Mùa hè là thời điểm thường xảy ra nhiều ca đuối nước thương tâm ở trẻ em. Theo số liệu thống kê, tại Đồng Nai, trong năm 2019 có 32 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đến 23 trẻ tử vong do đuối nước.
Mùa hè là thời điểm thường xảy ra nhiều ca đuối nước thương tâm ở trẻ em. Theo số liệu thống kê, tại Đồng Nai, trong năm 2019 có 32 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đến 23 trẻ tử vong do đuối nước.
Tập bơi là cách phòng tránh đuối nước hiệu quả. Ảnh: M.Chi |
* Những tai nạn thương tâm
Ngày 7-6 vừa qua, do không có người trông coi nên 2 chị em Đ.T.T.M. (9 tuổi) và Đ.P.H. (7 tuổi), cùng là học sinh Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) tự ý xuống hồ nước bỏ hoang gần nhà để tắm. Do hồ nước quá sâu nên cả hai đã bị đuối nước và tử vong khiến không ít người xót xa.
Hay trước đó, vào ngày 29-1, bé Đ.T.N.L. (11 tuổi) và Đ.Đ.D (9 tuổi, cùng ngụ H.Trảng Bom) đã nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê, tím tái, đồng tử giãn tối đa, không bắt được mạch do ngạt nước. Hai bé trên là chị em ruột bị ngạt nước khi đi bơi tại một hồ bơi ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Sau 30 phút bị ngạt nước tại hồ bơi, hai bé mới được chuyển tới bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, về nguyên nhân đuối nước ở trẻ em có thể chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn nhũ nhi, bé tập bò, tập đi rất hiếu động. Khi đó bé thường chập chững đi khắp nhà, chỉ một chậu nước hay lu đựng nước và chút sơ ý của người lớn là có thể gây ngạt nước cho bé.
Ở giai đoạn lớn hơn, trẻ em thường bị đuối nước ở các ao, hồ do người lớn đào lên để lấy đất, cát hoặc các ao nuôi tôm cá, thậm chí là hồ bơi. Trẻ đi tắm sông, sẩy chân là có thể dẫn đến đuối nước. Thậm chí, có những trẻ biết bơi vẫn có thể bị đuối nước.
* Xử trí khi bị đuối nước
Khi gặp trẻ bị đuối nước, cần nhanh chóng đặt trẻ nằm chỗ khô ráo và thoáng, mở miệng để bùn, cát trong miệng trẻ trào ra và gọi thêm người đến giúp. Không để não trẻ thiếu oxy quá 5 phút. Nếu trẻ bất tỉnh nhưng vẫn còn thở, cho trẻ nằm nghiêng một bên để nước từ đường thở, trong bụng ra ngoài và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Nếu trẻ tím tái không thở, nhưng tim còn đập, phải thổi ngạt bằng cách áp miệng thật sát vào miệng trẻ (miệng – miệng), thổi 2 lần liên tiếp, cứ 4 giây cho thổi 2 lần liên tiếp cho đến khi trẻ thở lại đều. Nếu tim ngừng đập, thực hiện ấn tim - thổi ngạt. Ấn vùng 1/2 dưới của xương ức đều đặn theo nhịp 30 lần ấn xen kẽ 1 lần thổi ngạt 2 hơi liên tiếp. Ấn tim và thổi ngạt cho đến khi tim đập lại và trẻ thở đều, hồng hào. Sau đó, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.
Những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị nặng hơn là xốc nước, vác trẻ chạy vòng vòng cho ra nước. Cách này không làm cho nước chảy ra ngoài mà nước từ dạ dày đi ra, đôi lúc nước còn chảy ngược vào phổi dẫn đến thiếu oxy, làm chậm cơ hội cứu sống trẻ. Hoặc thấy trẻ tím tái, tay chân lạnh thì đem hơ lửa. Hay theo quan niệm dân gian ở một số vùng thì cha mẹ hay người thân không được lại gần trẻ bị đuối nước. Khi không thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tốt, thiếu oxy kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương não và nguy cơ tử vong cao. Ngay cả khi có thể cứu sống được trẻ nhưng nhiều khả năng trẻ phải sống thực vật suốt đời.
Hậu quả lớn nhất của đuối nước là tử vong. Vì khi trẻ bị ngạt nước, oxy trong phổi cạn kiệt, dẫn đến thiếu oxy các mạch máu, các cơ quan và oxy não. Nếu trẻ bị ngạt nước dưới 5 phút thì khả năng cứu được bé sống hoàn toàn. Còn trên 10 phút thì bé có thể bị tử vong hoặc có thể cứu sống được nhưng sống thực vật do chết não.
Để phòng tránh đuối nước, BS Nghĩa khuyến cáo, đuối nước là một tai nạn xảy ra bất ngờ. Trẻ có thể đuối nước dù lượng nước đủ ngập mặt trẻ vì trẻ té úp mặt và không thể tự đứng lên. Do đó, phụ huynh cần lưu ý đến con của mình. Trong gia đình không nên chứa nước vào lu chậu nếu không cần thiết. Nếu phải chứa thì nên có nắp đậy. Không cho trẻ nhỏ một mình trong nhà tắm, không cho trẻ tự chơi với xô nước, thau nước, lu nước, hồ cá sâu trong nhà. Trẻ phải trong tầm mắt người lớn.
Ở vùng nông thôn, quanh nhà có ao, hồ nên rào chắn cẩn thận, để trẻ không bị sẩy chân. Cách phòng tránh tốt nhất hiện nay là cho trẻ đi học bơi. Trẻ biết bơi là tốt nhưng bơi tốt vẫn có thể đuối nước. Vì vậy, nghiêm khắc không cho trẻ bơi những nơi không an toàn
Mai Chi