Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

10:08, 26/08/2020

Số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong những tuần gần đây liên tục tăng. Trong đó, H.Cẩm Mỹ là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến.

Số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong những tuần gần đây liên tục tăng. Trong đó, H.Cẩm Mỹ là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến.

Nhân viên y tế P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.Dung

Bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bị bệnh ở mức độ nặng phải điều trị rất tốn kém với thời gian kéo dài. Do đó, để không mắc bệnh, việc phòng bệnh là cách tốt nhất và dễ thực hiện nhất.

* Số ca mắc tăng cao

Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ Nguyễn Hồng Vân cho hay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến rất phức tạp trên địa bàn huyện. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận gần 500 người mắc bệnh, tỷ lệ mắc là 204 người/100 ngàn dân. Các xã có ổ dịch cũ, ổ dịch nguy cơ, điểm nóng trên địa bàn huyện được đặc biệt chú ý như: ấp Lò Than, ấp Tân Bảo, ấp Tân Bình (xã Bảo Bình), ấp Suối Sóc, ấp Láng Lớn (xã Xuân Mỹ), ấp Bể Bạc, ấp Cọ Dầu (xã Xuân Đông) và ấp 1, ấp 2 (xã Xuân Quế).

Theo các bác sĩ, trong cuộc đời mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết đến 4 lần, những lần sau có thể bị nặng hơn những lần trước. Do đó, những người đã từng 1, 2 lần bị sốt xuất huyết thường chủ quan sẽ không bị nhiễm lần tiếp theo là không đúng. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp đều có thể bị mắc bệnh sốt xuất huyết nếu bị muỗi vằn mang virus đốt.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. TP.Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với gần 800 ca. Tiếp đến là H.Cẩm Mỹ với gần 500 ca.

Mới đây, chị N.N.P.T. (20 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ) đã phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để điều trị bệnh sốt xuất huyết sau 2 ngày khởi phát các triệu chứng của bệnh như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi.

Hay trường hợp của bà N.T.H.L. (54 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) cũng được yêu cầu phải điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

BS Hoàng Thị Phương Trúc, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, tại khoa hiện đang có gần 30 bệnh nhân điều trị các bệnh truyền nhiễm, chủ yếu là sốt xuất huyết. Các bệnh nhân có địa chỉ sinh sống trên địa bàn TP.Long Khánh và một số địa phương lân cận như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất. So với thời điểm cùng kỳ năm 2019, số bệnh nhân nhiễm bệnh phải điều trị nội trú có giảm nhưng những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

* Phòng bệnh liên tục, lâu dài

Là địa phương có dân số đông, dân nhập cư nhiều, nhiều dãy nhà trọ công nhân chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, xử lý nước thải, rác thải… nên những năm qua, TP.Biên Hòa liên tục đứng đầu tỉnh về số ca mắc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần, toàn thành phố ghi nhận từ 30-35 ca mắc bệnh.

Theo BS Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, để giảm thiểu số trường hợp mắc bệnh, ngành Y tế thành phố đã phối hợp với các phòng, ban liên quan, các xã, phường tổ chức 3 vòng chiến dịch diệt lăng quăng tại những phường có số trường hợp mắc bệnh cao như: Phước Tân, Tam Phước, An Bình. Tại các đợt ra quân, nhân viên y tế của các phường, xã đã đến tận nhà người dân để phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân đổ bỏ nước trong các dụng cụ chứa nước không cần thiết, nuôi cá cảnh để diệt lăng quăng, sử dụng vợt điện, nhang muỗi… để diệt muỗi vào những giờ cao điểm mà muỗi xuất hiện nhiều như chập tối và đầu sáng…

Chị Phan Thị Thu (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, do nhà có 2 con nhỏ nên việc đảm bảo vệ sinh nhà cửa luôn được vợ chồng chị quan tâm. Mỗi tối đi ngủ, gia đình chị đều giăng mùng và mặc quần áo dài tay, bôi kem chống muỗi cho các con.

“Do cháu lớn đã từng bị sốt xuất huyết, phải nằm viện điều trị liên tục cả tuần nên chúng tôi rất hiểu nỗi khổ khi bị bệnh và phải nằm viện. Vì thế, sau đợt đó, gia đình tôi không dám chủ quan và thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh. Vì phòng bệnh bao giờ cũng dễ hơn chữa bệnh, mà lại không tốn kém nhiều” - chị Thu tâm sự.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh mới đây, BS Dương Chấn Quang, Quyền Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM cho biết, qua kiểm tra thực tế trên địa bàn H.Long Thành cho thấy, chỉ số véc tơ sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn khá cao, vượt quá ngưỡng an toàn. Cụ thể, tại 100 hộ gia đình có tới 140 con muỗi, trong khi ngưỡng an toàn là 100 hộ gia đình chỉ được phép có 30 con muỗi.

“Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020 tuy giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu. Do đó, ngành Y tế Đồng Nai cần thực hiện giám sát y tế chặt chẽ, huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết bên cạnh phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh” - BS Quang nhấn mạnh.            

  Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều