Tuy đã gần 80 tuổi song bà Lê Thị Thỏa, một nông dân ngụ ấp 8, xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) vẫn tham gia đảm nhận nhiều nhiệm vụ công tác ở địa phương. Ở vai trò nào bà cũng hoạt động sôi nổi và có đóng góp tích cực, phát huy vai trò người cao tuổi trong kết nối người dân chung sức xây dựng quê hương.
Tuy đã gần 80 tuổi song bà Lê Thị Thỏa, một nông dân ngụ ấp 8, xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) vẫn tham gia đảm nhận nhiều nhiệm vụ công tác ở địa phương. Ở vai trò nào bà cũng hoạt động sôi nổi và có đóng góp tích cực, phát huy vai trò người cao tuổi trong kết nối người dân chung sức xây dựng quê hương.
Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng khen của UBND tỉnh cho bà Lê Thị Thỏa tại lễ tuyên dương tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2016-2020). Ảnh: HUY ANH |
Bà Lê Thị Thỏa chia sẻ: “Còn làm được việc có ích cho cộng đồng thì mình cố gắng. Làm sao để con cháu thấy là dù ở tuổi nào chỉ cần còn sức khỏe, đam mê công việc, mong muốn cống hiến cho cộng đồng thì đều có thể làm được”.
* 3 lần cứu người bị nạn
Bà Lê Thị Thỏa đã có gần 30 năm tham gia công tác phụ nữ, người cao tuổi, cộng tác viên phục hồi chức năng cho người khuyết tật, chữ thập đỏ... Ở vị trí công tác nào cũng để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho bà.
Bà Thỏa kể: Năm 1994, bà được giao đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp. Tiếp đó, năm 1997, bà được tuyển làm cộng tác viên y tế ấp. Thời điểm đó, cộng tác viên y tế ấp kiêm luôn việc cấp cứu, sơ cứu cho người bị nạn trước khi chuyển đến trạm y tế xã hay bệnh viện. Do vậy, bà được cử đi tập huấn 3,5 tháng về sơ cấp cứu, tiêm phòng. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, bà tham gia cùng y bác sĩ thực hiện tiêm phòng, sơ cấp cứu cho người dân.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Trưởng ấp 8, xã Xuân Tây nhận xét: “Bà Lê Thị Thỏa đã phát huy được tinh thần tuổi cao gương sáng, là cán bộ ấp nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Đây là tấm gương mà rất nhiều người cần học hỏi và làm theo để cùng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương”. |
“Trước năm 2000, người dân ở xã Xuân Tây và các xã lân cận sống thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ. Quãng đường từ nhà dân đến các trạm y tế xã, bệnh viện xa và di chuyển khó khăn vì lúc đó rất ít nhà có xe gắn máy mà chủ yếu là xe đạp. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, bà con rất hay tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng tác viên y tế sống ngay tại ấp” - bà Thỏa cho hay.
Bà Thỏa đã trực tiếp cấp cứu, đảm bảo an toàn cho 3 trường hợp gặp nạn, trong đó có 2 người bị điện giật bất tỉnh và 1 trường hợp té từ trên cao xuống bị gãy nhiều vị trí xương. Bà Thỏa nhớ lại: “Trong 2 lần đi vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở các khu rẫy, tôi tình cờ phát hiện 2 người bị điện giật nằm dưới đất bất tỉnh. Khi biết tình trạng của người bị nạn, tôi yêu cầu ngắt nguồn điện. Sau đó, bằng các kiến thức được tập huấn, tôi thực hiện hô hấp nhân tạo, sơ cứu ban đầu. May mắn là sau khi được sơ cứu thì 2 nạn nhân đều tỉnh lại, tôi hướng dẫn thân nhân chuyển nạn nhân ra bệnh viện để tiếp tục điều trị”.
Hay lần cấp cứu người bị nạn mới đây là người bị té từ trên cao xuống, bà Thỏa đã kiểm tra tình trạng, trò chuyện để ổn định tâm lý người bị nạn rồi nẹp cố định những chỗ xương gãy; đồng thời gọi xe cứu thương đến chuyển người bị nạn đi bệnh viện cấp cứu. Ông Dương Đức Thịnh (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), người được bà Thỏa cấp cứu trong tình trạng gãy xương do té từ trên cao cho hay: “Rất may là tôi đã được bà Thỏa sơ cứu kịp thời. Nếu không có bà Thỏa, có lẽ giờ này dù lành lặn nhưng tôi sẽ gặp phải nhiều biến chứng”.
* Nhiều cách làm hay
Không chỉ ứng cứu kịp thời người gặp nạn, bà Lê Thị Thỏa còn là cầu nối giúp người dân đến với bảo hiểm y tế tự nguyện.
Bà Lê Thị Thỏa rà soát việc mua thẻ bảo hiểm y tế của người dân trong ấp.Ảnh: V.TUYÊN |
Theo đó, từ năm 2005, bà Thỏa trở thành đại lý bảo hiểm y tế phụ trách ấp 8. Ông Nguyễn Trọng Khải, Trưởng ấp 8, xã Xuân Tây cho biết, những năm qua, ấp 8 là nơi có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Có được kết quả này chính là nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và những cá nhân, trong đó có bà Lê Thị Thỏa.
Bà Thỏa chia sẻ, người dân trong ấp phần nhiều làm nông, số ít có con cái làm công nhân trong các khu công nghiệp xa nhà. Nhiều người muốn mua bảo hiểm theo hộ gia đình để có giá rẻ hơn so với mua theo hình thức cá nhân nhưng không đủ tiền để trả một lần. Bà Thỏa đã lấy tiền riêng của mình trả trước cho người mua. Khi đến kỳ thu hoạch và bán nông sản hay con cái gửi tiền lương về, bà con mới trả dần cho bà.
Bà Thỏa còn tổ chức thực hiện nhiều mô hình hay, có ý nghĩa như: mừng thọ người cao tuổi, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn... Như với mô hình mừng thọ người cao tuổi, thay vì UBND xã, ban ấp thành lập đoàn đến nhà để trao quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, UBND huyện cho người cao tuổi, bà Thỏa vận động nguồn xã hội hóa, một phần đóng góp của gia đình có người cao tuổi được chúc thọ để làm lễ chúc thọ chung. Gia đình mỗi cụ cao tuổi sẽ được bố trí từ 1-2 bàn tiệc để các thành viên trong gia đình cùng nhau chúc thọ các cụ cao tuổi.
Nhờ hiệu quả từ mô hình này mà người cao tuổi đăng ký tham gia sinh hoạt trong Chi hội Người cao tuổi của ấp 8 nơi bà làm chi hội phó ngày càng tăng. Nếu như năm 2009 chỉ có 68 cụ thì nay đã lên đến 253 cụ. Mỗi cụ tham gia đều đóng góp quỹ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để làm công tác thăm hỏi người đau ốm, qua đời, trợ giúp vốn cho hội viên khó khăn.
Ngoài ra, bà Thỏa còn góp công xây dựng 11 tổ tiết kiệm, 1 mô hình hũ gạo tình thương, 1 tổ phụ nữ đoàn kết với sự tham gia của 247 người, góp phần tạo nguồn lực giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần cho phụ nữ khu vực nông thôn.
Võ Tuyên