(ĐN)- Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành - kỹ thuật đỉnh cao trong điều trị bệnh tim. Đây là ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đầu tiên tại bệnh viện, ca thứ 2 tại Đồng Nai.
(ĐN)- Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành - kỹ thuật đỉnh cao trong điều trị bệnh tim. Đây là ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đầu tiên tại bệnh viện, ca thứ 2 tại Đồng Nai, cũng đồng thời là ca phẫu thuật có thời gian dài nhất từ trước đến nay tại bệnh viện (gần 10 giờ đồng hồ).
BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: A.Yên |
Bệnh nhân là ông B.V.T. (63 tuổi, ngụ xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) bị bệnh van tim đã lâu nhưng do gắng sức, không đi khám bệnh và chỉ mới phát hiện bị bệnh cách đây hơn 1 năm. Cách đây 2 tuần, bệnh nhân được xếp lịch mổ. Trong khi xét nghiệm thường quy để chuẩn bị mổ sửa van tim, tầm soát bệnh mạch vành, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hẹp động mạch vành. Do đó, ca phẫu thuật được tiến hành nhằm giải quyết cả bệnh mạch vành và bệnh van tim cho bệnh nhân.
Theo BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, mổ bắc cầu động mạch vành là loại mổ vi phẫu, không được phép sơ hở, cần phải có những dụng cụ phẫu thuật vi phẫu mạch máu riêng, phải có đội ngũ bác sĩ vi phẫu mạch máu lành nghề. Do ca mổ thực hiện đồng thời 2 loại kỹ thuật (bắc cầu động mạch vành và sửa van tim) nên đòi hỏi ê-kíp phẫu thuật phải tính toán chiến lược thực hiện kỹ thuật nào trước, kỹ thuật nào sau cho phù hợp, tránh gây biến chứng cho bệnh nhân.
So với hơn 40 ca phẫu thuật tim trước đây đã thực hiện tại bệnh viện, ca phẫu thuật này khó hơn rất nhiều, đòi hỏi phải có 2 ê-kíp y, bác sĩ với khoảng 15 người trực tiếp tham gia. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được đưa vào phòng hậu phẫu để tiếp tục được chăm sóc, theo dõi. Do bệnh nhân bị mất một chân phải vì tai nạn giao thông nên quá trình hồi phục lâu hơn những người bình thường. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện.
An Yên