Thời gian qua, các cấp Hội Người mù trong tỉnh, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tham gia hỗ trợ để người mù trong tỉnh được tiếp cận về giáo dục, chăm sóc y tế, đời sống hằng ngày.
Thời gian qua, các cấp Hội Người mù trong tỉnh, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tham gia hỗ trợ để người mù trong tỉnh được tiếp cận về giáo dục, chăm sóc y tế, đời sống hằng ngày.
Hội viên Hội Người mù tỉnh nhận quà hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Ảnh: Văn Truyên |
Những nỗ lực này đã góp phần giúp người mù trong tỉnh hòa nhập cộng đồng và có điều kiện sống tốt hơn.
* Chăm lo cuộc sống hằng ngày
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bùi Văn Ngân, Hội Người mù tỉnh có tổng số hội viên là 937 người. Phần lớn trong số này là các hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe kém, sống neo đơn… Do vậy, họ rất cần được trợ giúp trong sinh hoạt hằng ngày.
Từ thực tế đó, Hội Người mù tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ đời sống hằng ngày cho những trường hợp này. Trong đó, thông qua các hoạt động trợ giúp cộng đồng, nhiều người mù có hoàn cảnh gia đình neo đơn, cuộc sống khó khăn đã được nhận phụng dưỡng hằng tháng, thường xuyên được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ.
Hiện có hàng chục người khiếm thị được nhận trợ cấp hằng tháng từ các cá nhân, cơ quan, đơn vị. Trong số này có gia đình bà Nguyễn Thị Giàu (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất). Bản thân bà Giàu bị mù cả 2 mắt, còn chồng bà bị mù 1 mắt. Vợ chồng bà không có con, gia đình thuộc diện nghèo ở địa phương. Nhiều năm qua, ngoài trợ cấp của Nhà nước, tiền lời bán vé số của chồng, gia đình bà còn sống nhờ hỗ trợ hằng tháng của mạnh thường quân ở địa phương.
Song song với việc trợ cấp hằng tháng, để kịp thời hỗ trợ đột xuất cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, Hội Người mù các cấp còn vận động và được các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ quà thường xuyên để trao tặng cho người mù. Theo Hội Người mù tỉnh, từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã tích cực tìm nguồn tài trợ giúp cán bộ, hội viên giảm bớt khó khăn trong cuộc sống với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng. Qua đó, đã xây mới và sửa chữa 10 nhà tình thương, trao tặng hàng ngàn phần quà cho hội viên. Đồng thời, tặng hơn 400 radio làm phương tiện giải trí dành cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, trong thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Hội Người mù các cấp đã chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các nhà từ thiện hỗ trợ các nhu yếu phẩm với số tiền 450 triệu đồng.
Ông Đồng Văn Hóa, Phó giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình cho hay, từ nhiều năm qua, bình quân mỗi năm công ty thực hiện 2 đợt hỗ trợ quà dành cho hội viên Hội Người mù tỉnh, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động khác khi Hội có nhu cầu. Như mới đây, trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, công ty đã hỗ trợ khoảng 20 tấn gạo và nhu yếu phẩm khác để Hội Người mù tỉnh cấp gần 1 ngàn phần quà đến với hội viên. Đây là việc làm nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong việc chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, trong đó có những người mù đã và đang gặp hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.
* Giúp người mù tự chủ
Cùng với chăm lo đời sống hằng ngày cho người mù lớn tuổi, ít có khả năng lao động, sức khỏe yếu…, Hội Người mù tỉnh cùng nhiều đơn vị liên quan còn đặc biệt chú trọng đến công tác trợ giúp người mù tuổi đời còn trẻ, còn khả năng lao động, sức khỏe tốt tham gia học văn hóa, học nghề để tự chủ trong cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thành Nuôi, phụ trách mảng lao động sản xuất, giáo dục Hội Người mù tỉnh, trong số 937 hội viên có đến 437 hội viên được tham gia các lớp xóa mù chữ và nâng cao kỹ năng sử dụng chữ braille dành cho người mù. Chi phí cho việc học tập, thiết bị học tập được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Qua đó, ngoài khả năng nghe, người mù đã tiếp cận được với các ấn phẩm, văn bản, tài liệu in chữ nổi để học tập.
Song song đó, việc hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm dành cho người mù cũng được Hội Người mù tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi. Hiện Hội Người mù tỉnh đang triển khai 11 dự án cho 80 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội duy trì ổn định hoạt động của 14 cơ sở, tổ nhóm dịch vụ xoa bóp, giải quyết việc làm cho 65 lao động là người mù với mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Hội Người mù cấp huyện còn chủ động phối hợp cùng các đơn vị kết nối với doanh nghiệp để nhận hàng gia công cho người mù tự làm tại nhà. Bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù H.Trảng Bom cho biết, Hội Người mù huyện có 100 hội viên, trong số này có 50 hội viên còn khả năng lao động nên được vay vốn để cùng người thân chăn nuôi, mở phòng xoa bóp. Những trường hợp còn lại không thể tự đi lại, sức khỏe kém nên không có thu nhập cho bản thân.
Từ thực tế đó, thông qua sự trợ giúp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, bà Giang đã liên hệ và được 2 doanh nghiệp tạo điều kiện để bà nhận hàng về cho người mù gia công ron cao su và túi giấy. Hiện công việc này đang tạo thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng cho hàng chục người mù và thân nhân ở các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất.
Ông Trịnh Thái Hưng (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) cho hay, ông tham gia làm gia công túi giấy đã 3 năm. Ngoài bản thân, người nhà ông cũng làm phụ ông một số công đoạn. Tính ra mỗi tháng, ông tự tạo ra thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng để phụ giúp gia đình. “Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với người mù như tôi. Số tiền không chỉ giúp tôi phụ vào chi phí sinh hoạt của gia đình mà còn cho tôi động lực, thấy mình là người có ích, còn khả năng lao động” - ông Trịnh Thái Hưng nói.
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bùi Văn Ngân, thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai 26 dự án cho 209 lượt người vay vốn từ quỹ Hội và Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, Hội Người mù tỉnh phối hợp tổ chức 35 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi giúp cho các hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế bớt rủi ro. |
Võ Tuyên