt kéo dài, nhiễm trùng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đã dồn mọi nguồn lực để cứu chữa cho bệnh nhi.
“Từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, cả ê-kíp phẫu thuật, điều dưỡng, gây mê phải tập trung cao độ, khâu gan tỉ mỉ, cẩn trọng vì gan giập quá nhiều. Đã có những lúc tưởng chừng như bé không thể qua khỏi nhưng rất may, sau 2 lần thực hiện phẫu thuật và được cứu chữa tích cực, bé đã dần hồi phục, không có nhiễm trùng, không sốt, không ói, miệng nối chỗ ruột bị cắt liền nhanh, không còn tràn khí màng phổi, tất cả các nguy cơ được kiểm soát. Đến nay, sức khỏe của bé đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới” - BS Bùi Đình Hà cho hay.
* Tiến bộ hơn sau mỗi lần báo động đỏ
Một bệnh nhi khác cũng được cứu sống kịp thời sau khi bệnh viện kích hoạt hệ thống báo động đỏ khẩn cấp là bé V.T.Y.N. (3 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Bé N. nhập viện trong tình trạng kích thích nhiều, quấy khóc, da niêm mạc nhợt, mất máu cấp. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc, đa chấn thương, chấn thương bụng kín. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, cấp cứu đường thở và tuần hoàn tránh sốc, bệnh nhi được đưa lên phòng mổ gấp.
Trên bàn mổ, bác sĩ đã mở ổ bụng bệnh nhân để tìm tổn thương thì phát hiện có tổn thương ở phân thùy 5 của gan phải và khoảng 1.000ml máu chảy tràn trong ổ bụng. Sau khi cầm máu tạm thời, nâng huyết áp, bác sĩ xác định vị trí rách gan. Do vị trí rách gan nằm ở phía sau, ở ngay cạnh ống mật và túi mật, khó bộc lộ để khâu nên việc khâu gan rất khó khăn. Tuy nhiên, ca mổ đã thành công, cầm máu tốt, khống chế được nhiễm trùng.
Trước, trong và sau ca phẫu thuật, bệnh nhi được truyền 10 đơn vị máu, được truyền dịch, đặt dẫn lưu ổ bụng. 2 giờ sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh táo, nhận biết được, không còn bị mất máu. 15 ngày sau mổ, mọi xét nghiệm của bệnh nhi có kết quả bình thường và được xuất viện.
BS Bùi Đình Hà chia sẻ, chấn thương gan là chấn thương rất hay gặp sau chấn thương lách do bị tai nạn giao thông. Khâu gan cũng rất khó vì mô mủn, dễ bị rách, dễ bị nhiễm trùng, chảy máu lại sau khi khâu mà bệnh viện lại không có kim chuyên dụng để khâu gan. Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, bác sĩ đã sử dụng kim khâu mô mềm và chỉ khâu mô mềm để khâu gan cho bệnh nhân. Rất may mắn, cả 2 trường hợp bị vỡ gan nguy kịch, mất gần như toàn bộ máu trong cơ thể đều được bệnh viện cứu chữa thành công. Sau mỗi lần kích hoạt báo động đỏ cho thấy việc phối hợp giữa các khoa, phòng, các y, bác sĩ trong bệnh viện ngày càng tiến bộ, hiệu quả.
Hạnh Dung