Đến hết 30-6, học sinh lớp 12 sẽ phải hoàn tất đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Dù đã có định hướng chọn ngành nghề nhưng hiện nay các em vẫn còn nhiều băn khoăn.
Đến hết ngày 30-6, học sinh lớp 12 sẽ phải hoàn tất đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Dù đã có định hướng chọn ngành nghề nhưng hiện nay các em vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ông Trần Nam, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế (Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) tư vấn nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: H.Yến |
* Ngành nào phù hợp?
Đó là câu hỏi của không ít học sinh lớp 12 hiện nay. Em Nguyễn Hoàng Minh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) băn khoăn: “Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đâu là những ngành có cơ hội việc làm cao, xu thế việc làm ở nước ta trong những năm tới là gì? Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn bè xung quanh em. Để tìm câu trả lời, chúng em chọn cách hỏi các anh chị đi trước hoặc tự tìm hiểu trên mạng. Ngoài ra, chương trình tư vấn tuyển sinh cũng là kênh thông tin bổ ích. Chương trình này đã giúp chúng em hiểu được cơ hội việc làm cũng như tiêu chí tuyển dụng của các công ty”.
Chủ động tìm hiểu ngành nghề từ khi mới học lớp 10, em Võ Thị Bích Ngọc, lớp 12A1, Trường THPT Đoàn Kết (H.Tân Phú) cho biết, em đã quyết định đăng ký xét tuyển ngành kinh tế đối ngoại. “Học ngành này, em có thể làm công việc xuất nhập khẩu, logistics. Những ngành này cũng phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, theo chia sẻ của các anh chị đi trước, ngành này có thể tìm việc trái ngành với mức thu nhập tốt, cơ hội việc làm cao” - em Ngọc nói.
Cũng băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường nhưng em Phạm Nguyễn Ngọc Linh, lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Cửu còn quan tâm nhiều đến mức học phí.
ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) là người tham gia nhiều buổi tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT trên địa bàn Đồng Nai. Thầy Quán cho biết, trong giai đoạn hiện nay, học sinh có một số thắc mắc chung như: muốn biết rõ về các ngành nghề mà các em dự định theo đuổi; học phí các chương trình đào tạo; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, vậy sau khi học xong các em có tìm được việc làm hay không?
“Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng đặt câu hỏi liên quan đến ngành nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, nổi bật là nhóm ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp công nghệ cao” - ThS Quán chia sẻ thêm.
* Giúp học sinh giải tỏa băn khoăn
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là phần việc được các trường THPT trong toàn tỉnh chú ý. Đối với Trường THPT Vĩnh Cửu, công tác này được thực hiện ngay từ đầu năm học. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, trường đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cho toàn bộ học sinh lớp 12 đi trải nghiệm thực tế tại các trường đại học. Qua đó, học sinh biết được mình có phù hợp với ngành nghề đã chọn hay không và đưa ra hướng chọn nghề chính xác hơn.
Đầu tháng 6 này, chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với các trường đại học tổ chức cũng đã đến tư vấn trực tiếp tại trường. Cô Bùi Thị Ngọc Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Cửu cho hay: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác thi THPT quốc gia có một số thay đổi. Từ đó, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển hơn. Học sinh hiện chưa nắm được nhiều thông tin này. Do đó, tôi cho rằng các trường cần phổ biến phương thức xét tuyển rộng rãi hơn nữa để học sinh có thể tìm hiểu cặn kẽ, tránh lựa chọn sai, làm mất cơ hội”.
Từ đầu năm học đến nay, Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các trường đại học, cao đẳng đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; thông tin chỉ tiêu của các trường đại học, cao đẳng; các phương thức xét tuyển…
Qua những chương trình này, học sinh được tư vấn kỹ năng chọn ngành, chọn nghề phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, sở thích của cá nhân; điều kiện kinh tế của gia đình.
Riêng trong tháng 6, SởGD-ĐT tiếp tục phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức chương trình Hướng nghiệp - tuyển sinh lần thứ 12 năm học 2019-2020. Theo đó, có 47 trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia với khoảng 22 ngàn học sinh được tư vấn chi tiết về Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thông tin liên quan đến thi, xét tuyển cao đẳng và đại học.
Ngoài ra, từ ngày 22-6 đến 15-7, Sở cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp thuộc Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn tâm lý, sức khỏe mùa thi. Chương trình nhằm cung cấp các kiến thức giúp học sinh giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị tâm lý vững vàng, tạo dựng kỹ năng, phương pháp làm bài thi hiệu quả. Dự kiến, có khoảng 15 ngàn học sinh lớp 12 tại 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ được tham gia chương trình này.
* Vẫn còn thời gian để chọn nghề, chọn trường
Năm nay, các trường đại học tuyển sinh theo nhiều phương thức. Do đó, nếu muốn đậu đại học, học sinh cần tham khảo kỹ thông tin về hình thức xét tuyển của các trường và phải tận dụng tối đa các hình thức xét tuyển. Thí sinh có thể đồng thời sử dụng cả phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT và 1 hình thức xét tuyển khác. Tuy nhiên, khi xét tuyển song song 2 hình thức như vậy, thí sinh nên thống nhất cách ghi nguyện vọng để thuận lợi cho xét nhập học sau khi có kết quả.
Một lưu ý nữa là năm nay chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia giảm hơn so với năm ngoái. Vì vậy, thí sinh nên tăng cường các phương thức xét tuyển khác, để tăng thêm cơ hội cho mình.
Từ nay đến ngày 30-6, học sinh khối 12 phải hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi, ghi nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, việc ghi nguyện vọng này sẽ còn điều chỉnh sau khi biết điểm thi THPT quốc gia (khoảng giữa tháng 9). Do đó, trong thời gian này, học sinh nên tập trung tốt cho việc học, ôn thi để đạt được kết quả tốt nhất. Sau khi thi xong, các em có thể tiếp tục tìm hiểu các ngành nghề, đồng thời căn cứ vào kết quả thi để có điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
Nói về cơ hội việc làm sau khi ra trường, ThS Phùng Quán cho rằng: “Hiện nay, nước ta có hơn 230 tường đại học với hơn 360 ngành đào tạo. Tất nhiên, các ngành này đều cần nhân lực nhưng cần ở mức độ nào thì tùy chiến lược, xu hướng phát triển kinh tế, xã hội mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, các ngành nghề nên được lưu ý là: ngành nghề phục vụ cho các khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...”.
Hiện nay, các trường đại học vừa đào tạo chuyên môn, vừa đào tạo kỹ năng cho sinh viên nhưng khi ra trường nhiều sinh viên vẫn không xin được việc làm. Điều này không phải là do doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng mà là do sinh viên không đủ kỹ năng và thiếu thái độ tích cực. Hai yếu tố trên phụ thuộc chủ yếu vào bản thân sinh viên chứ không phụ thuộc vào quá trình đào tạo ở nhà trường.
62 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển Theo công bố của Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 đã có hơn 63 ngàn thí sinh đăng ký dự thi. Năm nay, Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ tổ chức 1 đợt thi duy nhất vào ngày 16-8. Với số lượng thí sinh đông, đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức thi tại 5 địa điểm: TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Trong đó, địa điểm thi tại TP.HCM có số lượng thí sinh đông nhất (hơn 46.800 thí sinh), các địa điểm còn lại có từ gần 3.000-6.400 thí sinh. Hiện nay, đã có hơn 62 trường đại học và cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển trong năm 2020. |
Hải Yến