Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2020 đã khép lại. Trong số gần 1.400 giải pháp dự thi, Ban tổ chức đã chọn được 67 giải pháp xuất sắc nhất để xếp giải...
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2020 đã khép lại. Trong số gần 1.400 giải pháp dự thi, Ban tổ chức đã chọn được 67 giải pháp xuất sắc nhất để xếp giải và chọn ra 37 giải pháp đại diện cho Đồng Nai tham gia cuộc thi cấp quốc gia.
Hai chị em Phạm Nguyên An Nhiên và Phạm Nguyên Anh (học sinh lớp 4 và lớp 2 Trường tiểu học Kim Đồng TP.Long Khánh) cùng làm Bộ sưu tập túi xách từ vải jeans cũ tái chế để tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: H.Yến |
Với những chủ nhân của các giải pháp này, điều quý giá nhất mà cuộc thi mang lại là các em đã có thêm cơ hội để trải nghiệm cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm.
* Học kỹ năng giải quyết vấn đề
Tham gia chấm thi lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường, các thành viên Ban giám khảo không khỏi trầm trồ trước những sản phẩm mỹ nghệ được làm từ bã mía và thân cây chuối. Đó là sản phẩm của giải pháp Tranh giấy, túi giấy làm từ bã mía và thân cây chuối sau khi đã thu hoạch buồng. Hai học sinh đưa ra ý tưởng độc đáo này là Lê Thiên Đông và Nguyễn Đăng Khôi (lớp 7 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, H.Tân Phú).
Sản phẩm túi giấy, tranh từ bã mía, thân cây chuối mà các em đem đến cuộc thi không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn cho thấy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và khả năng ứng dụng trong thực tế. Ban tổ chức cuộc thi đã quyết định xếp giải nhì cho giải pháp này. Hiện nay, nhóm tác giả đang tiếp tục cải thiện sản phẩm để dự thi cấp quốc gia.
Nói về ý tưởng làm nên sản phẩm, em Lê Thiên Đông cho biết: “Chúng em từng chứng kiến cảnh người nông dân sau khi thu hoạch buồng chuối xong thì chặt hết phần thân cây bỏ ngoài vườn. Chúng em nghĩ liệu có thể giúp người nông dân nghèo vừa có thêm thu nhập từ thân cây chuối sau khi thu hoạch, vừa không lãng phí nguồn nguyên liệu mới hay không”.
Từ suy nghĩ này, nhóm trình bày với giáo viên hướng dẫn và bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các em gặp phải khó khăn là bột giấy tạo ra không như ý vì trong thân cây chuối hàm lượng xelulozơ chỉ có 1.9%, từ đó nảy sinh ý tưởng kết hợp thêm một loại nguyên liệu nữa là bã mía (có thành phần xenlulozơ khá cao, chiếm 40-50% khối lượng). Sau khi kết hợp 2 loại nguyên liệu này có thể tạo ra những bức tranh, túi giấy hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên hướng dẫn 2 em Đông và Khôi chia sẻ: “Quá trình làm sản phẩm tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, các em không chỉ học được cách giải quyết những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra mà còn phát triển được rất nhiều kỹ năng như: sự khéo léo sáng tạo; rèn kỹ năng làm việc nhóm; tính kỷ luật; kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng nghiên cứu, bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học…”.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện kỹ thuật làm tranh để thử bán ra thị trường. “Ước mơ của chúng em là đưa việc làm tranh giấy vào các làng nghề truyền thống. Như vậy, vừa tạo việc làm cho người nông dân, vừa có thể đưa tranh giấy làm từ bã mía và thân cây chuối ra thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế” - em Nguyễn Đăng Khôi cho hay.
* Cơ hội để học sinh phát triển ý tưởng, năng khiếu
Hai chị em Phạm Nguyên An Nhiên và Phạm Nguyên Anh (học sinh lớp 4 và lớp 2 Trường tiểu học Kim Đồng, TP.Long Khánh) đã đến với cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng 2 lần. Năm nay, giải pháp mà 2 chị em đem đến cuộc thi là Bộ sưu tập túi xách từ vải jeans cũ tái chế. Từ những chiếc quần, áo bằng vải jeans cũ, dưới sự hướng dẫn của mẹ, 2 cô gái nhỏ này đã hoàn thành một bộ sưu tập túi xách tiện dụng. Để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm, 2 bé còn vẽ lên túi rất nhiều hình ảnh đẹp.
Chị Trịnh Thị Lâm Ngân, mẹ của 2 bé rất vui mừng khi các con của mình được đến với cuộc thi. Chị chia sẻ: “Thông qua hoạt động này, các bé biết cách tái chế các vật liệu dùng hằng ngày, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển hơn về kỹ năng thiết kế, may vá, thêu thùa. Tôi cho rằng cuộc thi thực sự là một sân chơi bổ ích, giúp các bé có điều kiện phát triển ý tưởng, năng khiếu của bản thân”.
Bé Phạm Nguyên An Nhiên vui vẻ nói: “Con thích nhất là cuộc thi giúp con có điều kiện biến những ý tưởng trong đầu thành sản phẩm thực tế, có ích cho cuộc sống. Cuộc thi cũng giúp con có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn, con biết hạn chế sử dụng các vật dụng gây hại tới môi trường như túi ny-lông, hộp xốp.... Con rất thích cuộc thi này nên sang năm con sẽ tham gia thi tiếp”.
Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai cho biết, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã và đang khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh; giúp các em trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện kỹ năng. Đồng thời, cuộc thi cũng thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện “học đi đôi với hành”, lý thuyết gắn với thực tiễn. Qua đó, tạo sân chơi thu hút các tài năng sáng tạo, sân chơi trí tuệ cho lứa tuổi học sinh (từ 6-19 tuổi) trên địa bàn tỉnh. |
Hải Yến