Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị năm học mới cho học sinh lớp 1

08:08, 20/08/2020

Theo khung kế hoạch, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa học sinh toàn tỉnh sẽ tựu trường. Đây là năm học đầu tiên triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, "mở màn" là khối lớp 1.

Theo khung kế hoạch năm học 2020-2021, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa học sinh toàn tỉnh sẽ tựu trường. Đây là năm học đầu tiên triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, “mở màn” là khối lớp 1.

Giáo viên khối 1 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tập huấn sách giáo khoa lớp 1, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: H.Yến
Giáo viên khối 1 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) tập huấn sách giáo khoa lớp 1, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: H.Yến

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn khi chưa chuẩn bị kỹ càng cho con bước vào lớp 1.

Còn lo lắng…

Cô Đỗ Hồng Thảo (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) là giáo viên mới nghỉ hưu. Những ngày đầu hè có nhiều phụ huynh gửi con đến nhờ cô dạy kèm cho bé chuẩn bị vào học lớp 1. Nhưng lớp mới học được 2 tuần, trẻ mới bắt đầu quen với cách dạy của cô thì lớp học tại gia này cũng phải đóng cửa do dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.

Những năm trước, cứ vào dịp hè là các phụ huynh có con vào lớp 1 lại tìm cô giáo cho con học chữ. Năm nay, do dịch Covid-19 nên hầu như không có lớp học hè cho trẻ. Trong khi đó, năm học cuối ở bậc mẫu giáo lại bị đứt đoạn do dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều trẻ chưa được chuẩn bị kỹ để bước vào lớp 1.

“Sau khi tổng kết năm học, tôi không đăng ký cho con học hè ở trường mầm non mà cho bé nghỉ để đi học thêm ở nhà cô giáo dạy lớp 1. Không ngờ lại bị vướng dịch Covid-19 nên bé không đi học thêm được. Bây giờ tôi chỉ có thể tự dạy kèm cho con. Tôi không có phương pháp sư phạm nên việc dạy con khá vất vả. Bé lại học một mình nên không có động lực học, thành ra tiến bộ rất chậm. Tôi đang lo là không biết vào năm học bé có theo kịp được các bạn hay không”- chị Đỗ Thị Nga (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) lo lắng.

Cũng rơi vào trường hợp tương tự như chị Nga nhưng chị Trần Thanh Tâm (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thì lạc quan hơn: “Tôi nghĩ đó là tình trạng chung của năm nay nên các cô lớp 1 sẽ có cách dạy phù hợp. Thời gian đầu chắc là sẽ vất vả cho cả cô lẫn con. Cho nên phụ huynh cũng phải chăm chút việc học của con hơn”.

* Giáo viên miệt mài chuẩn bị cho năm học mới

Những ngày này, trong khi các đồng nghiệp vẫn còn chút thời gian nghỉ ngơi thì các giáo viên được phân công dạy lớp 1 lại phải miệt mài làm việc. Họ phải tập huấn lại chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn sách giáo khoa, thảo luận về nội dung, phương pháp dạy học… Tất cả nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy và học chương trình mới ở lớp 1.

Từ 1 tuần nay, ngày nào các giáo viên khối 1 của Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cũng có mặt tại trường để tập huấn sách giáo khoa mới. Mỗi ngày, nhóm giáo viên này sẽ tập huấn 1 môn học.

Theo đó, các giáo viên phụ trách môn học (đã được tập huấn theo môn ở cấp sở GD-ĐT, cấp phòng GD-ĐT) sẽ triển khai lại nội dung tập huấn cho toàn bộ giáo viên. Sau phần giới thiệu chung, toàn thể giáo viên sẽ xem 1 tiết dạy mẫu của môn học và cùng nhau thảo luận. Nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề: Nhận xét về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học của giáo viên; liên hệ với thực tế của trường xem có thuận lợi, khó khăn gì khi triển khai và cách để khắc phục khó khăn.

Trên cơ sở tập huấn đó, mỗi giáo viên sẽ tiếp tục tham khảo nội dung của sách và các tiết dạy mẫu để xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết. Cô Đào Hoàng Yến (Trường tiểu học Nguyễn An Ninh) cho hay: “Thuận lợi của giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh trong triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới đó là những năm học trước chúng tôi đã dạy học theo mô hình trường học Việt Nam mới (VNEN) với nhiều hình thức dạy học tích cực. Hình thức dạy học này tương đồng với cách triển khai dạy học sách giáo khoa mới. Do vậy, chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải nghiên cứu bài kỹ, đồng thời đầu tư chuẩn bị đồ dùng dạy học cho phù hợp”.

Về lo lắng của phụ huynh, cô Yến cho biết, khi học sinh mới vào trường giáo viên sẽ tìm hiểu để nắm bắt được mức độ, năng lực tiếp thu của học sinh, từ đó có điều chỉnh trong dạy học cho phù hợp. Do vậy, dù tham khảo các tiết dạy mẫu, giáo viên cũng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Theo cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, trường này đã chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực. Bộ sách này có nhiều thay đổi về kết cấu, nội dung, kiến thức, kỹ năng so với sách giáo khoa cũ. “Qua quá trình tìm hiểu về nội dung, chúng tôi tin tưởng là bộ sách này sẽ góp phần tạo kết quả khả quan cho công tác giáo dục trong thời gian tới. Về phía nhà trường, trong quá trình tập huấn giáo viên, chúng tôi sẽ đi sâu vào đổi mới phương pháp dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã dự kiến sẽ soạn bài và gửi đến cho phụ huynh để phụ huynh nắm được phương pháp dạy học, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác giáo dục trẻ” - cô Ngọc chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm sẽ hỗ trợ trẻ làm quen với môi trường học tập mới

Cô Đặng Thị Thanh Thảo, Khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh cho biết, ngoài các môn học hiện hành, chương trình lớp 1 mới còn có môn Hoạt động trải nghiệm. Theo đó, mỗi tuần, học sinh lớp 1 được tham gia 3 tiết trải nghiệm, gồm 1 tiết chung trong giờ sinh hoạt chào cờ, 1 tiết lồng ghép trong sinh hoạt lớp và 1 tiết dạy theo đúng chủ đề (thường tổ chức bên ngoài lớp học). Cả 3 tiết trong tuần này đều phải cùng 1 chủ đề. Với thời lượng 3 tiết trải nghiệm đó, những tuần đầu, học sinh sẽ được làm quen với môi trường học tập mới, với thầy cô và bạn bè. Điều này giúp các em bớt bỡ ngỡ và trở nên hào hứng hơn với việc học ở trường.

Hải Yến

Tin xem nhiều